+
Aa
-
like
comment

Việt Nam giữ vững vị thế phát triển nhanh nhất Đông Nam Á

Tuệ Ngô - 24/10/2022 14:22

Mới đây, trang Reuters vừa có bài viết nhận định Việt Nam đang giữ vững danh hiệu nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững nhất Đông Nam Á, mặc cho khủng hoảng kinh tế bủa vây.

Theo Reuters, Việt Nam đã đạt mức tăng trưởng hai con số trong quý III, với việc chính phủ nỗ lực cân bằng giữa kiềm chế lạm phát, bảo vệ các hộ gia đình khỏi tác động của chi phí sinh hoạt tăng và duy trì đà phục hồi của nền kinh tế.

Việc Việt Nam hội nhập thành công vào Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) là chìa khóa để hoạt động thương mại tăng trưởng mạnh mẽ.

Việt Nam cũng đã ký các hiệp định thương mại tự do với các nền kinh tế lớn khác như Trung Quốc, Liên minh châu Âu (EU), Anh, Nhật Bản, qua đó tạo môi trường thuận lợi để quan hệ thương mại phát triển.

Bên cạnh đó, Việt Nam gần đây là một trong những nước hưởng lợi nhất từ căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. Khả năng cạnh tranh trong lĩnh vực sản xuất tăng nhanh cũng góp phần đưa Việt Nam vươn lên trở thành một cường quốc xuất khẩu trong khu vực.

Trong thập kỷ qua, giá trị gia tăng của ngành sản xuất của Việt Nam tăng cao nhất, gấp đôi mức tăng của Ấn Độ. Khả năng cạnh tranh của ngành sản xuất được củng cố nhờ chi phí lao động thấp. Lực lượng dân số trẻ tăng nhanh đã giúp duy trì áp lực tiền lương ở mức thấp dù kinh tế tăng trưởng nhanh.

Hơn nữa, Việt Nam rất thành công trong việc thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) nhờ các chính sách ưu đãi của chính phủ.

180 tỷ đồng trái phiếu dùng đầu tư nhà xưởng cho thuê thuộc khu công nghiệp Sóng Thần 3.

Đến năm 2020, Việt Nam có 369 khu công nghiệp, tăng 180% so với năm 2005. Việt Nam đã thăng hạng trong xếp hạng chỉ số “thuận lợi kinh doanh” của Ngân hàng Thế giới (WB), tăng 23 bậc lên thứ hạng 70 so với 10 năm trước. Dòng vốn FDI của Việt Nam cũng tăng nhanh nhất trong khu vực.

Dựa trên các điểm đánh giá năng lực cạnh tranh dựa trên mức độ thuận lợi kinh doanh, chất lượng hậu cần, chi phí tiền lương, tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cũng như những thay đổi trong tỷ trọng xuất khẩu và FDI, Việt Nam được đánh giá là nước có khả năng cạnh tranh cao nhất trong khu vực. Điều này giúp gia tăng thị phần xuất khẩu ấn tượng trong những năm gần đây.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tại nhà máy của Samsung

Để làm rõ nhận định trên, trang Reuters đã trích dẫn hàng loạt đánh giá đến từ các tổ chức quốc tế nói về tình hình kinh tế – xã hội của Việt Nam và dự báo lạc quan về tốc độ tăng trưởng kinh tế nước ta trong năm 2022 và 2023 thuộc nhóm cao nhất Đông Nam Á…

Đặc biệt là GDP quý III tăng cao, đạt 13,67%, góp phần đưa tăng trưởng 9 tháng năm đạt 8,83% (cao nhất từ năm 2011 đến nay). Có 10 địa phương có GRDP 9 tháng năm 2022 tăng trên 11%.

Kinh tế tăng trưởng trên cả 3 khu vực như: Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,99%; công nghiệp và xây dựng tăng 9,63%; khu vực dịch vụ phục hồi mạnh mẽ với mức tăng 10,57%.

Các chuyên gia của Ngân hàng HSBC nhận định, Việt Nam tiếp tục là ‘ngôi sao’ trong thu hút FDI

Nhờ vậy, World Bank, Ngân hàng Thế giới đã dự đoán GDP của Việt Nam có thể tăng 7,2% vào năm 2022, cao nhất trong khu vực Đông Á và Thái Bình Dương, thay vì 5,3% như dự báo hồi tháng 4. Riêng Moody cũng đã nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn của Việt Nam từ mức Ba3 lên mức Ba2, triển vọng ổn định. Trang Nikkei Asia Review cũng xếp Việt Nam ở vị trí thứ 2 về chỉ số phục hồi sau dịch Covid-19.

“Việt Nam là một trong những nền kinh tế thành công nhất thế giới”, ông Baron De Grand Ry, Lãnh sự danh dự Việt Nam tại Bỉ nhận định khi nói về những thành tựu và đà hồi phục đáng ngưỡng mộ của nền kinh tế Việt Nam nói với Reuters.

Tuệ Ngô (Theo Reuters)
Bài mới
Đọc nhiều