Việt Nam: Gieo thay đổi, gặt thành công!

35 năm sau Công cuộc đổi mới kinh tế 1968, Việt Nam được ví như một chú phượng hoàng tái sinh từ tro tàn, không ngừng thay đổi mạnh mẽ để vươn lên những tầm cao mới. Các tổ chức quốc tế, trong đó có IMF đánh giá rất cao về những nỗ lực và thành tựu Việt Nam đã đạt được trên con đường phát triển kinh tế.

Mới đây, Trang The Star của Malaysia đã có cuộc phỏng vấn với bà Era Dabla-Norris, Trợ lý khu vực Châu Á – Thái Bình Dương của Quỹ Tiền tệ quốc tế IMF về tiến trình cải cách kinh tế của Việt Nam.

Theo bà Era Dabla-Norris, nhìn lại 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử rất quan trọng. Quy mô, trình độ nền kinh tế được nâng lên; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện rõ rệt. Việt Nam chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay. Đây là niềm tự hào, là động lực, nguồn lực quan trọng, là niềm tin để Việt Nam vượt qua mọi khó khăn, thách thức, tiếp tục vững bước trên con đường đổi mới toàn diện, đồng bộ; phát triển nhanh và bền vững đất nước.

Có thể thấy rằng, kể từ năm 1986 – khi quá trình đổi mới được thực hiện, cùng với các xu hướng toàn cầu, Việt Nam từ một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới đã trở thành nền kinh tế có thu nhập trung bình. Giai đoạn 2002 – 2021, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) bình quân đầu người tăng 3,6 lần, đạt gần 3.700 USD, tỷ lệ đói nghèo giảm mạnh xuống còn 5%, với trên 10 triệu người được thoát nghèo.

Đặc biệt, IMF đánh giá cao quá trình phục hồi kinh tế của Việt Nam sau đại dịch Covid-19. Trong hai năm qua, Việt Nam phải đối diện với hàng loạt những khó khăn do đại dịch gây nên. Tuy nhiên chỉ trong thời gian ngắn, Việt Nam đã chuyển sang chuyển trạng thái “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”. Nhờ có những nền tảng vững chắc, nền kinh tế đã chứng tỏ được khả năng phục hồi qua các cuộc khủng hoảng khác nhau. Điển hình trong đại dịch Covid-19, Việt Nam là một trong số ít quốc gia đạt mức tăng trưởng GDP dương vào năm 2021 – thời điểm dịch bệnh bùng phát mạnh mẽ nhất trên toàn cầu.

Những nỗ lực đổi mới trong 35 năm qua đã giúp cho môi trường đầu tư liên tục được cải thiện, nhờ đó đã thu hút ngày càng nhiều hơn vốn đầu tư cho phát triển. Tính riêng năm 2021, vốn đầu tư phát triển toàn xã hội thực hiện theo giá hiện hành đạt 2.046,8 nghìn tỷ đồng; tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 38,02 tỷ USD, cao nhất trong vòng 10 năm lại đây. Bên cạnh đó, Việt Nam vẫn duy trì là một điểm đến hấp dẫn trong làn sóng chuyển dịch đầu tư ra khỏi nước láng giềng Trung Quốc.

Bà Era Dabla-Norris cũng nhận định, từ là một quốc gia kém phát triển và “thiếu ăn”. Đến nay, Việt Nam đã trở thành một trong những nước xuất khẩu nông sản lớn trên thế giới. Kim ngạch xuất khẩu của nhiều mặt hàng nông sản, như cà phê, gạo, hạt điều, rau quả, tôm, gỗ và sản phẩm từ gỗ… luôn duy trì ở mức cao. Các mặt hàng xuất khẩu khác cũng có bước tiến lớn.

Đặc biệt, trong bối cảnh bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 khiến hoạt động thương mại và đầu tư thế giới suy giảm, thì tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam năm 2021 vẫn đạt 543,9 tỷ USD, tăng 5,1% so với năm 2020; xuất siêu 19,1 tỷ USD – cao nhất trong 5 năm liên tiếp xuất siêu kể từ năm 2016. Với kim ngạch xuất nhập khẩu ấn tượng, con số này đã đưa Việt Nam xếp thứ 22 thế giới về quy mô kim ngạch và năng lực xuất khẩu, đứng thứ 26 về quy mô thương mại quốc tế.

Bên cạnh đó, bảy tháng đầu năm 2022, trong bối cảnh tình hình chính trị và kinh tế trên thế giới có nhiều biến động do chiến sự Nga – Ukraine, các hoạt động sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam vẫn tiếp tục xu hướng phục hồi tốt. Nhiều giải pháp đồng bộ được triển khai quyết liệt để giảm giá xăng dầu, ổn định giá điện nước, duy trì mặt bằng tỷ giá, lãi suất hợp lý… Nhờ đó, ổn định kinh tế vĩ mô tiếp tục được giữ vững; lạm phát được kiểm soát dưới mức mục tiêu đề ra; áp lực chi phí đầu vào được giảm đáng kể; hỗ trợ tích cực cho phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội, ổn định và cải thiện đời sống người dân.

Tiếp đó, khi được hỏi về tiến trình hội nhập kinh tế của Việt Nam, bà Era Dabla-Norris cho biết, 35 năm đổi mới cũng là một chặng đường Việt Nam hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng trên nhiều cấp độ, đa dạng về hình thức. Từ khi gia nhập WTO đến nay, Việt Nam đã ký kết 15 FTA khu vực và song phương và đang đàm phán 2 FTA với các đối tác khác. Các FTA mà Việt Nam tham gia có độ phủ rộng hầu hết các châu lục với gần 60 nền kinh tế có tổng GDP chiếm gần 90% GDP thế giới. Do đó, việc tham gia và thực thi các FTA đã mang lại những cơ hội lớn cho Việt Nam, tác động tích cực tới phát triển kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, doanh nghiệp và sản phẩm…Việt Nam cũng là thành viên chủ động, tích cực và có trách nhiệm cao trong các tổ chức quốc tế, trở thành nước có vị thế và vai trò ngày càng cao ở khu vực và được cộng đồng quốc tế rất tôn trọng.

“Về chương trình tái cấu trúc nền kinh tế, Việt Nam đã và đang đi đúng hướng trong việc đẩy mạnh chương trình cải cách. Thành thật, Việt Nam đã gieo thay đổi và gặt được thành công một cách rất đáng ngưỡng mộ”, bà Era Dabla-Norris vui mừng chia sẻ.

Thực hiện: Lan Hoa

Đồ họa: M.N