Việt Nam ghi nhận thêm một ca mắc COVID-19
Chiều tối ngày 24/7, Bộ Y tế cho biết ghi nhận thêm 1 trường hợp mắc COVID-19. Bệnh nhân được cách ly ngay sau nhập cảnh, không lây ra cộng đồng.
Bệnh nhân 413 là nam giới, 31 tuổi, quốc tịch Myanmar, thủy thủ tàu IPANEMA, xuất cảnh Nhật Bản ngày 16/6/2020, nhập cảnh cảng Hòn Gai ngày 23/06/2020.
Bệnh nhân được cách ly tại tàu không lên đất liền ngay sau khi nhập cảnh; đến ngày 6/7/2020 được đưa vào tiếp tục cách ly tại khách sạn Vân Long, tỉnh Quảng Ninh.
Ngày 9/7/2020, bệnh nhân được lấy mẫu xét nghiệm và cho kết quả âm tính với SARS-CoV-2; ngày 23/7 lấy mẫu xét nghiệm cho kết quả dương tính với SARS-CoV-2. Hiện bệnh nhân đang được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư.
Liên quan đến ca nghi nhiễm COVID-19 tại Đà Nẵng, Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống COVID-19 cho biết, cơ quan chức năng đã tiến hành phun hóa chất khử khuẩn tại Bệnh viện C, Trung tâm tim mạch – Bệnh viện Đà Nẵng.
Các biện pháp phòng chống dịch khẩn cấp đã được tiến hành. Trong đó, tổ chức họp khẩn, làm việc với Bệnh viện C, Bệnh viện Đà Nẵng để thống nhất phương án kiểm soát, phòng, chống dịch bệnh tại Bệnh viện C và Bệnh viện Đà Nẵng và điều trị bệnh nhân.
Lập danh sách địa điểm bệnh nhân từng di chuyển đến, nhân viên, cán bộ y tế, người nhà, bệnh nhân nội trú từng tiếp xúc với bệnh nhân, cách ly các trường hợp tiếp xúc gần tại Bệnh viện Đà Nẵng và Bệnh viện C, quán triệt tinh thần huy động mọi nguồn lực, nỗ lực phối hợp điều trị, không để bệnh nhân tử vong.
Trước tình hình diễn biển của bệnh nhân, Bệnh viện Đà Nẵng và Bệnh viện C đã hội chẩn và xin ý kiến của Ban Chỉ đạo thành phố, Cục Quản lý Khám chữa bệnh – Bộ Y tế. Vào lúc 6h00 ngày 24/7/2020, bệnh nhân đã được chuyển sang Bệnh viện Đà Nẵng để tiếp tục điều trị.
Ban Chỉ đạo đã xây dựng phương án phong tỏa Bệnh viện C Đà Nẵng theo hướng hướng dẫn của Bộ Y tế tại Quyết định số 1551/QĐ-BYT ngày 03/4/2020 về việc ban hành “Hướng dẫn cách ly y tế tại cơ sở khám, chữa bệnh trong phòng, chống dịch COVID-19″.
Chỉ đạo chuyên môn đối với Bệnh viện C Đà Nẵng lập tức triển khai ngay các biện pháp ngăn chặn, hạn chế bệnh nhân, người nhà, cán bộ y tế ra vào các vị trí, khoa, phòng bệnh nhân đã từng di chuyến đến cho đến khi các trường hợp liên quan có kết quả xét nghiệm âm tỉnh với vi rút SARS-CoV-2. Nếu một trong các trường hợp này có kết quả xét nghiệm dương tính với vi rút SARS-CoV-2, lập tức điều tra các trường hợp tiếp xúc gần, tiếp xúc gần với trường hợp tiếp xúc gần để cách ly ngay tại khu vực riêng biệt trong bệnh viện.
Sở Y tế chỉ đạo các đơn vị liên quan tiếp tục tổ chức điều tra thêm yếu tố dịch tễ, điều tra tất cả các trường hợp đã tiếp xúc gần với bệnh nhân, các trường hợp có tiếp xúc với các trường hợp tiếp xúc gần để áp dụng các biện pháp cách ly, giám sát, theo dõi chặt chẽ theo đúng quy định.
Xin ý kiến chỉ đạo, hỗ trợ về chuyên môn của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, Bộ Y tế trong công tác kiểm soát dịch bệnh tại địa phương và điều trị bệnh nhân.
Tham mưu Ban Chi đạo phòng, chống dịch COVID-19 thành phố ban hành Quyết định áp dụng biện pháp cách ly vùng có dịch tại nơi lưu trú của bệnh nhân; chỉ đạo Bệnh viện C Đà Nẵng thiết lập biện pháp cách ly quy mô khoa, phòng hoặc toàn bệnh viện.
Đề nghị Bệnh viện Đà Nẵng tiếp nhận điều trị bệnh nhân, huy động mọi nguồn lực điều trị tích cuc đối với bệnh nhân tại bệnh viện Đà Nẵng.
Chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tiếp tục phối hợp với Bệnh viện C Đà Nẵng, Trung tâm Y tế Liên Chiếu, Trung tâm Y tế quận Hải Châu và các đơn vị liên quan phun hoá chất Chloramin B khử trùng phòng chống dịch bệnh COVID-19 tại Bệnh viện, nhà bệnh nhân và các địa điểm liên quan.
Chuẩn bị các nội dung để thông báo người dân đã từng tiếp xúc với bệnh nhân trong vòng 14 ngày để chủ động theo dõi sức khỏe, báo cáo tình trạng sức khỏe, đến cơ sở y tế để được tư vấn xét nghiệm và áp dụng các biện pháp can thiệp y tế kịp thời (nếu cần thiết).
Thực hiện tuyên truyền cho người dân để chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, cung cấp kịp thời thông tin khách quan cho người dân để người dân biết và không hoang mang trong dư luận xã hội.
Tại Việt Nam, đã 99 ngày không có ca lây nhiễm trong cộng đồng. Dự kiến, ngày 28/7 tới sẽ đón khoảng 250 người lao động của Việt Nam ở Guinea xích đạo về nước, trong đó có khoảng 120 bệnh nhân mắc COVID-19.
Việt Nam đứng thứ 160/215 quốc gia, vùng lãnh thổ có ca mắc trên thế giới; 6/11 quốc gia có ca mắc trong khu vực Đông Nam Á. Tại khu vực ASEAN, tất cả các quốc gia trong khu vực đều có người mắc bệnh.
Tổng số trường hợp mắc COVID-19 được chữa khỏi ở nước ta là 365 trên tổng số 413 bệnh nhân COVID-19 (chiếm 87% tổng số bệnh nhân). Việt Nam chưa có trường hợp nhiễm COVID-19 nào tử vong. Tất cả các ca bệnh mới được phát hiện đều được cách ly ngay khi nhập cảnh, không có khả năng lây lan ra cộng đồng.
Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 đề nghị người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới, tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng chống dịch theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ với “nhiệm vụ kép”, vừa phát triển kinh tế, vừa phòng chống dịch COVID-19, cương quyết không để dịch bệnh lây nhiễm trong cộng đồng, biên giới phải được kiểm soát tốt.
Thái Hà/TP