+
Aa
-
like
comment

Việt Nam được và mất gì trước sự cấm vận của phương Tây với Nga?

Mai Anh - 21/03/2022 22:56

Trước làn sóng cấm vận của các nước phương Tây nhằm vào Nga, Việt Nam chúng ta là một quốc gia trung lập sẽ bị ảnh hưởng như thế nào?

Tổng thống Joe Biden cam kết cùng đồng minh buộc Nga “trả giá đắt” vì hành vi gây hấn ở Ukraine nhưng trong chuyện cấm vận dầu Nga, Mỹ có thể phải hành động một mình.

Vấn đề nào cũng có hai mặt, tác động của làn sóng cấm vận của các nước phương Tây nhằm vào Nga cũng vậy, nó đưa ra cho Việt Nam những vấn đề cơ hội và thách thức không hề nhỏ. Nếu kịp thời nắm bắt cơ hội, vị thế của Việt Nam sẽ được nâng tầm, và ngược lại những thách thức cũng là một vấn đề cần được đánh giá kỹ lưỡng trước khi đưa ra quyết định.

Trước hết về mặt chính trị, Việt Nam là một quốc hòa bình, độc lập và quan trọng nhất là chúng ta ở vị trí “trung lập”, như Thủ tướng Phạm Minh Chính đã khẳng định: “Chúng ta không “chọn bên” mà chọn lẽ phải, xu hướng thời đại là hòa bình, hợp tác và phát triển”. Với tính trung lập, Việt Nam hoàn toàn giữ nguyên mối quan hệ song phương với Mỹ, các nước phương Tây và cả Nga, không hề bị ảnh hưởng như các nước đồng minh của hai phía. Hơn nữa, Việt Nam là một biểu tượng của hòa bình, chắc chắn là địa chỉ tin cậy trong quá trình đàm phán hòa bình, giống như cách mà Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ – Triều đã diễn ra tại Việt Nam.

Về mặt kinh tế, chúng ta có những cơ hội và thuận lợi nhất định. Tranh thủ việc Mỹ và Nga đánh thuế cao đối với đối thủ và đồng minh, với tư cách trung lập, Việt Nam hoàn toàn có thể tranh thủ xuất khẩu hàng hóa có chất lượng tương đương nhưng giá thành thấp hơn vào hai thị trường Mỹ và Nga. Là một đất nước có thế mạnh về xuất khẩu nông nghiệp, việc tăng giá thực phẩm trên toàn cầu cũng góp phần thu về lợi nhuận không nhỏ cho Việt Nam. Đặc biệt, giá xăng thế giới liên tục tăng cao, với lợi thế xuất khẩu dầu thô thì Việt Nam hưởng lợi là điều đương nhiên.

Các giao dịch bán thu lời sau khi giá dầu thô lên mức cao nhất 13 tháng đang được đẩy mạnh.

Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, thời cơ, Việt Nam cũng gặp phải một số thách thức. Việc tăng giá xăng, dầu, ga và nhiều mặt thiết yếu, thậm chí là khan hiếm nguồn cung, vấn đề này đã ảnh hưởng không nhỏ đến sinh hoạt và sản xuất của người dân, nhất là ảnh hưởng đến những doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ vận chuyển. Nền kinh tế bị cấm vận đã khiến các nhà đầu tư từ Nga chậm hoặc trì hoãn việc đầu tư các dự án tại Việt Nam như Dự án Nhiệt Điện Long Phú 1; điện khí Quảng Trị; điện gió ngoài khơi Vĩnh Phong…. Từ đó ảnh hưởng đến sự phát triển của ngành công nghiệp năng lượng của Việt Nam. Ngoài giá xăng, dầu thì giá phân bón trong nước cũng liên tục tăng, tác động trực tiếp đến nhà nông. Không chỉ vậy, đồng Rúp (Nga) mất giá mạnh ảnh hưởng không nhỏ đến ngành du lịch, nhất là du lịch tại Khánh Hòa sẽ mất đi một lượng đáng kể khách du lịch Nga, đây là những khách “chịu chi” khi tiêu bình quân hơn 1.500 USD/người, trong khi đó, khách Hàn Quốc là 739 USD/người và Trung Quốc là 583 USD/người,…

Lượng khách du lịch Nga đến Việt Nam giảm rõ rệt.

Rõ ràng, chiến sự tại Ukraine đã gây ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế thế giới và tác động không nhỏ đến Việt Nam, nhưng với tinh thần “vượt khó” và đường lối ngoại giao đúng đắn, chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng rằng Việt Nam sẽ thích ứng tốt với tình hình hiện nay, đồng thời có những giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo đà phát triển kinh tế, tiếp tục nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Mai Anh 

Bài mới
Đọc nhiều