+
Aa
-
like
comment

Việt Nam đủ sức đối phó với hành động leo thang căng thẳng của Trung Quốc ở biển Đông

Đặng Trường - 23/04/2020 09:11

Những ngày qua, lợi dụng việc các nước trên thế giới đang tập trung chống dịch Covid-19, Trung Quốc đã thực hiện hàng loạt hành động leo thang căng thẳng ở biển Đông. Việt Nam sẽ làm gì trước âm mưu độc chiếm biển Đông của Trung Quốc ngày càng bành trướng, ngang ngược?

Đảo đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam bị Trung Quốc chiếm đóng và xây thành đảo nhân tạo trái phép.

Ngày 10/4, Trung Quốc đánh dấu sự hiện diện trở lại của mình bằng việc đưa tàu sân bay Liêu Ninh cùng 4 tàu chiến hộ tống, 1 tàu hậu cần băng ngang eo biển Miyako và Bashi vào Biển Đông để tiến hành tập trận. Sau đó 4 ngày, nhóm tàu Hải Dương 8 cùng tàu hải cảnh của Trung Quốc đi ngang vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam và sau đó tiến hành khảo sát gần khu vực đang khai thác của hãng dầu khí quốc gia Malaysia Petronas, cũng gần vùng biển chồng lấn giữa Việt Nam – Malaysia. Ngày 17/4, sau khi Việt Nam gửi công hàm phản đối yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông thì đất nước láng giềng này cũng gửi lên Liên Hợp quốc (UN) một tài liệu gọi là công điện năm 1958 của Thủ tướng Phạm Văn Đồng.

Sự ngang ngược và phi lý của Trung Quốc tiếp tục được thể hiện rõ, vào ngày 18/4, Chính phủ Trung Quốc phê chuẩn thành lập “quận Tây Sa” tức là quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam và “quận Nam Sa” tức là quần đảo Trường Sa của Việt Nam tại “thành phố Tam Sa” do Trung Quốc chiếm đóng và bồi đắp thành đảo nhân tạo phi pháp hồi 2012. Chưa dừng lại ở đó, ngày 19/4, Bộ Dân chính Trung Quốc còn công bố “danh xưng tiêu chuẩn” cho 25 đảo, bãi đá ngầm cùng 55 thực thể địa lý dưới đáy biển ở Biển Đông và hầu hết nằm trong hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam. Với bản chất vừa ăn cướp vừa la làng, ngày 21/4, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng còn tuyên bố chủ quyền phi lý trên biển Đông.

Đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam đang bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép.

Thông qua hàng loạt hành động gây hấn và quấy nhiễu trên Biển Đông liên tục thời gian qua, cả trên thực địa lẫn công hàm, giấy tờ, có thể thấy được âm mưu thực sự của Trung Quốc là đang đẩy mạnh hợp pháp hóa yêu sách “đường lưỡi bò” để dễ dàng chiếm lấy Biển Đông làm “ao nhà”.

Tuy nhiên, xin nhắc lại lịch sử chủ quyền, Việt Nam có đủ bằng chứng lịch sử và pháp lý khẳng định chủ quyền đối với hai Quần Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam từ thế kỷ 17,18. Dưới Triều Nhà Nguyễn đã tổ chức khai thác tài nguyên, đánh bắt hải sản. Đến đầu thế kỷ XIX, với tư cách là một nhà nước, nhà Nguyễn đã chính thức xác lập chủ quyền trên 2 quần đảo này và chịu sự quản lý xuyên suốt cả thời kỳ Pháp thuộc đến chế độ cũ, trước khi Trung Quốc xua quân đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa vào tháng 1 năm 1974 và các đảo phía Đông quần đảo Trường Sa năm 1988. Đối với lịch sử chủ quyền của Trung Quốc, dựa trên các sử liệu “Cổ Kim đồ thư tập thành”, “Hoàng dư toàn lãm phân tỉnh đồ”, “Quảng Đông toàn đồ” và “Đại Thanh đế quốc toàn đồ”, tất cả đều KHÔNG thể hiện cái gọi là “Tây Sa” (Hoàng Sa của Việt Nam) và “Nam Sa” (Trường Sa của Việt Nam) như Trung Quốc đang gọi hiện nay. Đặc biệt, trong nhưng tấm bản đồ phương Tây lưu giữ được cũng thể hiện phần lãnh thổ cực nam của Trung Quốc chỉ đến đảo Hải Nam. Rõ ràng Trung Quốc không hề có bất kỳ chứng cứ lịch sử và pháp lý nào về chủ quyền trên Quần đảo Hoàng sa và Trường Sa. Vậy mà họ lại liên tục giở trò để cướp lấy thứ không thuộc về mình.

Bản đồ cổ của Trung Quốc không có hai quần đảo Trường Sa Và Hoàng Sa.

Hiện nay, Việt Nam vẫn đang đấu tranh pháp lý với Trung Quốc, bác bỏ công hàm của họ liên quan đến việc đề nghị Liên Hiệp quốc công nhận cái gọi là “Tứ Sa”. Trung Quốc rất gian manh khi đề nghị UN công nhận “Tứ Sa” chứ không phải là “đường lưỡi bò”. Đây là kế “man thiên quá hải” nghĩa là giấu trời để qua biển, là chiến thuật mới thay thế “đường lưỡi bò” nhưng thực chất nếu Trung Quốc kiểm soát “Tứ Sa” thì mục đích của họ đã đạt được bởi “Tứ Sa” bao gồm bốn nhóm đảo: Đông Sa (quần đảo Pratas), Tây Sa (quần đảo Hoàng Sa), Nam Sa (quần đảo Trường Sa) và Trung Sa (bãi Macclesfield); đồng thời, cũng đòi hỏi quyền được hưởng vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý (gần như toàn bộ Biển Đông) xung quanh bốn khu vực quần đảo này. Nếu không tỉnh táo để cùng nhau vạch trần âm mưu này cũng như để tất cả người dân Việt Nam hiểu thì rất có thể trong tương sẽ có những hành động vô tình tiếp tay tuyên truyền chủ quyền phi lý của Trung Quốc trên biển Đông.

Trong những năm gần đây, Việt Nam đã và đang nỗ lực hết mình để bảo vệ chủ quyền biển đảo. Trước sự hung hăng và ngang tàng của Trung Quốc trên biển Đông, Việt Nam đã sử dụng tổng hợp các biện pháp trên cơ sở tôn trọng Luật pháp quốc tế, vừa mềm dẻo vừa cứng rắn kịp thời, kết hợp đấu tranh dư luận từ bên ngoài, tăng cường hợp tác quốc tế, cũng như sử dụng kênh ngoại giao trực tiếp với Trung Quốc để hóa giải căng thẳng. Giải pháp khôn ngoan kỳ thực đã mang về hiệu quả, nước ta vừa không để Trung Quốc tác oai tác quái trong vùng biển của mình, Trung Quốc cũng không có cớ phát động chiến tranh mà còn buộc nước này phải duy trì mối quan hệ bang giao giữa hai nước. Người nông dân sản xuất nông sản có thể tìm được thị trường tiêu thụ là Trung Quốc, giữ được chén cơm và kinh tế gia đình.

Bên cạnh đó, nước ta vẫn luôn cùng các nước đấu tranh để đạt được một Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông có hiệu lực pháp lý, nhằm ngăn ngừa những hành động không tôn trọng luật quốc tế, làm phức tạp thêm tình hình. PGS.TS Nguyễn Hồng Thao khẳng định: “Việt Nam luôn kêu gọi các nước hợp tác, tìm kiếm một giải pháp hòa bình, cơ bản và lâu dài cho vấn đề Biển Đông. Mặt khác Việt Nam cần luôn cảnh giác và đẩy mạnh xây dựng tiềm lực kinh tế, quốc phòng của đất nước, sẵn sàng với mọi tình huống có thể xảy ra”. Qua đó, có thể thấy, Việt Nam vẫn đang “đấu trí” từng chút từng chút một với Trung Quốc trong vấn đề chủ quyền biển đảo. Sự kiên trì, nhẫn nại là một trong trong những yếu tố quan trọng giúp Việt Nam có thể chiến thắng được những chiêu trò thủ đoạn của Trung Quốc trên biển Đông. Nếu như vội vàng thì rất dễ mắc sai lầm mà như như chúng ta đã biết, trong pháp lý, chỉ cần mắc một sai lầm nhỏ thồi thì có thể mất luôn quyền chủ quyền và quyền tài phán với vùng biển của mình.

Lực lượng chấp pháp của Việt Nam liên tục bám sát thực địa.

Nói để thấy, Việt Nam chưa bao giờ từ bỏ quyền chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Vậy mà trang “Thoibao.de” lại lợi dụng việc Trung Quốc leo thang căng thẳng ở biển Đông để tung ra những nội dung tiếp tay cho hành động phi pháp của Trung Quốc. Một số tài khoản FB mang tên Quốc Ấn Mai, Hà Mạnh Ly, Le Thi Thanh Binh,… còn rêu rao luận điệu xuyên tạc “Việt Nam bán đảo cho Trung Quốc”. Thử hỏi âm mưu thực sự của bọn chúng là gì? Chẳng phải kích động người dân biểu tình chống Trung Quốc, chống chính quyền, gây mất an ninh trật tự như vụ biểu tình phản đối Trung Quốc hạ đặt giàn khoan năm 2014. Nhưng suy kỹ mà xem, dù nhân dân ta có biểu tình thì chắc chắn Trung Quốc cũng không từ bỏ dã tâm chiếm biển Đông của họ. Trong khi hậu quả thương vong, thiệt hại tài sản, kinh tế thì chỉ có nhân dân ta gánh chịu. Hay kể như việc một số người muốn Việt Nam kiện Trung Quốc ra Tòa án quốc tế để đòi Hoàng Sa nhưng nhìn xem Phillipiness thắng kiện họ, mất 10 triệu USD tiền phí và mất luôn bãi cạn Scarborough.

Vậy nên, để Việt Nam giành chiến thắng trước Trung Quốc trong “ván cờ” trên biển Đông thì rất cần những người dân yêu nước bằng trái tim nóng và cái đầu lạnh, biết đoàn kết, tin tưởng vào đường lối đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo của Đảng, Nhà nước. Chắc chắn, Việt Nam sẽ có những quyết sách đúng đắn nhất để chế ngự được Trung Quốc.

Đặng Trường 

Bài mới
Đọc nhiều