Trước bối cảnh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất tác động tới các nền kinh tế, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Dứt khoát không hoang mang, dao động, cũng không lơ là, chủ quan, mất cảnh giác; Chủ động nắm bắt tình hình, giữ vững bình tĩnh, tự tin, bản lĩnh, linh hoạt, sáng tạo trong điều hành. Mục tiêu là ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn, đây là ưu tiên xuyên suốt, vừa trước mắt, vừa lâu dài.
FED công bố đợt tăng lãi suất tiếp theo với mức tăng 0,75 điểm phần trăm, nâng lãi suất cơ bản lên mức 3%-3,25%, cao nhất kể từ tháng 1/2008. Đây là lần tăng lãi suất thứ 5 liên tiếp của Mỹ trong năm nay, đồng thời cũng là lần thứ 3 liên tiếp FED tăng lãi suất với mức 0,75 điểm phần trăm, biện pháp đã không được dùng đến trong nhiều thập kỷ.
Việc FED tăng lãi suất hiện nay và tiếp theo sẽ có những tác động rõ nét hơn đến kinh tế – tài chính Việt Nam (dù ở mức độ ít hơn so với các nước mới nổi và phát triển khác) trên ít nhất là 4 phương diện. Đó là hoạt động thương mại, tỷ giá USD/VNĐ, lãi suất trong nước và dòng vốn đầu tư.
Ngay sau động thái của FED, sáng ngày 22/9, tại phiên họp Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã chỉ đạo “nóng” các nhiệm vụ, giải pháp để ứng phó với việc Fed tăng lãi suất, đây là hành động rất kịp thời.
Một trong những nội dung được Thủ tướng nhấn mạnh là phải thực hiện chính sách tiền tệ thận trọng, chắc chắn, bảo đảm tính chủ động, linh hoạt, hiệu quả. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phải điều hành chủ động, linh hoạt phù hợp công cụ tỷ giá, lãi suất, tăng trưởng tín dụng, lựa chọn thứ tự ưu tiên, trước mắt nghiên cứu hướng tăng lãi suất huy động; ổn định hoặc giảm lãi suất cho vay; Đẩy mạnh triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2% cho doanh nghiệp; Đẩy mạnh công tác truyền thông, tránh kỳ vọng tiêu cực.
Thực hiện chỉ đạo nóng của Thủ tướng Chính phủ, NHNN đã phát đi thông báo tăng một loạt lãi suất điều hành, nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ phục hồi kinh tế, ổn định tỷ giá và thị trường ngoại hối, đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng. Như vậy, lần đầu tiên sau 2 năm, NHNN đã tăng lãi suất điều hành đối với trần lãi suất huy động, lãi suất tái chiết khấu, tái cấp vốn. Trước đó vào năm 2020, trong bối cảnh lãi suất huy động trên thị trường của các ngân hàng giảm mạnh và dịch Covid-19 bùng phát, NHNN đã có tới ba lần giảm lãi suất điều hành nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn.
Thực tế là, trong bối cảnh đồng tiền nhiều nước mất giá rất mạnh so với đồng USD thì VND vẫn thuộc nhóm ít mất giá nhất so với khu vực và thế giới. Chính phủ đã kiên trì các giải pháp theo mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, nhưng “ổn định không có nghĩa là cố định” mà theo sát mọi diễn biến để điều hành phù hợp với tình hình. Do đó, việc tăng lãi suất điều hành của NHNN nhằm tiếp tục thực hiện các biện pháp góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ phục hồi kinh tế, ổn định tỉ giá và thị trường ngoại hối, bảo đảm an toàn hoạt động ngân hàng; tiếp tục điều hành linh hoạt, phối hợp đồng bộ các công cụ và giải pháp chính sách tiền tệ…
Cho đến thời điểm này, Việt Nam đang kiểm soát tốt lạm phát nhưng cũng cần lưu ý rằng FED và nhiều ngân hàng Trung ương trên thế giới có khả năng sẽ còn tiếp tục tăng lãi suất (có thể tăng đến giữa năm 2023 và thậm chí đến hết năm 2023) khi mà giá cả, lạm phát còn ở mức cao.
Chính vì vậy, trong bối cảnh hiện tại, thiết nghĩ, cơ quan quản lý cần theo dõi sát, tính toán các cân đối lớn và điều hành linh hoạt là rất cần trong năm nay. Cần theo dõi phản ứng của thị trường trong thời gian tới, từ đó tính toán tác động định lượng cụ thể để có những điều chỉnh thích hợp nếu cần thiết.
Ví dụ về mặt lãi suất, cần tiếp tục theo dõi xem mức độ tác động ảnh hưởng của lần tăng lãi suất này của FED đến đâu cũng như khả năng cung ứng, cân đối thị trường tiền tệ, tín dụng trong nước như thế nào để điều hành lãi suất phù hợp, linh hoạt, phản ánh được thực tế.
Bên cạnh đó, khi mặt bằng lãi suất huy động tăng, để giữ được lãi suất cho vay không tăng thì cần các công cụ khác để giảm bớt chi phí giao dịch của các ngân hành thương mại.
Trong bối cảnh này, cần các biện pháp mang tính kỹ thuật của cả NHNN, Bộ Tài chính và các bên liên quan khác để đảm bảo được sự điều hành linh hoạt.
Với nền kinh tế mở và hội nhập sâu, chúng ta đi một bước nhưng đồng thời cũng phải tính đến bước tiếp theo sẽ thế nào cho phản ứng tương thích, phù hợp.
ND: Diệu Hương
Đồ họa: M.N