+
Aa
-
like
comment

Việt Nam đổi chiến thuật, “tấn công” biến thể nCov lây nhanh nhất thế giới

Hồng Anh - 11/05/2021 17:37

Việt Nam đang phải đối mặt với đợt dịch thứ 4 hết sức phức tạp, virus biến thể lây lan nhanh, đa ổ dịch. Trong 1 tuần, số ca nhiễm tăng nhanh, có thời điểm đã lên tới 3 con số.

Biến thể lây lan nhanhNgày 27/4, Việt Nam ghi nhận ca nhiễm trong nước đầu tiên (Yên Bái), sau đó liên tục các ca nhiễm trong nước được ghi nhận tại Hà Nam, Vĩnh Phúc, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TW, Bệnh viện K, Bắc Ninh…

Ngày 10/5, lần đầu tiên Việt Nam xác lập kỷ lục ghi nhận số ca nhiễm trong nước vượt ba chữ số, 125 ca. Đến nay, Hà Nội vẫn đang là địa bàn “nóng” nhất với 99 ca được công bố. Bắc Ninh cũng đang có số ca tăng nhanh với 98 ca. Theo số liệu của Bộ Y tế, tính tới trưa ngày 11/5, Việt Nam đã có 486 ca lây nhiễm trong nước.

Đợt dịch thứ 4 xác định 4 nguồn lây chính. Ảnh minh hoạ.

Theo Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 tình hình dịch bệnh trên thế giới, khu vực và cụ thể sát nước ta là Lào, Campuchia vẫn rất phức tạp. 2 tuần qua dịch Covid-19 đã lây lan ra 26 tỉnh/thành phố. Xuất hiện nhiều ổ dịch, nhiều hình thái lây mới như: từ khu cách ly, bệnh viện, trên máy bay, trong quán bar, karaoke, đám cưới…

Đến nay, các chuyên gia nhận định có bốn nguồn lây nhiễm dịch: Đà Nẵng, Yên Bái, Bệnh viện K và Bệnh viện bệnh Nhiệt Đới Trung ương cơ sở 2; nguồn dịch mới xuất hiện tại Hải Dương là ca bệnh nhập cảnh trái phép từ Lào.

Mới đây, các mẫu giải trình tự gen do Viện Vệ sinh Dịch tễ TW thực hiện đều ghi nhận việc xuất hiện 2 biến thể kép của virus SARS-CoV-2: biến thể của Anh và biến thể Ấn Độ. Cả 2 biến thể đều có tốc độ lây lan nhanh.

PGS, TS Trần Đắc Phu, cố vấn Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho biết thêm, chủng virus mới của Ấn Độ xuất hiện tại Việt Nam và có thời gian lây nhiễm rất nhanh, chỉ trong 1-2 ngày các trường hợp F1 nhanh chóng thành F0, và cũng chỉ trong vài ngày, F2 trở thành F0 nên phải hết sức cảnh giác.

“Với biến chủng mới, Việt Nam vẫn giữ nguyên chiến lược phát hiện sớm, truy vết thần tốc, khoanh vùng dập dịch, cách ly và điều trị hiệu quả và thực hiện xét nghiệm. Về phía người dân, tôi lưu ý chúng ta không nên quá lo lắng song không được chủ quan.

Chúng ta phải lưu ý luôn luôn phải thực hiện 5K, trong đó, việc khai báo y tế rất quan trọng. Bởi khi cần thiết, các cơ quan y tế có thể dựa vào những thông tin này để truy vết và tư vấn phòng, chống dịch cho chúng ta”, ông Phu nói.

Đối phó với biến thể virus SARS-CoV-2 lây lan nhanh nhất thế giới: Việt Nam đổi chiến thuật từ "chạy theo" sang "tấn công"
Đối phó với biến thể virus SARS-CoV-2 lây lan nhanh nhất thế giới: Việt Nam đổi chiến thuật từ “chạy theo” sang “tấn công”

Chuyển sang thế “tấn công”

Theo GS, TS Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Y tế, nếu như ở đợt dịch thứ 3, Việt Nam phải đối mặt với biến thể mới của virus SARS-CoV-2 của Anh với tốc độ lây lan, thì đợt dịch lần thứ 4 này, biến thể của Ấn Độ còn khó khăn, thách thức hơn rất nhiều.

Biến chủng của Ấn Độ lây lan nhanh hơn, đặc biệt khả năng lây nhiễm trong môi trường kín.

Để chuyển tâm thế chống dịch sang “chủ động tấn công”, Bộ trưởng lưu ý phải phát hiện sớm nguồn lây nhiễm bằng cách đẩy mạnh xét nghiệm tầm soát, sàng lọc nguồn bệnh. Phải coi xét nghiệm là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm, khẩn trương thực hiện.

Bộ Y tế thay đổi phương thức và tăng cường xét nghiệm sàng lọc Covid-19, áp dụng xét nghiệm kháng nguyên nhanh; cho phép các cơ sở, đặc biệt những khu công nghiệp, nhà máy, dịch vụ lưu trú, khu vực tập trung đông người… xét nghiệm một cách thường xuyên. Đối với bệnh viện, Bộ Y tế yêu cầu xét nghiệm kháng nguyên nhanh thường xuyên.

Bên cạnh đó, Bộ Y tế cùng các lực lượng chức năng liên quan tổ chức tổng rà soát những người nhập cảnh, người tới các cơ sở vui chơi giải trí trong một tháng qua, bằng hai phương thức xét nghiệm: Kháng nguyên và kháng thể; chuyển từ thế “chạy theo” xét nghiệm sang “tấn công”.

Bộ trưởng Y tế yêu cầu các bệnh viện có trên 300 giường bệnh trở lên phải có một phòng xét nghiệm khẳng định Realtime-PCR, qua đó, tăng khả năng mua sắm với tất cả cơ sở y tế trên toàn quốc, đáp ứng nhu cầu xét nghiệm.

Hồng Anh

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều