Việt Nam, “điểm nóng” mới của Đông Nam Á
Trong bối cảnh du lịch phục hồi sau dịch COVID-19, các chuyên gia ngành công nghiệp không khói nhận định rằng Việt Nam đang trở thành điểm đến được ưu ái đối với du khách quốc tế.
Trong bài viết mới nhất được đăng tải trên trang DW của Đức cho biết, nhờ có cảnh quan đa dạng cùng với những bãi biển tuyệt đẹp và nhiều sải ruộng bậc thang trên núi trù phú nên Việt Nam đã thu hút một lượng khách du lịch nước ngoài đáng kể. Kết quả này được thể hiện trong Báo cáo của công cụ phân tích dữ liệu du lịch Google Destination Insights hôm 20/6, rằng Việt Nam là điểm đến được tìm kiếm nhiều thứ 7 trong khoảng thời gian từ tháng 3 đến tháng 6 và là quốc gia Đông Nam Á duy nhất lọt vào top 20.
Không chỉ vậy, sự nổi tiếng của du lịch Việt Nam còn được thể hiện thông qua số liệu thống kê khách quốc tế. Theo đó, tính đến hết ngày 30/6, Việt Nam đã đón tổng 5.574.969 lượt khách quốc tế, phục hồi gần 66% so với năm 2019 ( thời điểm trước đại dịch COVID-19). Đặc biệt, các thị trường khách quốc tế cao cấp như Mỹ, Nhật Bản hay Australia đều đã tăng lên đáng kể… Điều này cho thấy chất lượng và tốc độ phục hồi du lịch ở Việt Nam đã diễn ra rất nhanh chóng, đáp ứng được hầu như tối đa thị hiếu của các tầng lớp khách du lịch từ trung lưu đến cao cấp.
Chưa dừng lại ở đó, vào tháng 2/2023, Việt Nam cũng đã đạt nhiều giải thưởng Du lịch ASEAN như: Giải thưởng Homestay ASEAN, Giải thưởng Du lịch cộng đồng ASEAN, Giải thưởng Nhà vệ sinh công cộng ASEAN, Giải thưởng Dịch vụ Spa ASEAN. Ngoài ra, theo Báo cáo Chỉ số năng lực phát triển du lịch toàn cầu năm 2021 của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), du lịch Việt Nam xếp ở vị trí 52/117 nền kinh tế toàn thế giới, tăng 8 bậc so với năm 2019. Cùng với đó, Việt Nam cũng đứng thứ 2 trên thế giới về mức độ tự tin du lịch qua Chỉ số tự tin về du lịch (Travel Confidence Index) của Booking. com. Đây đều là những điểm nhấn thể hiện sự phục hồi của du lịch Việt Nam trong thời gian qua, qua đó góp phần khẳng định quyết tâm mở cửa du lịch, chào đón du khách đến và trải nghiệm các dịch vụ xanh, đẹp và đẳng cấp của Việt Nam trong khả năng chi trả của họ.
Gần đây nhất, ngày 28/6, Viện Kinh tế và Hòa bình (IEP) có trụ sở tại Úc đã công bố Chỉ số Hòa bình Toàn cầu năm 2023, hiểu một cách đơn giản là danh sách các quốc gia bình yên nhất thế giới. Năm nay Việt Nam xếp thứ 41 trong danh sách 163 quốc gia và vùng lãnh thổ, tăng 4 bậc so với năm ngoái. Điều này cho thấy sự ổn định về chính trị ở Việt Nam đã tạo ra được một môi trường thật sự an toàn và làm tăng độ yên tâm cho khách khi đến thăm quốc gia. Không chỉ vậy, pháp luật và thể chế ở Việt Nam luôn ưu tiên đặt con người lên đầu, vì vậy quyền lợi của mọi du khách đều được bảo vệ và mọi hoạt động du lịch của họ đều có thể diễn ra một cách suôn sẻ mà không gặp phải bất kỳ rủi ro an ninh nào.
Theo ông Gary Bowerman, một nhà phân tích du lịch tại Kuala Lumpur – Malaysia cho biết, ngành du lịch Việt Nam đã đặt mục tiêu đón 8 triệu du khách trong nửa cuối năm 2023, tuy nhiên, dự đoán con số này có thể sẽ tăng lên 10 triệu. Việc sử dụng nhiều các mạng xã hội khác nhau như Facebook, Instagram, TikTok hay các kênh quảng bá trên Google sẽ là những cách quảng bá hình ảnh Việt Nam ra thế giới nhanh nhất.
Bên cạnh đó, ngày 24/6, Quốc hội Việt Nam cũng đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Xuất, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, Xuất cảnh, quá cảnh và cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam (có hiệu lực thi hành từ 15/8/2023). Theo đó thì thời hạn thị thực (visa) điện tử sẽ kéo dài từ 30 đến 90 ngày; nâng thời hạn tạm trú tại cửa khẩu cho người nhập cảnh theo diện đơn phương miễn thị thực từ 15 đến 45 ngày. Điều này sẽ có ý nghĩa rất lớn cho việc thúc đẩy và phục hồi trở lại ngành du lịch, thu hút khách quốc tế đến với Việt Nam.
Đồng thời, Luật nâng thời hạn tạm trú từ 15 ngày lên 45 ngày đối với công dân của nước được Việt Nam đơn phương miễn thị thực và được xem xét giải quyết cấp thị thực, gia hạn tạm trú theo các quy định khác của Luật. Luật mới có hiệu lực thi hành từ ngày 15/8.
Nhà phân tích Gary Bowerman tại Kuala Lumpur (Malaysia) nhận định việc nới lỏng chính sách thị thực này sẽ tạo đà thúc đẩy lĩnh vực du lịch của Việt Nam. Ông Bowerman dự đoán trong 6 tháng tới, du khách quốc tế đến Việt Nam sẽ tăng. Ông cũng nói rằng nhiều người trẻ đang muốn tìm hiểu thêm về Việt Nam. Nhà phân tích này nhấn mạnh: “Có một cảm giác về cần khám phá và bí ẩn đối với Việt Nam. Đây là quốc gia nơi mọi người muốn đầu tư, kinh doanh và du lịch”.
Đối với các công ty du lịch tại Việt Nam, thay đổi trong chính sách thị thực và tiềm năng có thêm nhiều khách du lịch quốc tế là vô cùng lý thú. Lãnh đạo của Fuse Hostels & Travel đang vận hành hai hostel tại Hội An – ông Max Lambert, cho biết kỳ vọng về điều sẽ diễn ra. Ông cũng bổ sung rằng tình trạng đặt phòng của hai hostel đã quay lại về mức năm 2019.
Tuy nhiên, ông Bowerman đề cập rằng việc Thái Lan giữ vị trí là điểm đến hàng đầu tại Đông Nam Á sẽ không thay đổi. Nhưng theo ông, Việt Nam là điểm đến tiềm năng lớn trong du lịch ở Đông Nam Á.
Lan Hoa