Việt Nam và sự trỗi dậy của các siêu nhà máy

Đó là tiêu đề bài viết được đăng tải trên trang Tribune de Genève, dùng để đánh giá tiềm năng và sức hút lớn của Việt Nam đối với các công ty nước ngoài.

Theo nhật báo Thụy Sĩ, năm ngoái, Việt Nam tăng trưởng kinh tế mạnh nhất châu Á. Thụy Sĩ có điều kiện thuận lợi để khai thác những ưu thế mà nền kinh tế Việt Nam mang lại với hơn ba tỷ franc thương mại vào năm 2020 và 20.000 việc làm được tạo ra. Hàng trăm công ty Thụy Sĩ đã có mặt tại chỗ là một trong những nhà đầu tư châu Âu quan trọng nhất tại đất nước này. Đặc biệt, lĩnh vực thiết bị công nghiệp sẽ được hưởng lợi từ việc chuyển sang thị trường cao cấp của “Made in Vietnam”.

Theo số liệu của Hải quan Thụy Sĩ, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước tăng từ 1,53 tỉ USD năm 2015 lên 2,407 tỉ USD năm 2021. Việt Nam luôn duy trì xuất siêu sang thị trường Thụy Sĩ.

Được biết, những năm qua, quan hệ kinh tế thương mại giữa Việt Nam và Thụy Sĩ phát triển tích cực. Đến nay, hành lang pháp lý trong quan hệ kinh tế thương mại giữa Việt Nam với Thụy Sĩ đã tương đối đầy đủ. Hai nước đã ký kết hiệp định bảo hộ đầu tư, hiệp định tránh đánh thuế hai lần, hiệp định về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ…

Tại Việt Nam hiện có hơn 100 công ty Thuỵ Sĩ đang hoạt động, trong đó có nhiều tên tuổi lớn như Nestle, ABB, Novatis, Roche, Holcim… Nhiều doanh nghiệp Thuỵ Sĩ đang rất quan tâm tới mở rộng các cơ hội hợp tác kinh doanh với Việt Nam trong thời gian tới.

Bài báo chỉ ra thêm rằng sự bùng nổ công nghiệp ở Việt Nam có thể cảm nhận được ngay khi bước vào khu công nghiệp Vân Trung, phía bắc Hà Nội. Ngay từ sáng sớm, nhiều người đã đến xếp hàng trước văn phòng tuyển dụng của Foxconn, nhà thầu phụ nổi tiếng nhất của Apple. Trước một ký túc xá lớn dành cho công nhân, có một tấm áp phích lớn ghi Foxconn thông báo tuyển dụng 10.000 nhân viên mới với điều kiện làm việc thuận lợi.

Tuy nhiên, Foxcom không phải là nhà máy duy nhất thuê một số lượng lớn công nhân. Cách đó không xa tại Việt Nam, đối thủ cạnh tranh của nó là LuxShare cũng đăng quảng cáo tuyển dụng 13.000 nhân viên. Một nhà cung cấp ô tô khác đang tuyển dụng 700 vị trí đủ điều kiện, trong khi nhà sản xuất pin Mặt Trời đang thông báo tuyển dụng 6.000 vị trí.

Ngoài ra, Tập đoàn Điện tử Samsung của Hàn Quốc đã khai trương một trung tâm nghiên cứu và phát triển tại Hà Nội vào tháng 12/2022. Tập đoàn này dự định đầu tư khoảng 3,2 tỷ USD để sản xuất chất bán dẫn tại một nhà máy mới ở một tỉnh lân cận. Công ty thiết bị bán dẫn lớn Amkor Technology của Mỹ sẽ sớm mở một nhà máy cách sân bay không xa. Và hãng Pegatron của Đài Loan (Trung Quốc), công ty sản xuất linh kiện cho hãng xe điện Tesla và lắp ráp iPhone, vừa đi vào hoạt động gần Vịnh Hạ Long.

Cũng theo bài báo này, sức hấp dẫn của Việt Nam đến từ nhiều yếu tố như môi trường đầu tư ổn định, 15 hiệp định thương mại tự do, trong đó có một hiệp định được ký kết vào năm 2020 với Liên minh châu Âu (EU), đưa Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất công nghiệp giá cả phải chăng.

Bài báo kết luận rằng Việt Nam được coi là điểm đến ưu tiên của các nhà đầu tư nước ngoài và trong tương lai, nước này sẽ chứng kiến sự ra đời của các “siêu nhà máy”.

Đây không phải lần đầu tiên truyền thông Thụy Sĩ đưa ra nhận định tích cực đối với sự phát triển vượt bậc của Việt Nam. Trước đó, tờ Agefi của Thụy Sĩ đã gọi Việt Nam là “con hổ mới tại châu Á” và là một trong những nền kinh tế đang trỗi dậy. Tờ báo đánh giá Việt Nam đang nổi lên như một trung tâm sản xuất ở khu vực, được hỗ trợ bởi những nỗ lực của chính phủ như tự do hóa kinh tế và hội nhập vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Thực hiện: Tuệ Ngô

Đồ họa: M.N