F0 “mất giá” từ nỗ lực hết mình của Chính phủ
Thanh long mất giá kêu cứu Chính phủ, dưa hấu mất giá kêu cứu Chính phủ, thịt heo mất giá kêu cứu Chính phủ… Nhưng có một thứ mất giá thì cả xã hội ủng hộ, người người vui vẻ, nhà nhà hồ hởi!
Thông tin chính thức trên covidvax.live, trang chuyên cập nhật tốc độ tiêm vaccine của các quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới cho biết, tại châu Á, tốc độ và số lượng tiêm phòng của Việt Nam cao hơn so với Thái Lan, Lào, Philippines, Ấn Độ và Indonesia. Ngoài châu Á, Việt Nam có độ bao phủ vắc xin thấp hơn Mỹ chỉ 2 bậc; cao hơn Nga tới khoảng 40 bậc.
Không ai nghĩ rằng Việt Nam có thể làm được khi trước đó tờ The Straits Times (Singapore) còn nhận định: Việt Nam phải mất hơn 10 năm nữa mới có thể tiêm được vaccine cho 75% dân số. Thế nên, tiến độ này khiến nhiều người khâm phục, bình luận: “Việt Nam đi sau về trước”.
Để đạt được thành quả ấy, cần phải quay ngược lại câu chuyện cách đây 8 tháng, khi Việt Nam phát động chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 quy mô nhất trong lịch sử, mục tiêu là tiêm miễn phí khoảng 75 triệu người với quyết tâm bằng mọi giá bảo vệ an toàn tính mạng người dân. Nhưng trong thời điểm ấy, chỉ có 4,5 tỷ liều được sản xuất so với 10 tỷ liều cần thiết để đạt miễn dịch cộng đồng phạm vi toàn cầu, các nước tranh nhau đặt hàng và tích trữ vaccine. Và chính Việt Nam do kiểm soát dịch bệnh quá tốt nên đã khiến việc tiếp cận vaccine theo cơ chế COVAX càng khó khăn hơn.
Quá trình nói đến thì rất dài, nhưng cho đến thời điểm hiện tại Việt Nam đã có khoảng 220 triệu liều vaccine, trong đó chiếm khoảng 50% là từ sự trợ giúp qua cơ chế COVAX và trên 30 nước cung cấp qua kênh song phương; góp phần quan trọng giúp Việt Nam thực hiện hiệu quả Chiến lược vaccine và chiến dịch tiêm chủng. Việt Nam đã tiếp cận với hầu hết các loại vaccine trên thế giới từ Pfizer, Janssen, Moderna của Hoa Kỳ, AstraZeneca của Anh, tới VeroCell, Sinovax của Trung Quốc, Sputnik V của Nga, Abdala của Cuba, Covaxin của Ấn Độ…
Chính vì thế mà không phải ngẫu nhiên bà Rana Flowers, Quyền Điều phối viên Liên hợp quốc, Trưởng Đại diện Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tại Việt Nam đã tự hào bày tỏ vui mừng vì được sinh sống, làm việc tại Việt Nam trong thời khắc lịch sử – chống Covid-19 và đặt niềm tin trọn vẹn rằng, Việt Nam đã trở thành một tiêu chuẩn trên thế giới, đạt tỉ lệ tiêm chủng thuộc nhóm cao nhất toàn cầu để bảo vệ người dân, bao gồm cả những người dân nghèo nhất, những người dễ bị tổn thương nhất.
Và minh chứng rõ ràng nhất với những gì mà Tiến sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã khẳng định, “Việt Nam là điển hình cho những điều có thể thực hiện được để đạt mục tiêu tiêm chủng toàn cầu” là từ tăng trưởng GDP âm hơn 6% trong Quý III đã đảo chiều tăng 5,22% trong Quý IV năm 2021, qua đó đưa GDP Việt Nam năm 2021 tăng 2,58%. Qua 3 tháng đầu năm 2022, kinh tế – xã hội đạt các kết quả tích cực.
Chỉ cách đây mấy tháng F0 còn đưa đón tận nơi, hỗ trợ đầy đủ cả chữa bệnh lẫn trợ cấp, thế nhưng đến nay mọi chuyện đã hoàn toàn khác. Dù chưa chính thức được công nhận, nhưng thực tế cho đến thời điểm hiện tại người dân đã xem Covid-19 là bệnh đặc hữu. Ai nhiễm thì ở nhà điều trị, ai là F1 thì vẫn tiếp tục đi làm và sinh hoạt bình thường, ngay cả những em bé – nhóm người cần được bảo vệ nhất cũng đã được đến trường. Vậy nhưng ai cũng vui mừng và hồ hởi!
Và mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có một buổi cảm ơn, gặp mặt các đối tác quốc tế đã hỗ trợ trong phòng, chống dịch Covid-19, cùng chung tay với Chính phủ làm “mất giá F0” tại Việt Nam. Một tín hiệu rất đáng mừng trong bối cảnh ngay tại Canada số người tử vong vì Covid-19 nhiều đến mức nhà hỏa táng phải xếp lịch dài đến tận tháng 4.
Thu An