+
Aa
-
like
comment

Việt Nam đẩy bật Anh ra khỏi vị trí quan trọng với Mỹ

Tuệ Ngô - 23/12/2022 16:02

Mới đây, trang Bloomberg đưa ra nhận định Việt Nam năm 2022 đang trên đà đẩy Vương quốc Anh khỏi top 7 đối tác thương mại hàng hóa hàng đầu của Mỹ. Nếu điều này là sự thật, đây sẽ là lần đầu tiên Vương quốc Anh không nằm trong nhóm trên kể từ năm 2004.

Mới đây, Việt Nam đã lọt top 30 có giá trị xuất nhập khẩu hàng hóa lớn nhất phạm vi toàn cầu

Theo Bloomberg, tỷ trọng của Vương quốc Anh trong thương mại hàng hóa của Mỹ giảm xuống 2,6% trong 10 tháng đầu năm 2022, ngược lại Việt Nam lại tăng lên 2,7%.

Tính cả năm trong gần 20 năm trở lại đây, bảy đối tác hàng đầu của Mỹ về thương mại hàng hóa luôn là Canada, Mexico, Trung Quốc, Nhật Bản, Đức, Hàn Quốc và Vương quốc Anh, mặc dù thứ bậc của họ trong nhóm đã thay đổi.

Mãi cho đến năm 2019, Việt Nam mới xuất hiện trong danh sách top 15 của Cục. Kể từ đó Việt Nam đã tăng hạng và kết thúc ở vị trí thứ 10 vào năm ngoái. Nếu trong 2 tháng cuối năm nay Việt Nam có thể giữ vững thế dẫn đầu trước Anh, đây là lần đầu tiên phần lớn trong số bảy nền kinh tế hàng đầu là các nền kinh tế châu Á.

Quy trình đóng gói, kiểm tra chất lượng sầu riêng vô cùng gắt gao để xuất khẩu.

Các con số trên đã phản ánh các xu hướng có trước cả đại dịch và được đẩy nhanh dưới tác động của nó. Cụ thể, tỷ trọng của Trung Quốc trong thương mại hàng hóa của Mỹ, đứng ở mức 13,2% trong tháng 10, đã giảm xuống kể từ khi đạt đỉnh trên cơ sở cả năm ở mức 16,4% vào năm 2017.

Khi các công ty Mỹ tìm kiếm các nhà cung cấp bên ngoài Trung Quốc trong cuộc chiến thương mại giữa Bắc Kinh và Washington, tỷ trọng thương mại của Mỹ với các nước như Mexico và Việt Nam đã tăng lên đáng kể.

Theo dữ liệu chính thức từ Ngân hàng Thế giới, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tại Việt Nam trị giá 362,64 tỷ đô la Mỹ vào năm 2021. GDP Việt Nam được dự báo xếp thứ 5 năm 2022 và thứ 3 năm 2023 trong khu vực ASEAN.

Cơ cấu kim ngạch của 7 đối tác thương mại lớn nhất trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước hết tháng 11, đơn vị “tỷ USD”

Tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam từ tháng 1 đến tháng 11 đã tăng 13,4% so với cùng kỳ năm ngoái, theo số liệu của Tổng cục Thống kê Việt Nam. Còn thống kê của Cục điều tra Dân số Hoa Kỳ cho thấy giá trị xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ đạt hơn 109,6 tỷ USD, mức cao kỷ lục từ khi hai nước bắt đầu giao thương hàng hóa vào năm 1992, tính đến tháng 10 năm nay. Vẫn theo thống kê này, Việt Nam nhập khẩu hàng hóa từ Mỹ trị giá hơn 9,7 tỷ USD.

Trong khi đó, giữa đại dịch và Brexit, nền kinh tế của Anh đã trải qua một vài năm đầy biến động và triển vọng cho năm 2023 sẽ không sớm được cải thiện, theo nhận định của Bloomberg. Theo đó, các doanh nghiệp của Anh đang chuẩn bị cho một cuộc suy thoái tồi tệ hơn sau khi các lĩnh vực sản xuất và dịch vụ sụt giảm trong quý 4.

Ông Andrew Jeffries – Giám đốc quốc gia tại Việt Nam, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) nhận định: “Năm nay Việt Nam sẽ trở thành một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực. Ngành sản xuất, xuất nhập khẩu và dịch vụ phục hồi tốt là các động lực tăng trưởng chính. Do đó, sự ổn định kinh tế vĩ mô giúp Việt Nam tiếp tục là điểm thu hút dòng vốn đầu tư từ nước ngoài”.

Các chuyên gia quốc tế nhận định nền kinh tế Việt Nam đang vận hành tốt trong bối cảnh toàn cầu có nhiều bất ổn, dự báo tăng trưởng từ 7,2 – 8% trong năm nay là khả quan so với nhiều quốc gia châu Á. Tuy nhiên, duy trì đà tăng trưởng này không hề dễ trong thời gian tới, nhất là khi áp lực lạm phát toàn cầu kéo dài và các đối tác thương mại lớn của Việt Nam tiếp tục chính sách thắt chặt tiền tệ.

“Các báo cáo thường kỳ của chúng tôi đều ghi nhận về khả năng phục hồi thương mại của Việt Nam, ngay cả trong thời gian khủng hoảng do dịch COVID-19. Nhưng những bất ổn thị trường toàn cầu hiện nay đang khiến đơn hàng những tháng cuối năm sụt giảm và nó lại rơi vào những ngành hàng chủ lực của Việt Nam. Dự báo những rủi ro này sẽ tiếp tục kéo dài sang năm tới”, ông Andrea Coppola – Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam đánh giá.

Các dự báo cho năm 2023 đến nay hầu hết đều theo hướng cho rằng kinh tế toàn cầu sẽ phát triển chậm lại và điều này sẽ kéo nền tăng trưởng của Việt Nam chậm theo. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn sẽ là một trong những nước giữ phong độ tốt nhờ các chính sách kinh tế hiệu quả kịp thời, có cam kết rõ ràng về tự do thương mại và ngân sách quốc gia lành mạnh, tỷ lệ nợ trên GDP tương đối tốt khi giữ ở mức 43,7%.

Tuệ Ngô

Bài mới
Đọc nhiều