Việt Nam đặt mục tiêu có miễn dịch cộng đồng năm 2021
Với mục tiêu đảm bảo miễn dịch cộng đồng trong năm 2021, Việt Nam cần có 150 triệu liều vắc xin Covid-19.
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long vừa có cuộc gặp với Đại sứ Liên minh châu Âu (EU), Mỹ, Nhật Bản, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Quỹ Nhi đồng Liên Hợp quốc (UNICEF) và Quỹ Dân số Liên Hợp quốc (UNPFA) tại Việt Nam về vắc xin Covid-19.
Bộ trưởng Y tế gửi lời cảm ơn tới các quốc gia, tổ chức quốc tế đã giúp đỡ Việt Nam trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, đặc biệt trong cuộc chiến với dịch Covid-19.
Ông Long cho biết, trong bối cảnh hiện nay, vắc xin Covid-19 là một trong những ưu tiên của mọi quốc gia. Tại Việt Nam, song song với những biện pháp nỗ lực kiểm soát dịch, Chính phủ dành sự quan tâm đặc biệt với vắc xin Covid-19 để sớm đưa cuộc sống trở lại bình thường và khôi phục nền kinh tế.
“Với mục tiêu đảm bảo miễn dịch cộng đồng trong năm 2021, Việt Nam cần 150 triệu liều vắc xin Covid-19 để tiêm chủng cho người dân. Cùng với nỗ lực thúc đẩy nghiên cứu, phát triển, sản xuất vắc xin trong nước, Việt Nam đang tiếp tục đàm phán với các nhà sản xuất”, Bộ trưởng Y tế thông tin.
Tuy nhiên, theo dự kiến, năm 2021, Việt Nam mới có chắc chắn 60 triệu liều vắc xin AstraZeneca, trong đó 30 triệu liều do Covax hỗ trợ, 30 triệu liều do Việt Nam đặt mua thông qua VNVC.
Bước đầu, Việt Nam nhận được hơn 900.000 liều vắc xin, gần nhất là lô vắc xin 811.200 liều do Covax hỗ trợ nhận ngày 1/4 và mới tiêm được hơn 51.000 người.
So với nhu cầu, Việt Nam vẫn còn thiếu lượng vắc xin khá lớn, vì vậy rất cần sự hỗ trợ, tạo điều kiện của các quốc gia, tổ chức giúp Việt Nam sớm tiếp cận được với các nguồn vắc xin Covid-19.
Bộ trưởng Y tế mong muốn Mỹ sẽ hỗ trợ trực tiếp cho người dân Việt Nam các loại vắc xin, đồng thời tạo điều kiện cho Việt Nam có thể tiếp cận nguồn vắc xin sản xuất tại Mỹ như Moderna, Pfizer, Johnson & Johnson…
Việt Nam cũng mong muốn Mỹ sẽ hỗ trợ về kỹ thuật, tài chính để có thể tổ chức các chiến dịch tiêm vắc xin thành công.
Trước các đề xuất trên, hai bên thống nhất sẽ thiết lập nhóm công tác tạm thời trong tiếp cận và hỗ trợ vắc xin Covid-19.
Với phía Nhật Bản, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết các công ty tại quốc gia này cũng đang phát triển các vắc xin ngừa Covid-19 với nhiều tín hiệu khả quan.
Bộ trưởng Long mong muốn Nhật Bản sẽ hỗ trợ, chia sẻ nguồn vắc xin với Chính phủ và người dân Việt Nam đồng thời hợp tác với các cơ quan, đơn vị có khả năng sản xuất vắc xin ở Việt Nam để trao đổi, chia sẻ, hợp tác chuyển giao công nghệ và thử nghiệm vắc xin.
Ngoài ra, Việt Nam mong muốn Nhật Bản hỗ trợ hệ thống dây chuyền tiêm chủng mở rộng thời gian tới giúp Việt Nam có đủ khả năng cung cấp vắc xin cho người dân. Đây là hoạt động lớn, đòi hỏi sự đầu tư, năng lực của cả hệ thống y tế.
Bước đầu, phía Nhật Bản cho biết sẽ hỗ trợ Việt Nam 220 triệu yên, tương đương hơn 48 tỷ đồng để đầu tư trang thiết bị cho các cơ sở điều trị Covid-19.
Về tình hình tiêm chủng tại Việt Nam, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long thông tin, trong hơn 51.000 người được tiêm, có một số trường hợp gặp phản ứng nặng sau tiêm. Tuy nhiên, hệ thống y tế Việt Nam đã xử lý rất hiệu quả, tất cả đều đã bình phục.
Với lô vắc xin Covax hơn 800.000 liều vừa nhận, Việt Nam cam kết triển khai tiêm theo đúng thứ tự ưu tiên, đảm bảo công bằng, hiệu quả.
Bộ trưởng mong muốn các tổ chức quốc tế tại Việt Nam cùng phối hợp để triển khai chương trình truyền thông nâng cao nhận thức của cộng đồng đối với tiêm chủng vắc xin, góp phần đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng.
Thúy Hạnh