+
Aa
-
like
comment

Việt Nam đánh rơi mỏ vàng vì… “ép” khách đi ngủ sớm

12/09/2019 11:38

Trong khi thế giới coi nền kinh tế ban đêm là cách “hái ra tiền” thì ở Việt Nam lại có chuyện bắt khách đi ngủ sớm. Nghịch lý du khách không có chỗ chơi, không biết tiêu tiền thế nào, ở đâu vào ban đêm diễn ra nhiều năm qua khiến ngay cả những “thủ phủ” du lịch cũng ngủ quên trên mỏ vàng. 

Tại Diễn đàn cấp cao du lịch Việt Nam 2018, ông John Lindquist, cố vấn cấp cao BCG, thành viên Hội đồng cơ quan du lịch Vương quốc Anh cho biết: “Năm 2017, Việt Nam thu về 8,3 tỷ USD từ khách quốc tế, nhưng số này ở Indonesia là 12,6 tỷ USD; Singapore là 18,4 tỷ USD, Thái Lan là 52,5 tỷ USD”

Điều này có nghĩa là mỗi du khách đến Việt Nam chỉ chi tiêu khoảng 500$, thấp bằng một nửa mức trung bình của thế giới. Khách du lịch đến Việt Nam rất bủn xỉn trong việc tiêu tiền. Năm 2018, Việt Nam đón 15,6 triệu du khách quốc tế, nhưng tình hình cũng không hề được cải thiện là bao.

1807-beerculture-VN1

Nếu chỉ nhìn vào tăng trưởng số lượng du khách đều đặn hàng năm thì sẽ dễ gây hiểu lầm, thậm chí nguy hiểm, khi nó không phản ảnh thực chất, dễ dẫn đến những cơn sốt, bong bóng đầu tư về hạ tầng du lịch mà không đem lại hiệu quả kinh tế tương đương.

Nhưng nói đi cũng phải nói lại, du khách đến Việt Nam có rất ít cơ hội để tiêu tiền. Tôi đã trải qua điều tương tự khi du lịch Myanmar vài năm về trước. Đây là một đất nước có nền văn hoá Phật giáo tuyệt đẹp, nhưng bi kịch ở chỗ, đó là tất cả những gì họ có, ít nhất là vào thời điểm đó. Suốt chuyến du lịch đến đây, tôi gần như không có cơ hội nào để tiêu tiền cả.

Khi đêm xuống, cuộc sống ở đây vô cùng buồn tẻ, phố xa im ắng đèn tắt tối om như chung cư Hạ Đình sau vụ cháy Rạng Đông, không hề có chỗ để giải trí, tìm một pub nho nhỏ để ngồi thâu đêm cũng không thấy đâu, cả đoàn đành ru rú trong khách sạn ăn mì úp, mà thậm chí đến mì cũng phải mang từ Việt Nam sang vì theo kinh nghiệm của người đi trước, các cửa hàng ở đây không mở đêm để mua nhu yếu phẩm.

Các quốc gia không phát triển nền kinh tế đêm sẽ không thể cạnh tranh được trong ngành du lịch, bất kể họ tự hào thế nào về các yếu tố văn hoá, di sản, lịch sử hay cảnh quan, vì nó chưa đủ để tạo nên trải nghiệm hấp dẫn cho du khách.

Nghe ca trù thì cũng hay, xem múa rối nước thì cũng vui, ăn đồ ăn đường phố thì cũng ngon, nhưng nếu không có các dịch vụ để giái trí về đêm vốn chiếm 50% thời gian lưu trú, thì số tiền thực tế được chi tiêu khi đến Việt Nam cũng chả khác gì bố thí. Về lâu dài điều này sẽ giết chết ngành du lịch vì không đủ để nuôi sống một hệ sinh thái du lịch chất lượng.

Như Singapore không hề có cảnh quan thiên nhiên, văn hoá hay lịch sử gì đáng kể, nhưng ngành du lịch vẫn cực phát triển, đơn giản là vì có cuộc sống về đêm sôi động với đầy đủ dịch vụ hấp dẫn nhất đáp ứng mọi nhu cầu của du khách. Cùng với Hong Kong, đây là một thành phố không bao giờ ngủ của Châu Á.

Ai từng trải nghiệm du lịch đêm ở Bangkok sẽ hiểu tại sao ngành du lịch của Thái Lan phát triển và có doanh thu lớn đến vậy, dù cảnh quan và văn hoá đều kém xa Việt Nam. Bangkok cũng được Euromonitor bình chọn là thành phố đáng sống hơn cả London và New York vì có cuộc sống về đêm sôi động hơn.

Nhiều thành phố du lịch lớn của Việt Nam vẫn chưa nhận thức đầy đủ được vai trò của nền kinh tế đêm không chỉ với du lịch mà còn nhiều hoạt động kinh doanh khác. Điều này cần phải thay đổi để phù hợp với nền kinh tế thế giới đang gắn kết chặt chẽ hơn.

Lấy ví dụ như Đà Nẵng – thủ phủ du lịch của miền Trung, nhưng quanh đi quẩn lại vẫn chỉ có một vài điểm du lịch hút khách như Bà Nà, Cầu Vàng… và chủ yếu vẫn hoạt động vào buổi sáng. Khi đêm xuống, các dịch vụ quanh các bãi biển gần như chỉ còn ăn uống hải sản linh tinh, không có những sản phẩm văn hoá, nghệ thuật, giải trí… tạo được sự khác biệt. Dỡ các biển hiệu ra, du khách chắc chả phân biệt được đang ở Sơn Trà hay Phuket, Bali…, vì không có điểm nhấn riêng.

Chợ đêm Sơn Trà ở Đà Nẵng khiến nhiều du khách chỉ đi một lần cho biết.
Chợ đêm Sơn Trà ở Đà Nẵng khiến nhiều du khách chỉ đi một lần cho biết.

Hạ tầng của Đà Nẵng hiện đang không được sử dụng hết công suất, với những con phố đẹp, không khí trong lành, đèn chiếu sáng lung linh, nhưng không thu được bao nhiêu từ các dịch vụ về đêm. Đây là một sự lãng phí mà thành phố này, cũng như các thành phố du lịch khác cần xem xét để tăng hiệu quả khai thác du lịch.

Jules Renard – một tiểu thuyết gia nổi tiếng từng nói “thế giới thuộc về những người dậy sớm”, còn trong ngành du lịch thì có thể nói rằng “thị phần thuộc về những quốc gia ngủ muộn”. Thay đổi nhận thức, xoá bỏ định kiến, xây dựng một nền kinh tế đêm sôi động và lành mạnh, có lẽ mới là chìa khoá thành công lâu dài cho ngành du lịch đầy tiềm năng của nước nhà.

Nguyễn Thị Thảo

Bài mới
Đọc nhiều