Hiện tại, thế giới đang đối mặt với tình hình suy thoái kinh tế trên diện rộng, khiến thương mại toàn cầu bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Nhưng theo The Standard, Việt Nam lại là một trong số ít quốc gia có thể vượt qua khủng hoảng một cách mạnh mẽ và trở thành quốc gia có GDP dương. Điều gì đã khiến Việt Nam, một quốc gia đang phát triển trở thành điểm sáng trong thời đại “khắt nghiệt” của phi toàn cầu hoá?
Kể từ cuối những năm 1980, Việt Nam tiến hành “Đổi mới” và có những bước phát triển kinh tế vô cùng vượt bậc. Nhờ đó, nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng nhanh đến mức thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư và giới kinh doanh trên khắp thế giới.
Nhiều người có lẽ đã quen thuộc với thuật ngữ ‘Made in Vietnam’ trong thập kỷ qua, với hơn 40% giày Adidas và Nike mà chúng ta mang ngày nay được sản xuất tại Việt Nam. Trong đó có các thương hiệu điện tử nổi tiếng như LG, Samsung, Panasonic cũng có cơ sở sản xuất tại Việt Nam. Năm 2020, điện tử chiếm 38% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Đây là mức tăng từ 14% trong năm 2010.
Hiện nay, cuộc chiến thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ đã gián tiếp giúp Việt Nam trở thành điểm đến để dịch chuyển các cơ sở sản xuất ra khỏi Trung Quốc. Chỉ trong năm 2019, Mỹ nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc giảm và nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam tăng đáng kể chiếm hơn 3,1 tỷ đô la.
Do nhiều áp lực khác nhau, chẳng hạn như căng thẳng địa chính trị ngày càng tăng giữa các siêu cường đang nóng lên từng ngày, lương cao hơn cùng với các biện pháp kiểm soát dịch bệnh nghiêm ngặt của Trung Quốc. Một lần nữa, các doanh nghiệp lớn trên thế giới đang tháo chạy khỏi Trung Quốc và hướng về Việt Nam.
Cụ thể, Foxconn và Pegatron, nhà cung cấp lớn nhất của Apple, sản xuất Apple Watch, MacBook và các thiết bị khác, hiện đang xây dựng nhà máy lớn tại Việt Nam. Ngoài Apple, có nhiều công ty CNTT nước ngoài đã quyết định chuyển địa điểm hoặc quay sang tăng cơ sở sản xuất tại Việt Nam để thay thế, như Dell, HP, Google, Microsoft và Samsung.
Theo The Standard, tất cả những điều này có thể đưa Việt Nam phát triển kinh tế và xã hội bằng cách giúp hàng triệu người Việt Nam có cuộc sống tốt đẹp hơn. Điều này có thể làm tăng tính tín nhiệm và lòng tin của người Việt Nam vào Chính phủ, nâng cao vị thế của quốc gia trên trường quốc tế.
Việt Nam nằm ở cực Đông trên bán đảo Đông Dương. Với lợi thế địa chính trị đã giúp Việt Nam trở thành một cửa ngõ vào Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Phía bắc Việt Nam giáp Trung Quốc, thị trường lớn nhất thế giới. Với dân số hơn 1 tỷ người, đồng thời nằm song song với các tuyến giao thương hàng hải của châu Á với hơn 3.000 km bờ biển và các cảng biển nước sâu tầm cỡ thế giới. Vì vậy, Việt Nam là trung tâm trung chuyển giao thông đường thủy từ Singapore và các nước khác.
Về môi trường thương mại, trong những năm qua, Việt Nam đã tích cực ký kết các hiệp định thương mại song phương với các nước trên thế giới. Là thành viên ASEAN, Việt Nam tham gia một số hiệp định thương mại tự do (FTA) mà khối đã ký kết, tạo điều kiện để phát triển thành trung tâm sản xuất và mở rộng mạng lưới xuất khẩu. FTA giữa Liên minh châu Âu (EU) và Việt Nam (EVFTA) đã giúp thúc đẩy xuất khẩu của Việt Nam bất chấp đại dịch COVID-19, FTA giữa Anh – Việt Nam (UKVFTA) giúp kim ngạch thương mại hai chiều năm 2021 đạt gần 6,6 tỷ USD. Trong khi đó, Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)…. giúp thúc đẩy thương mại của Việt Nam khi tăng xuất khẩu sang Canada và Mexico.
Ngoài ra, môi trường kinh doanh của Việt Nam cởi mở, chính phủ có nhiều chính sách thân thiện với nhà đầu tư nhằm thu hút đầu tư và phát triển kinh tế – xã hội cũng là những yếu tố quan trọng thu hút các nhà đầu tư tới Việt Nam. Theo Phòng Thương mại châu Âu, FDI vào Việt Nam tăng lên cũng đang thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nước này nhờ môi trường thương mại và lao động của Việt Nam cho dù các nhà máy không hoạt động vì nhu cầu giảm ở các thị trường phương Tây, từ dệt may, da giày đến đồ nội thất.
Một trong những lợi thế lớn nhất của Việt Nam là mức lương cạnh tranh. Lực lượng lao động trẻ của Việt Nam khá dồi dào với hơn 40% sinh viên Việt Nam tốt nghiệp đại học chuyên ngành khoa học và kỹ thuật. Khi Việt Nam có sự tăng trưởng kinh tế, tiền lương cũng sẽ tăng lên. Do đó, Việt Nam sẽ phải duy trì sự cân bằng giữa lạm phát, mức lương và năng suất để tránh làm gián đoạn thị trường lao động tổng thể.
Do vậy, The Standard nhận định rằng triển vọng kinh tế của Việt Nam vẫn đầy hứa hẹn ngay cả khi căng thẳng địa chính trị vẫn diễn ra. Trong ngắn hạn, chi phí có thể tăng lên, nhưng các nhà đầu tư dài hạn sẽ gặt hái được những thành quả to lớn.