Việt Nam đang nổi lên như một điểm đến “đầu tư số một”
Mới đây, trang Newsis của Hàn Quốc cho đăng tải một bài viết nhận định Việt Nam đang nổi lên như một điểm đến đầu tư thay thế cho các nhà đầu tư cá nhân trong năm mới với tiêu đề. “Tiền chồng chất với quỹ Việt Nam tăng trưởng cao”.
Theo FnGuide, một công ty dịch vụ tài chính có trụ sở tại Seoul, Hàn Quốc, 2,5 tỷ won đã được đầu tư vào 21 quỹ của Việt Nam trong tháng qua và 13 tỷ won trong ba tháng năm 2022.
Trong cùng thời gian, 194 quỹ vào Việt Nam có lượng vốn lớn thứ hai sau các quỹ của Trung Quốc với 51,4 tỷ won khi giá nguyên liệu tăng cao do chiến tranh giữa Nga và Ukraine, các quỹ đã rút tiền trong thời gian qua.
Thời gian qua, đầu tư nước ngoài vào Việt Nam liên tục tăng trưởng và kể cả khi toàn cầu chịu tác động không nhỏ của đại dịch Covid-19, hoạt động đầu tư của các nhà đầu tư vào Việt Nam vẫn không giảm về độ sôi động, tính hiệu quả và chất lượng.
Trong cuộc khảo sát của công ty dịch vụ bất động sản hàng đầu thế giới Cushman & Wakefield, Việt Nam ghi nhận kỷ lục 12,8 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện 8 tháng đầu năm 2022. Trong 9 tháng năm 2022, có 18,75 tỷ USD vào vốn đầu tư nước ngoài đăng ký tại Việt Nam với 1.355 dự án cấp mới. Đây có thể nói là một tín hiệu đáng mừng và cho thấy Việt Nam vẫn đang giữ vững được vị trí là một địa điểm đầu tư đáng tin cậy.
Các quỹ đầu tư đổ xô vào Việt Nam là dễ hiểu khi Việt Nam được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng trưởng kinh tế cao trong bối cảnh khả năng suy thoái kinh tế toàn cầu trong năm nay là rất cao.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cùng với vốn đăng ký mới, trong 11 tháng qua có 994 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư, với tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt gần 9,54 tỷ USD, tăng trên 23% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây cũng là tín hiệu khẳng định niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài đối với nền kinh tế, môi trường đầu tư của Việt Nam tiếp tục được củng cố.
Ngoài ra thực tế, thị trường chứng khoán Việt Nam cũng đang có dấu hiệu phục hồi. Tính đến ngày hôm trước, giá đóng cửa của VN-index là 1054,21, tăng 15,6% kể từ ngày 15/11 năm ngoái (911,90). Khi sức hấp dẫn của cổ phiếu giá rẻ tăng lên, khối ngoại ồ ạt mua vào khiến VN-Index bật tăng trở lại. Dòng vốn FDI (đầu tư trực tiếp nước ngoài) vào ròng của Việt Nam đang có xu hướng tăng nhanh nhất trong số các nước Đông Nam Á.
Một chuyên gia trong ngành quản lý tài sản cho biết: “Nền kinh tế Việt Nam đang cho thấy những xu hướng tốt, chẳng hạn như lạm phát ổn định và dòng vốn của nhà đầu tư nước ngoài chảy vào.”
Đáng chú ý, khi chỉ số tăng lên, lợi suất của “Hợp đồng tương lai VN 30 của ACE Việt Nam” trong tuần qua ghi nhận mức tăng 10,30%. “ACE Vietnam VN30 (tổng hợp)” cũng cho thấy mức tăng 6,15% trong cùng kỳ. Đây là sản phẩm có chỉ số cơ sở là Chỉ số VN30, bao gồm 30 cổ phiếu vốn hóa lớn, có tính đại diện thị trường và thanh khoản cao trong số các cổ phiếu niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM.
Theo Newsis, bất chấp những lo ngại về suy thoái kinh tế toàn cầu, tiềm năng tăng trưởng tương đối cao của Việt Nam so với các nước châu Á khác đang được nhấn mạnh. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã ước tính tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam ở mức 6,2% trong năm nay. Đây là mức cao nhất trong số các nước châu Á.
Theo IMF, tăng trưởng kinh tế lạc quan của Việt Nam đang đi theo một hướng khác so với xu hướng chậm lại của các nền kinh tế khác ở châu Á. Ngoài ra, tỉ lệ lạm phát của Việt Nam cũng vẫn nằm trong tầm kiểm soát do áp lực lạm phát trong nước hầu như chỉ diễn ra với giá nhiên liệu và các dịch vụ liên quan trực tiếp như vận tải.
IMF cho biết: “Vì chúng tôi kỳ vọng sẽ được hưởng lợi từ xu hướng rời khỏi Trung Quốc trong tương lai, nên triển vọng trung và dài hạn của nền kinh tế Việt Nam thậm chí còn tích cực hơn.”
Tuệ Ngô