+
Aa
-
like
comment

Việt Nam đang lọt vào ‘tầm ngắm’ của nhiều nhà đầu tư nước ngoài

30/06/2020 21:05

Hiện nay, đang có rất nhiều nhà đầu tư (NĐT) nước ngoài, trong đó có NĐT Hàn Quốc quan tâm và muốn đầu tư vào Việt Nam, trong bối cảnh Việt Nam đang nổi lên là một “điểm sáng” và là một trong những điểm đến đầu tư hấp dẫn sau đại dịch.

Bởi vậy, Việt Nam cần nắm bắt “thời cơ vàng” này để không những góp phần khôi phục kinh tế trong nước sau đại dịch, mà còn bứt phá lên một vị thế khác trên trường quốc tế. Đây là chia sẻ của ông Hong Sun – Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (KORCHAM).

* PV: Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về cơ hội, lợi thế của Việt Nam đối với thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong bối cảnh hiện nay?

– Ông Hong Sun: Tôi cho rằng, Việt Nam đang có rất nhiều cơ hội, ưu thế lớn để đẩy mạnh thu hút FDI trong giai đoạn hậu dịch Covid-19.

Trước hết, với những thành công điển hình trong phòng chống, kiểm soát dịch Covid-19 được cộng đồng quốc tế đánh giá cao, cùng với sức chống chịu của nền kinh tế Việt Nam trước khủng hoảng là khá tốt, khi nền kinh tế vẫn đạt mức tăng trưởng cao so với rất nhiều nước trong khu vực và trên thế giới… Điều đó khiến Việt Nam đang nổi lên là một “điểm sáng” và là một trong những điểm đến đầu tư hấp dẫn sau đại dịch. Tôi cho rằng, hiện nay vị thế, hình ảnh của Việt Nam trên trường quốc tế đã tăng lên rất nhiều so với trước khi xảy ra đại dịch Covid-19.

Thành tích trên cũng khiến Việt Nam đang có nhiều lợi thế cạnh tranh để đón dòng dịch chuyển đầu tư, sản xuất của nhiều tập đoàn lớn trên thế giới ra khỏi Trung Quốc do dịch Covid-19. Tôi được biết, hiện nay có nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn của Hàn Quốc đang đầu tư tại Trung Quốc cũng có ý định dịch chuyển cơ sở sản xuất sang một nước thứ ba khác. Trong đó, Việt Nam là một điểm đến đang lọt vào “tầm ngắm” lựa chọn của nhiều NĐT Hàn Quốc.

Bên cạnh những lợi thế nảy sinh từ khủng hoảng do dịch Covid-19, Việt Nam cũng có một số ưu điểm như nền tảng vĩ mô ổn định và đã được cải thiện rất nhiều trong những năm gần đây. Cùng với đó, môi trường đầu tư kinh doanh cũng ngày càng được cải thiện và thông thoáng hơn… Tất cả những “điểm cộng” trên khiến Việt Nam đang được đánh giá cao trong mắt các NĐT nước ngoài.

* PV: Bên cạnh những lợi thế, theo ông, đâu là những “điểm trừ” của Việt Nam trong cạnh tranh thu hút FDI?

– Ông Hong Sun: Hiện nay, Việt Nam đã có khoảng gần 350 khu công nghiệp (KCN) trên cả nước. Đây là một số lượng cũng tương đối, song nhìn chung chất lượng của các KCN chưa cao, nhiều KCN hệ thống hạ tầng kỹ thuật còn chưa đồng bộ. Đặc biệt, việc phát triển các KCN ở Việt Nam phần lớn mới chỉ chú trọng nhiều đến đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng nội bộ trong KCN, mà chưa quan tâm phát triển đồng bộ một số hạ tầng bên ngoài KCN, ví dụ như nhà ở cho chuyên gia nước ngoài, nhà ở cho công nhân, thậm chí còn cần phải có một vài dịch vụ tiện ích đi kèm… nên còn kém hấp dẫn NĐT. Mặt khác, ngành dịch vụ logistics của Việt Nam cũng chưa thực sự phát triển mạnh khiến chi phí bốc xếp hàng hóa, lưu kho, vận chuyển… còn cao, ảnh hưởng lên giá thành sản phẩm… Đây là những “điểm trừ” trong cạnh tranh thu hút FDI của Việt Nam.

sun
 Ông Hong Sun

Một vấn đề quan trọng nữa đó là những thách thức về nguồn nhân lực. Trong những giai đoạn trước đây, nguồn nhân lực của Việt Nam đáp ứng cho nhu cầu của các NĐT nước ngoài khá tốt. Nhưng hiện nay, do có quá nhiều NĐT đầu tư vào Việt Nam, nên xảy ra sự cạnh tranh lớn trong việc thu hút nguồn nhân lực. Tại một số địa phương, nhiều NĐT nước ngoài rất khó tuyển dụng được đủ số lượng nguồn lao động để đáp ứng đủ quy mô sản xuất của nhà máy. Điều này cũng ảnh hưởng lớn đến kế hoạch, chiến lược đầu tư tại Việt Nam của nhiều NĐT nước ngoài.

Ngoài ra, về mặt thể chế, nhiều chính sách, quy định pháp luật của Việt Nam được thay đổi nhanh chóng, khiến NĐT gặp khó khăn trong việc hoạch định chiến lược đầu tư, sản xuất, kinh doanh. Những rủi ro về mặt chính sách luôn là một trong những mối quan tâm hàng đầu, cũng như quan ngại của các NĐT nước ngoài khi muốn tìm hiểu, xúc tiến đầu tư tại thị trường Việt Nam…

* PV: Như ông đã chia sẻ cho thấy cơ hội để Việt Nam đón bắt “làn sóng” FDI  mới hậu dịch Covid-19 là hiện hữu. Vậy Việt Nam cần làm gì để không bị tuột mất “cơ hội vàng” này, thưa ông? 

– Ông Hong Sun: Hiện nay, điều kiện trong nước của Việt Nam đã khá thuận lợi khi hơn 2 tháng qua không còn phát sinh ca lây nhiễm Covid-19 trong cộng đồng. Tuy nhiên, việc người nước ngoài được phép vào Việt Nam cũng còn rất hạn chế. Để hỗ trợ các NĐT mới của Hàn Quốc sang tìm hiểu, xúc tiến đầu tư tại Việt Nam, hiệp hội chúng tôi đã phải trực tiếp làm việc với một số cơ quan chức năng của Việt Nam để xin cấp phép cho NĐT sang Việt Nam, song số lượng còn ít. Đây là một cản trở rất lớn đối với quá trình xúc tiến đầu tư của các NĐT. Vì vậy, muốn gia tăng thu hút đầu tư nước ngoài, Việt Nam cần xem xét các biện pháp tạo điều kiện cho NĐT sang tìm hiểu thị trường Việt Nam, tất nhiên là kèm theo các quy định về phòng chống dịch bệnh.

Bên cạnh đó, Việt Nam cần chuẩn bị sẵn mặt bằng đất sạch trong các KCN, cũng như cần chuẩn bị sẵn sàng nguồn nhân lực dồi dào để có thể đáp ứng ngay, đáp ứng tốt nhu cầu của các NĐT.

Đặc biệt, vấn đề cải cách thủ tục hành chính trong các lĩnh vực liên quan đến đầu tư, đất đai… của Việt Nam cần được đẩy mạnh hơn nữa, nhất là các cơ quan quản lý của Việt Nam cần thay đổi tư duy từ quản lý sang tư duy phục vụ, để tạo điều kiện thuận lợi cho các NĐT nước ngoài trong quá trình xúc tiến đầu tư vào Việt Nam.

Ngoài ra, Việt Nam cũng cần gia tăng các chính sách, biện pháp hỗ trợ NĐT nước ngoài. Đơn cử,  một số tập đoàn lớn của Hàn Quốc như Hyundai khi đầu tư sang Mỹ, chính quyền một số địa phương đã bố trí 2 người hỗ trợ cho NĐT chỉ chuyên một việc chính là đưa gia đình của NĐT đi tìm hiểu trường học cho con cái họ. Bởi, rất nhiều NĐT khi xác định đầu tư lâu dài tại một thị trường thì họ thường có xu hướng đưa gia đình, con cái sang, vì vậy vấn đề tìm trường học cho con là một mối quan tâm của các NĐT. Những sự hỗ trợ tưởng như rất nhỏ như vậy nhưng lại góp phần tạo nên sự yên tâm cho NĐT để xúc tiến đầu tư tại nước sở tại. Đây là một trong những kinh nghiệm mà Việt Nam nên học hỏi, để góp phần nâng cao tính cạnh tranh trong thu hút FDI.

Tôi cũng muốn nhấn mạnh rằng, như Chính phủ, lãnh đạo Chính phủ Việt Nam đã nhấn mạnh “trong nguy có cơ”, cuộc khủng hoảng do đại dịch Covid-19 đang tạo nên “cơ hội vàng” để Việt Nam bứt phá lên một vị thế khác trên trường quốc tế và trong khu vực. Cơ hội không dễ lặp lại và nếu bỏ lỡ cơ hội này sẽ là một điều rất đáng tiếc đối với Việt Nam. Muốn vậy, Việt Nam không thể cạnh tranh chỉ bằng hô hào khẩu hiệu mà phải có những hành động thực chất và mau lẹ, bởi trong “cuộc đua” thu hút FDI sau đại dịch, có rất nhiều đối thủ “nặng ký” trong khu vực cũng đang cạnh tranh mạnh mẽ, quyết liệt với Việt Nam.

* PV: Xin cảm ơn ông!

——————————————————————————————-

* Ông Đỗ Nhất Hoàng – Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư:

haoang

Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 50-NQ/TW về định hướng thu hút FDI trong thời gian tới, theo đó, đặc biệt chú trọng thu hút dòng vốn FDI có công nghệ cao, công nghệ nguồn, công nghệ tiên tiến theo xu thế cuộc cách mạng 4.0, hay thu hút vốn FDI vào những lĩnh vực mà nền kinh tế Việt Nam đang có nhu cầu cao… Vì vậy, trong quá trình đón “làn sóng” FDI hậu dịch Covid-19, cũng cần thu hút có chọn lọc, theo định hướng mà chúng ta đã đặt ra.

Đặc biệt, qua đánh giá hiệu quả thu hút FDI trong thời gian qua cho thấy, hoạt động thu hút FDI vẫn còn nhiều hạn chế về chuyển giao công nghệ, giá trị gia tăng dành cho Việt Nam còn thấp, sức lan tỏa đến các doanh nghiệp trong nước chưa cao… Bởi vậy, đứng trước “cơ hội vàng” trong thu hút FDI hiện nay, chúng ta cũng cần đặc biệt quan tâm đến việc nâng cao hiệu quả của hoạt động này. Theo đó, phải làm sao để sự đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam phải đem lại giá trị gia tăng nhiều hơn cho Việt Nam, đồng thời thúc đẩy doanh nghiệp trong nước phát triển và lớn mạnh hơn…

* Ông Tô Hoài Nam – Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam:

nam

Làn sóng dịch chuyển đầu tư khỏi Trung Quốc của một số cường quốc kinh tế, trong đó có Mỹ đang mở ra thời cơ mới cho nền kinh tế Việt Nam. Điều quan trọng nhất đối với Việt Nam đó là, bên cạnh việc cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để tạo lợi thế cạnh tranh, tận dụng hiệu quả cơ hội, phải ngăn chặn hiệu quả việc hàng Trung Quốc đội lốt hàng Việt, không để Việt Nam trở thành trạm trung chuyển của hàng hóa Trung Quốc mượn xuất xứ để xuất khẩu.

Không chỉ đối với thị trường Mỹ, hiện Việt Nam vừa chính thức thông qua Hiệp định EVFTA và chắc chắn tình trạng “núp bóng” hàng Việt để hưởng ưu đãi thuế khi xuất sang các nước có ký hiệp định thương mại với nước ta sẽ gia tăng mạnh. Song song với đó, hiện tượng gian lận thương mại, giả mạo xuất xứ hàng Việt Nam để trốn thuế sẽ ngày càng xuất hiện nhiều hơn với nhiều thủ đoạn mới, tinh vi hơn. Do đó, các cơ quan chức năng cần kiểm soát chặt chẽ hàng hóa xuất đi nước ngoài, phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi gian lận xuất xứ hàng hóa, gây ảnh hưởng đến thương hiệu, uy tín của hàng Việt, tạo “tiếng xấu”, vết “đen” cho hàng Việt xuất khẩu. Điều đó không chỉ ảnh hưởng đến DN mà còn gây thiệt hại nặng nề đối với nền kinh tế về lâu dài.

Bên cạnh đó, chúng ta cần nhanh chóng hoàn thiện hệ thống pháp lý về xuất xứ hàng hóa và kiểm tra, xác minh xuất xứ hàng hóa để triển khai có hiệu quả các hoạt động ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp, lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn kịp thời về xuất xứ hàng hóa cho DN, khuyến nghị DN phối hợp cung cấp thông tin cho cơ quan quản lý, hiệp hội ngành hàng khi thấy có dấu hiệu bất thường, những hành vi vi phạm về gian lận xuất xứ, tránh gây ảnh hưởng đến ngành sản xuất của mình.

Diệu Thiện/ TBTCVN

Bài mới
Đọc nhiều