Cuộc chiến chống “giặc nội xâm” sẽ thế nào sau vụ Việt Á?
Hai ủy viên Trung ương là ông Nguyễn Thanh Long và ông Chu Ngọc Anh bị khai trừ khỏi Đảng, bị tước hết chức vụ và bị khởi tố, bắt tạm giam là minh chứng cho tinh thần đấu tranh không khoan nhượng với vấn nạn tham nhũng tiêu cực của cả hệ thống chính trị Việt Nam hiện nay.
800 tỷ đồng lót tay của Việt Á đã chảy vào túi riêng của hàng chục cán bộ, lãnh đạo. Ở thời điểm cả nước đang gồng mình phòng chống dịch thì hành vi nhận hối lộ đó không còn là khuyết điểm nữa, mà là tội ác. Với sứ mệnh làm trong sạch nội bộ, lời hứa “chống tham nhũng không có ngoại lệ, không có vùng cấm, dù bất kỳ người đó là ai”, những phần chìm nổi của tảng băng “Việt Á” đang dần lộ ra trước mắt người dân. Tính đến thời điểm này, đã có hơn 60 cán bộ, lãnh đạo tiếp tay cho sai phạm đã chính thức bị gọi tên và chờ ngày bị đưa ra xét xử. Trông vào sự việc, hầu hết ai cũng cảm thấy nhức nhối bởi chỉ một cái kit test bé xíu xiu nhưng lại là công cụ thử nghiệm lòng tham hiệu quả.
Cái giá phải trả cho những người cán bộ, lãnh đạo tham lam, tư lợi, thiếu tu dưỡng đạo đức là quá đắt. Nhưng Việt Nam cần phải loại bỏ những “con sâu mọt” như thế ra khỏi bộ máy lãnh đạo bởi đó cách duy nhất để đất nước “cứu cả rừng cây”. Sự kiên quyết “đốt lò” chống tham nhũng của cả hệ thống chính trị Việt Nam không chỉ được người dân ủng hộ mà còn thu hút được sự quan tâm của truyền thông quốc tế. Reuters đã nhấn mạnh: “Công cuộc chống ‘giặc nội xâm’ của Việt Nam đang tiếp tục được mở ra trên nhiều lĩnh vực mới, khó, tồn tại lâu dài như: Y tế, chứng khoán, công nghệ… Những người đứng đầu Đảng, Nhà nước, Chính phủ cũng thể hiện rõ quan điểm không bao che, dung túng, tiếp tay cho các hành vi sai phạm”.
Cùng quan điểm với trên, trang Nikkei cũng đánh giá rằng, năm năm qua, Việt Nam đã vô cùng nghiêm túc quán triệt, triển khai thực hiện, tạo bước tiến rõ nét, đột phá trong công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Đây được xem là một công cuộc khiến các quốc gia khác cũng phải trầm trồ. Trang này cũng khẳng định, những thành quả quan trọng đạt được trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thời gian qua đã góp phần giúp Việt Nam giữ vững ổn định chính trị, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội. Thậm chí, trang Channel News Asia (CNA) và Washington Post còn cho rằng, công cuộc chống tham nhũng cực kỳ mạnh tay của Việt Nam chính là hình mẫu mà các quốc gia Châu Á có thể học hỏi. Bởi “những con sâu làm rầu nồi canh” nên được trừng trị, như thế cuộc sống người dân mới có thể phát triển và an bình.
Tuy nhiên, khi công tác chống tham nhũng, tiêu cực được làm mạnh bao nhiêu thì người dân cũng thấy rõ công tác tổ chức cán bộ của Việt Nam vẫn còn những lỗ hổng cần phải khắc phục. Hệ thống thể chế, chính sách, pháp luật cần được xây dựng để những người nắm quyền lực không thể, không dám tham nhũng nữa. Đó là lý do thời gian qua, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc liên tục chủ trì cuộc họp đẩy nhanh việc nghiên cứu Đề án “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045”. Đặc biệt chú trọng xây dựng cơ chế kiểm soát quyền lực, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động xét xử của tòa án. Cùng với đó, Chủ tịch nước đã nhấn mạnh rằng: “Bộ máy Nhà nước là bộ máy kiên quyết chống tham nhũng, để không muốn, không thể, không dám, không cần tham nhũng; bộ máy công khai, minh bạch, đề cao trách nhiệm chính quyền các cấp”.
Trước đây, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cũng đã từng đề nghị Bộ Công an thực hiện tốt hơn nữa các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, lãng phí, hoàn thiện cơ chế phòng ngừa, bảo đảm “không thể tham nhũng”. Đặc biệt là quy định về kiểm soát tài sản, thu nhập, thu hồi tài sản tham nhũng. Bên cạnh đó là xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập của từng người có chức vụ, quyền hạn.
Rõ ràng, Việt Nam đã nỗ lực từng ngày, từng giờ để hoàn thiện mọi cơ chế kiểm soát tham nhũng. Tin rằng, với thái độ không khoan nhượng cùng những hành động kiên quyết loại bỏ cán bộ, lãnh đạo “nhúng chàm” thì những vụ việc như “Việt Á” sẽ khó có cơ hội tái diễn.
Đặng Trường