Việt Nam đang dần lấy lại phong độ sau khủng hoảng

Hầu hết các báo cáo kinh tế đến từ thế giới như World Bank, IHS Market… đều đưa những số liệu dẫn chứng vô cùng khả quan cho thấy tình hình kinh tế Việt Nam đang dần hồi phục sau thời gian dài khủng hoảng, vì biến thể Delta lướt qua.

Hàng loạt hãng thông tấn uy tín nhất thế giới như Reuters, Guardian… lan toả thông tin từ Ngân hàng Thế giới (World Bank) nhận định về tình hình Kinh tế Việt Nam.

Qua đó, World Bank nhìn nhận sự suy giảm kinh tế ở Việt Nam đã “chạm đáy” và đang có sự hồi phục. Điều này diễn ra sau khi TP HCM và các tỉnh phía Nam khác dần dỡ bỏ các biện pháp hạn chế, các chỉ số di chuyển chính đã tăng trở lại và các hoạt động kinh tế được khôi phục.

Theo World Bank, mặc dù Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức trong việc khởi động lại nền kinh tế sau một đợt bế tắc kéo dài, nhưng những động lực tích cực quan sát được trong tháng 10 sẽ cho thấy sự tiếp tục phục hồi và củng cố tăng trưởng trong những tháng tới.

Trang IHS Market của Anh và Tổ chức Lãnh đạo các doanh nghiệp châu Âu (EuroCham) cũng có chung nhận định rằng kinh tế Việt Nam đang dần tăng tốc trở lại sau giãn cách.

Theo IHS Market, năm 2020, Việt Nam là một trong những nền kinh tế có khả năng chống chịu tốt nhất ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương trước những chấn động từ đại dịch Covid-19 toàn cầu.

Mặc dù tăng trưởng GDP trong quý 3 năm 2021 giảm mạnh. Tuy nhiên, dữ liệu kinh tế mới nhất của Q4 2021 đang cho thấy đà phục hồi của nền kinh tế. Chỉ số PMI tháng 10/2021 đã chứng tỏ sự phục hồi mạnh mẽ của Việt Nam.

Ngoài ra, IHS còn nhấn mạnh rằng, vai trò trung tâm sản xuất của Việt Nam cũng được kỳ vọng sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ, nhờ sự mở rộng hơn nữa của các ngành công nghiệp chính hiện có, đặc biệt là dệt may và điện tử, cũng như sự phát triển của các ngành công nghiệp mới như ô tô và hóa dầu.

Thông qua số liệu từ World Footwear Yearbook do World Footwear của Bồ Đào Nha công bố, Việt Nam lần đầu đón tin vui, vượt xa Trung Quốc trong xuất khẩu giày vải, bất chấp những khủng hoảng do Covid-19 gây nên.

World Footwear Yearbook mới nhất, Việt Nam đã trở thành nước xuất khẩu giày vải lớn nhất, vượt xa Trung Quốc. Đây là lần đầu tiên kể từ khi xuất bản World Footwear Yearbook, Trung Quốc không dẫn đầu xuất khẩu đối với một loại giày dép.

Bên cạnh đó, trang Daily Star của Bangladesh đã có một bài viết vô cùng đặc biệt với tiêu đề “Bangladesh lags behind Vietnam in reforms to attract FDI” (Bangladesh tụt hậu so với Việt Nam trong cải cách thu hút FDI), qua đó đã chỉ ra những thành công vượt trội của Việt Nam trong cải cách kinh tế.

Theo Daily Star, mặc dù có chung xuất phát điểm nhưng giờ đây kinh tế Bangladesh vẫn còn đang loay hoay tìm hướng đi, trong khi Việt Nam đã trở thành quốc gia có tốc độ phát triển nhanh nhất thế giới.

Đổi mới, chính sách kinh tế hấp dẫn, đường lối đúng đắn lại có quốc gia có mối quan hệ ngoại giao rộng mở đã khiến Việt Nam trở thành điểm sáng. Trong khi Bangladesh vẫn đang tụt lại phía sau, trang Daily Star nhận định.

Về lĩnh vực năng lượng tái tạo, trang McKinsey thuộc McKinsey & Company của Mỹ đã có bài viết nói về những cơ hội và tiềm năng trong việc phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam.

Trang McKinsey đưa ra nhận định rằng tại Việt Nam, năng lượng tái tạo có tiềm năng trở thành lựa chọn chi phí thấp nhất để đáp ứng nhu cầu năng lượng của đất nước trong tương lai. Từ đó cho thấy, Việt Nam đang có nhiều tiềm năng để trở thành cường quốc năng lượng tái tạo với điện mặt trời, điện gió và điện sinh khối.

Thực hiện: Bảo Trâm

Đồ họa: M.N

Từ khóa: