Việt Nam đã làm gì khiến IMF tự tin “gửi sao” tăng trưởng duy nhất?
Báo cáo lạm phát ở Mỹ cao hơn kỳ vọng của thị trường, đẩy tỷ giá lên cao 23.600 VND đổi 1 USD trong ngày 14/9. Áp lực tỷ giá ngày một lớn khiến giá nguyên vật liệu nhập khẩu tăng cao, lạm phát trong nước lăm le vượt mục tiêu, việc bơm thêm tiền cho nhu cầu phục hồi hậu Covid-19 cũng ngày càng trở nên thách thức…
Khác với nhiều quốc gia khác, suốt đầu năm đến nay, đồng tiền Việt Nam vẫn luôn ở mức ổn định so với USD, nhờ đó chúng ta đã thu hút được lượng lớn vốn FDI tìm đến thị trường Việt Nam. Vốn đầu tư FDI và tỷ giá có liên quan mật thiết với nhau trong bối cảnh hiện nay, do khi đưa vốn FDI vào Việt Nam, nhà đầu tư thường cũng phải đổi sang VND để đầu tư. Khi tỷ giá bình ổn sẽ giúp cho các doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa, nguyên vật liệu với giá cả “mềm” hơn so với các nước khác, đảm bảo lợi nhuận ổn định cho khâu xuất khẩu, bán hàng.
Đặc trưng của FDI là dòng vốn dài hạn, có thể đến 10-20 năm. Do đó, nhà đầu tư FDI thường quan tâm đến các đánh giá dài hạn về khả năng quản lý của quốc gia mình đầu tư. Nếu giữ được đồng tiền nội tệ ổn định trong bối cảnh lạm phát bao phủ thế giới, dòng vốn FDI sẽ tiếp tục đổ vào Việt Nam.
Việc ổn định tỷ giá trước mắt đã mang đến hai kết quả, một là ngăn không cho lạm phát từ bên ngoài xâm nhập vào Việt Nam, hai là giữ cho vốn FDI vẫn đầu tư ổn định vào Việt Nam. Và dòng vốn FDI sẽ là động lực để nền kinh tế tăng trưởng bên cạnh việc ngân hàng nhà nước can thiệp bảo vệ tỷ giá, ổn định vĩ mô.
Khác với dòng tiền tái đầu tư trong nước, FDI là nguồn ngoại hối giúp cung ứng nguồn tiền cho nền kinh tế phục hồi nhưng không gây áp lực tăng lạm phát. Các dự án đầu tư sẽ kích thích nhu cầu việc làm trong nước, giữ vững sức tiêu thụ của thị trường nội địa, từ đó làm bàn đạp cho các doanh nghiệp hồi phục hậu Covid-19.
Bên cạnh đó, khi doanh nghiệp nước ngoài đổi ngoại tệ sang VND để đầu tư, NHNN sẽ tích lũy được thêm nguồn ngoại hối ngoài hoạt động xuất khẩu, tiếp tục vòng xoay để đảm bảo ổn định vĩ mô và tăng trưởng kinh tế. Quan trọng, việc có sẵn thị trường tiêu thụ cũng như luôn tự chủ trong đầu ra của doanh nghiệp nước ngoài sẽ tiếp tục nâng cao kim ngạch xuất khẩu cho Việt Nam. Chẳng hạn như các tập đoàn Apple, Samsung có thị trường riêng và vẫn đang tìm cách mở rộng. Động lực đó sẽ giúp Việt Nam thu thêm thuế từ xuất nhập khẩu bổ sung thêm cho nguồn dự trữ ngoại hối quốc gia.
Trong bối cảnh đó, Chính phủ ngày càng có những biện pháp và chính sách nhằm tạo ra môi trường hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Vì vậy cũng không quá khó hiểu khi 8 tháng qua, có 1.135 dự án mới được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng vốn đăng ký đạt trên 6,35 tỷ USD bằng 100% so với cùng kỳ năm 2021.
Có thể thấy rằng, chính vì những nỗ lực ổn định tỷ giá nhằm hút vốn từ FDI mà Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) đã nâng hạng mức dự báo tăng trưởng của Việt Nam trong những tháng cuối năm 2022. Đặc biệt, Việt Nam hiện đang là quốc gia duy nhất tại châu Á và khu vực ASEAN mà cơ quan này tăng dự báo tăng trưởng. Đây là một tín hiệu hết sức lạc quan và đáng ghi nhận!
Huy Hoàng