+
Aa
-
like
comment

Việt Nam đã làm được những gì sau 43 năm gia nhập Liên hợp quốc

Đỗ Mạnh - 21/09/2020 17:56

Cách đây 43 năm, ngày 20/09/1977, lễ thượng cờ Việt Nam tại trụ sở Liên hợp quốc ở New York đã đánh dấu một giai đoạn mới trong quá trình hòa nhập vào cộng đồng quốc tế của Việt Nam.

Hình ảnh Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ ngoại giao Nguyễn Duy Trinh dự lễ thượng cờ Việt Nam trước trụ sở LHQ ngày 21/9/2020

Việt Nam gia nhập Liên hợp quốc (LHQ), tổ chức đa phương lớn nhất hành tinh ngay sau khi Việt Nam vừa thực hiện thành công công cuộc giải phóng miền nam, thống nhất đất nước. Chặng đường đầy gian nan vất vả ấy đã tạo động lực rất lớn cho Việt Nam từ một nước nhỏ, chỉ biết đến chiến tranh đói nghèo, đã vươn lên trở thành một trong những quốc gia đi đầu trong việc thực hiện các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ mà LHQ đề ra. 43 năm trôi qua để có được vị thế, uy tín và chỗ đứng trong cộng đồng quốc tế như hôm nay, Việt Nam đã phải trải qua một quá trình phấn đấu không biết mệt mỏi, tự hoàn thiện bản thân mình để chứng minh cho thế giới hiểu Việt Nam là một quốc gia yêu hòa bình, yêu tự do như bất kì quốc gia nào trên thế giới này. Từ vị trí là một nước chuyên nhận viện trợ để khắc phục khó khăn do những cuộc chiến để lại, qua thời gian Việt Nam đã trở thành quốc gia chủ động tham gia vào các tổ chức của LHQ để đấu tranh cho một thế giới hòa bình và phát triển bền vững được bạn bè quốc tế đánh giá cao. Trong 43 năm qua, thông qua những hoạt động của mình, mối quan hệ giữa Việt Nam với LHQ đã không ngừng được củng cố và từng bước phát triển và Việt Nam luôn nỗ lực để trở thành một thành viên tin cậy, có trách nhiệm của LHQ.

Trong 43 năm, Việt Nam tuy còn nghèo nhưng đã tham gia và là thành viên tích cực của các tổ chức do Liên Hợp quốc thành lập như: UNESCO, UNDP, Tổ chức lương thực và Nông nghiệp FAO, Tổ chức Y tế thế giới … và hầu hết các tổ chức khác. Trong 43 năm ấy với những đóng góp không mệt mỏi của mình, Việt Nam đã rất vinh dự hai lần được các nước thành viên Liên hợp quốc bầu làm ủy viên không thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc, lần thứ nhất nhiệm kì (2008-2009) với số phiếu bầu rất cao 183/190 phiếu và lần thứ 2 nhiệm kì (2020-2021) với số phiếu bàu gần như tuyệt đối 192/193 phiếu.  Với số phiếu bầu rất cao chứng tỏ uy tín của Việt Nam đối với các nước thành viên Liên hợp quốc đã đạt ở mức độ rất cao. Một điều đáng chú ý là năm 2014 để đóng góp tích cực vì một thế giới hòa bình, Việt Nam lần đầu tiên gửi đội quân tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình ở một số quốc gia Châu phi, đồng thời luôn có những đóng góp tích cực góp phần giảm bớt những xung đột và ngăn ngừa chiến tranh trên một số khu vực.

Trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, dù xuất phát điểm là một nước nghèo luôn phải sống trong tình trạng thiếu lương thực và nhận viện trợ từ nước ngoài và LHQ, ngày nay Việt Nam đã trở thành một trong những nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới và là một quốc gia đứng trong tốp đầu xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp như chè, caphe, hạt điều và các sản phẩm khác … Thành tích sản xuất lương thực của Việt Nam đã làm cho LHQ và các nước thành viên vô cùng ngưỡng mộ. Không dừng lại ở đó Việt Nam còn cử những nhà khoa học , các chuyên gia nông nghiệp sang một số nước Châu phi để hỗ trợ và chuyển giao công nghệ trồng lúa nước giúp các nước này xóa đói giảm nghèo.

Trong trận đại dịch Covid-19 năm 2020, Việt Nam không những là quốc gia phòng và chống dịch tốt,  hạn chế tối đa những ca tử vong và sự lây lan của dịch bệnh. Kết quả mà Việt Nam đạt được cho đến hiện nay đã làm cả thế giới tôn trọng và  ngưỡng mộ. Đặc biệt với vai trò là ủy viên không thường trực HĐBA Liên Hợp quốc Việt Nam đã liên tục có những đề xuất góp một phần không nhỏ cho việc hạn chế dịch bệnh lây lan và phòng chống dịch trên toàn thế giới. Với các nước Asean, với vai trò là chủ tịch luân phiên, Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc vai trò của mình, là cầu nối giữa các nước trong khối làm tốt công tác chống dịch và phát triển kinh tế.

Hiện nay Việt Nam đang chiếm một vị trí hết sức quan trọng trên trường  quốc tế. Với sự ổn định chính trị cao và một nền kinh tế vĩ mô phát triển vững chắc, Việt Nam đang ngày càng trở thành một nhân tố không thể thiếu trong các hoạt động quốc tế quan trọng. Với 43 năm là thành viên Liên hợp quốc, bằng sự nỗ lực không mệt mỏi, Việt Nam đã chứng minh cho thế giới biết rằng Việt Nam là một dân tộc yêu hòa bình, luôn hòa hiếu và muốn làm bạn với tất cả các nước trên thế giới, trên cơ sở tôn trọng độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau. Cùng các nước chung tay xây dựng một thế giới không có chiến tranh, môi trường xanh sạch đẹp và tuân thủ luật lệ quốc tế.

Đối với Việt Nam, sự kiện gia nhập Liên hợp quốc cách đây 43 năm giúp chúng ta hiểu ra một chân lý là muốn phát triển phải mở rộng hợp tác và làm bạn với tất cả các các nước. Sự giao lưu hợp tác giúp các dân tộc trên thế giới gần nhau hơn, hiểu nhau hơn và là phương án chống chiến tranh hiệu quả và ít tốn kém nhất. Với những gì chúng ta đã làm được, hi vọng trong thời gian tới Việt Nam sẽ làm được nhiều việc hơn, hiệu quả hơn để góp một phần nhỏ bé của mình cho thế giới hòa bình cho hạnh phúc của nhân loại.

Đỗ Mạnh

* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả

Bài mới
Đọc nhiều