Việt Nam đã có giải pháp đáp trả nếu Trung Quốc kích ngòi nổ trên biển Đông
Xua tàu chiến núp bóng tàu dân sự ra biển Đông, chủ động gây hấn để kích Việt Nam “châm ngòi” sử dụng lực lượng quân sự, từ đó biến một vùng từ không tranh chấp thành tranh chấp – đó là những thủ đoạn, chiến thuật Trung Quốc đã mở bài thực hiện xuyên suốt, hòng cướp vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam. Nhưng khi thời cuộc đã nhiều đổi thay, quốc tế ngày càng thể hiện vai trò đúng nghĩa trên biển Đông, thì Trung Quốc đã chuyển từ thế khiêu khích sang “tuyên chiến” ban hành đạo Luật cho phép cảnh sát biển nước này nổ súng vào tàu nước ngoài, thể hiện rõ tham vọng bá quyền, bành trướng của con “cá nóc”.
Dù rất ham muốn nhưng “cá nóc” không thể “nuốt trọn” biển Đông
Để thực hiện cho cái tham vọng biến biển Đông thành ao nhà, mười năm trở lại đây, Trung Quốc ra sức giở chiến thuật “vùng xám” gây căng thẳng, khiêu khích nước khác tự “rút gươm khỏi đao”. Đáng nhớ là năm 2014, khi Trung Quốc đặt giàn khoan dầu biển sâu Hải Dương-981, trong vùng biển ngoài khơi Việt Nam; Đến tháng 7 năm 2019, Trung Quốc đưa nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 xâm phạm sâu vào vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam ở khu vực bãi Tư Chính và “ở lì” nơi đây khiêu khích lực lượng chấp pháp Việt Nam tới hơn 3 tháng. Toàn bộ chiến thuật này được Trung Quốc xây dựng xung quanh ý tưởng núp bóng, ngụy trang “không sử dụng” lực lượng quân sự. Nhưng “quả lưới” Trung Quốc thu về được sau các sự kiện này, cho kết quả chuẩn xác: không thể nào kích động để Việt Nam tự tay “châm ngòi” chiến tranh.
Chiến thuật “vùng xám” chưa thể thành công, trong diễn biến các nước phương Tây, trời Âu, và cận kề như Ấn Độ ngày càng thể hiện vai trò, quyền và lợi ích, tham gia tuần tra, tập trận trên biển Đông, Trung Quốc thông qua luật cho phép lực lượng hải cảnh sử dụng vũ lực với tàu nước ngoài từ ngày 22/1. Trung Quốc thể hiện sức mạnh bản thân, “thổi phình” đạo Luật này bằng cách tuyên truyền để thế giới biết sẽ “phá công trình mà nước khác xây dựng trên các bãi đá ngầm và kiểm tra các tàu nước ngoài trong vùng biển mà Trung Quốc đưa ra yêu sách chủ quyền”; đồng thời trao cho hải cảnh Trung Quốc quyền thiết lập tạm thời các vùng cấm di chuyển “khi cần” để ngăn tàu thuyền và người xâm nhập.
Chưa cần bình luận đến sự vội vã khi Trung Quốc tung ra đạo Luật này, chỉ đề cập đến vấn đề chiến thuật, về mặt pháp lý thì Trung Quốc đã đi sau Việt Nam hơn 500 ngày.
Chất thép từ Luật Cảnh Sát Biển Việt Nam
Trước khi Trung Quốc tung đạo Luật này thì Việt Nam – một quốc gia yêu chuộng hòa bình và công lý đã ban hành Luật Cảnh sát Biển có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2019 nêu rõ, một trong các trường hợp Cảnh sát biển Việt Nam được phép nổ súng, xin được tạm trích:
Thứ 1: Đối tượng điều khiển tàu thuyền đó tấn công hoặc đe dọa trực tiếp đến tính mạng người thi hành công vụ hoặc người khác.
Thứ 2: Khi biết rõ tàu thuyền chở đối tượng phạm tội hoặc chở vũ khí, vật liệu nổ trái phép, tài liệu phản động, bí mật nhà nước, ma túy, bảo vật quốc gia cố tình chạy trốn.
Thứ 3: Khi tàu thuyền có đối tượng đã thực hiện hành vi cướp biển, cướp có vũ trang theo quy định của điều ước quốc tế mà nước CHXHCN Việt Nam là thành viên, quy định của pháp luật về hình sự cố tình chạy trốn.
Như vậy, bất kỳ trường hợp nào lực lượng hải cảnh Trung Quốc sử dụng vũ lực bắn tàu hợp pháp của Việt Nam, hoặc tấn công các công trình hợp pháp của Việt Nam theo ý đồ cá nhân, Việt Nam đều có những phương thức đáp trả phù hợp, sòng phẳng và đúng luật nhất. Việt Nam không thích chiến tranh, không muốn chiến tranh, nhưng Việt Nam sẵn sàng hành động, làm mọi việc chống lại giặc ngoại xâm, để bảo vệ đất nước này. Quá trình đấu tranh giành độc lập dân tộc Việt Nam đã thể hiện rõ nhất điều đó.
Một sự thật khác, dù Trung Quốc có muốn hay không thì vùng biển thuộc tự do hàng hải quốc tế không thể nào trở thành “độc tôn”, sự chiếm hữu của quốc gia Trung Quốc. Chỉ trong năm 2020, đã có 5 lần tàu chiến của các quốc gia Mỹ, Nhật, Úc, Ấn Độ tập trận trên biển Đông – con số này đã nói lên rất rõ thông điệp về trật tự biển Đông, không phải Trung Quốc muốn làm gì thì làm.
Và, dù Trung Quốc có ngang ngược và phô trương gây ra chiến tranh thông tin, gây hấn thế nào cũng không thể thay đổi lịch sử đã minh định Việt Nam là chủ nhân của hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền với hai quần đảo này và được sự ủng hộ tuyệt đối của bạn bè quốc tế. Mọi hoạt động tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, nếu không có sự cho phép của Việt Nam, là vi phạm chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông, vi phạm luật pháp quốc tế và không có giá trị pháp lý.
Lương Hoàng