Việt Nam đã chạy đua với vaccine Covid-19 như thế nào?
Tin vui nhất trong ngày hôm qua, như một tia nắng chiếu rọi vào bầu không khí u ám, đặc quánh những âu lo. Đó là Việt Nam đã đàm phán thành công 20 triệu vaccine Sputnik V của Nga với giá ưu đãi nâng tổng số vaccine mà nước ta nhận được lên đến 120 triệu liều. Kèm theo đó là việc chuyển giao, mở nhà máy đảm bảo cung ứng vaccine cho Việt Nam trong thời gian tới.
Đợt dịch thứ 4 bùng phát với số lượng ca lây nhiễm hàng ngày khiến những người dù lạc quan đến mấy cũng không tránh khỏi cảm giác rùng mình. Bắc Giang chưa nguôi thì lại đến TP HCM “sốt hầm hập”. Nỗi lo lắng về thứ dịch bệnh đánh vào hơi thở nguy hiểm này không chỉ ở lời nói mà còn là ánh mắt. Mỗi khi tiếng còi xe cứu thương reo lên thì những trái tim của người dân lại giật mình thon thót. Trong bối cảnh ấy, yêu cầu về Vaccine Covid-19 lại càng cấp thiết, bởi thực tế đã chứng minh sau khi được phổ biến vaccine ở các nước phương Tây thì khả năng miễn dịch cộng đồng đã tăng lên rất lớn. Tuy nhiên, khi Covid-19 đang trở thành thứ bệnh dịch đe dọa toàn cầu, thế giới đang trong cuộc đua vaccine Covid-19 khốc liệt và Việt Nam là một trong những nước không được ưu tiên cấp vaccine vì chống dịch tốt thì không phải dễ dàng có tiền là có thể sở hữu. Tuy vậy, không có nghĩa khó là không làm được!
Việt Nam vẫn đi bằng hai chân, một là tự chủ nghiên cứu vaccine, hai là dùng mọi biện pháp để có thể nhập khẩu vaccine từ nước ngoài đủ số lượng để tiêm chủng cho 75% dân số. Thủ tướng Phạm Minh Chính nói rõ “Phải dùng mọi biện pháp, từ ngoại giao, Chính phủ, doanh nghiệp đến người dân để tiếp cận mua vaccine”. Và chúng ta đang thấy một thủ tướng thực tế, mỗi ngày điện đàm khắp thế giới tìm nguồn vắc xin. Còn Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thành Long khẳng định “Mở tất cả các cửa để có vaccine Covid-19”. Nhờ vậy mà 27 doanh nghiệp đủ điều kiện bảo quản và lưu trữ vaccine Covid-19 đã được tham gia.
Với sự chung tay góp sức của cả hệ thống chính trị, đến nay đã có hơn 100 triệu liều vaccine Covid-19 được cam kết cung cấp, đủ tiêm chủng cho 75% dân số từ 18 tuổi trở lên. Như vậy, vẫn còn thiếu khoảng 40 triệu liều để đạt mục tiêu. Bộ Y tế đã huy động mọi nguồn lực, liên tục làm việc với đại sứ quán các nước Ấn Độ, Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản… các tổ chức quốc tế và Liên minh châu Âu để sớm tiếp cận các nguồn, mua thêm vaccine. Và nhờ tư duy phá bỏ thế độc quyền, mà trái ngọt đã nhanh chóng đến với Việt Nam, 20 triệu liều vaccine của người bạn Nga sẽ được đưa tới Việt Nam ngay trong tháng 7 này.
Vaccine Covid-19 không có hiệu lực bảo vệ miễn dịch suốt đời, chỉ kéo dài 6 tháng đến một năm đồng nghĩa với việc 25 ngàn tỷ như Bộ Tài chính dự kiến chỉ để lần tiêm đầu và về lâu dài không còn cách nào khác nếu không xã hội hóa. Chính vì thế, Chính phủ đã ra lời kêu gọi sức mạnh của toàn dân, tham gia vào Quỹ vaccine Covid-19. Và ông Phạm Nhật Vượng tiên phong dành tặng 4 triệu liều vaccine, sau đó tới các ngân hàng lớn Vietcombank, Vietinbank, BIDV và Agribank đóng góp 100 tỷ. Và mới đây, bà Nguyễn Phương Hằng cũng khẳng định sẽ đặt mua 10 đến 15 triệu liều Vaccine để chung tay cùng cả nước vượt qua đại dịch. Và còn rất, rất nhiều tấm lòng nữa đang được hằng ngày, hằng giờ chia sẻ vào quỹ vaccine này.
Có thể sẽ có những bước khó khăn ban đầu, thế nhưng với tinh thần đoàn kết một lòng, tin tưởng rằng Việt Nam sẽ tiếp tục tạo ra kỳ tích mới khiến thế giới phải thán phục. Đáng buồn thay, lạc lõng trong bầu không khí khẩn trương của đất nước, cứ mỗi lần bùng phát dịch là y như rằng, lại có những kẻ ghen tức mà bỉ bôi rằng, “Chính phủ lấy lý do nhà sản xuất vắc xin chỉ đàm phán với chính phủ nên các doanh nghiệp dù có tiền cũng không được giúp dân” hay “hiện tại gấp lắm rồi, phải cho doanh nghiệp tham gia chứ không thì “chết” dân”… Chỉ cần vài giây gõ google là có thể thấy ngay được thông tin mà Chính phủ đang làm, doanh nghiệp góp sức thế nào, tuy nhiên đối với những kẻ này thì điều đó còn khó ngang lên trời! Ấy vậy mà, chỉ trích chứ đến khi có vaccine lại xung phong tiêm trước không chừng!
Thu An