+
Aa
-
like
comment

Việt Nam có thể còn nghèo nhưng chắc chắn không hèn

05/03/2020 16:04

Hiện nay, có rất nhiều ý kiến dư luận bàn về những hình ảnh hàng trăm chiến sĩ thuộc các đồn biên phòng Lạng Sơn ăn gió nằm sương, gác từng đường mòn lối mở nơi địa đầu Tổ quốc đề phòng dịch virus Corona lây lan.

11 lán dã chiến của bộ đội biên phòng cửa khẩu Hữu Nghị nằm rải rác trên dọc tuyến biên giới của huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn. Cứ 6 tiếng, các chiến sĩ lại đổi ca một lần để phòng chống dịch corona vào Việt Nam thông qua đường xuất nhập cảnh trái phép.

Một bình luận trên diễn đàn về xe cộ bày tỏ thái độ chê trách: “Tôi chẳng thấy gì ngoài sự cẩu thả, vô trách nhiệm của bộ đội, bây giờ hiện đại hơn nhiều rồi, cần gì phải nằm chiếu trải dưới đất, lều bạt đâu? Hay lại màu mè, phông bạt, kiếm sự đồng cảm của cư dân mang, dùng khổ nhục kế để thu hút sự chú ý, mỗi người một công việc. Chúng tôi đóng thuế không phải để các anh làm cảnh”.

Tuy nhiên trên hội nhóm Hóng biến của giới trẻ thì lại có người bày tỏ sự cảm thông với nhiệm vụ của các anh bộ đội Cụ Hồ: “Không phải tự nhiên người ta gọi là nghĩa vụ quân sự, cống hiến tuổi trẻ cho Tổ Quốc. Vốn dĩ họ có doanh trại, nơi ăn chốn ở đầy đủ nhưng vì trách nhiệm với Tổ Quốc, nhân dân mà họ phải làm vậy. Đó vừa là một cách rèn luyện, vừa tiết kiệm ngân sách quốc gia, vừa nhường nơi ăn ở cho đồng bào, chứ chẳng ai muốn chịu khổ như vậy”.

Đó là hai bình luận và cũng là hai góc nhìn về hình ảnh các chiến sĩ màn trời chiếu đất, ăn cơm chỉ có thịt mỡ hoặc cá kho vội kèm món “canh đại dương” – cái thứ canh chỉ có vài cọng rau và đóng vai trò là “phẩm màu” biến nước trắng thành nước canh. Một bên là những người trưởng thành, có tuổi đời, có nhiều kinh nghiệm sống, một bên là lứa trẻ với con mắt giản đơn hơn.

Lán dã chiến số 11 của bộ đội biên phòng cửa khẩu Hữu Nghị nằm trên lối mòn đi qua bản Kéo, thị trấn Đồng Đăng, tỉnh Lạng Sơn. Ca gác chiều tối 6/2 có 4 cán bộ, chiến sỹ. Những ngày đầu trên lán không có điện, họ phải thắp sáng bằng đèn nến và đốt hương đuổi muỗi, côn trùng.
Những ngày qua, tổ công tác cắm tại thôn Nà Ngầu đã ngăn hàng chục lượt người dân địa phương có ý định xuất cảnh qua Trung Quốc.

Thiết nghĩ, sẽ chẳng có anh bộ đội nào kể công hay bắt chúng ta tôn thờ. Phải đồng ý tuyệt đối rằng, mỗi người có một công việc riêng, vai trò, quyền lợi và nghĩa vụ riêng nhưng thực sự họ đã và đang phải chịu gian khổ. Nhìn vào đấy, để sống tốt hơn, vị tha hơn và bớt chửi bới hơn, chứ mình nghĩ không phải nhìn những hình ảnh gian khổ như thế để ngờ vực, ích kỷ.

Bộ đội thay phiên nhau đi tuần tra.

Đáng buồn thay là số lượng những con người hằn học, tiêu cực như thế khá là nhiều.

Chẳng nói đâu xa, khi Chính phủ Việt Nam quyết định đón đồng bào đang làm việc, học tập, sinh sống từ vùng dịch Trung Quốc, Hàn Quốc trở về, sau đó tổ chức nơi ăn chốn ở, chuẩn bị y tế để cách ly theo dõi tình hình. Nhẽ ra đây là một hành động đáng để tôn vinh, tin tưởng, thể hiện tính trách nhiệm bảo hộ công dân của Nhà nước, nhưng mà nhiều người, chẳng nghĩ được như vậy, họ cho rằng đang tha dịch về nhà. Như một admin của một diễn đàn công nghệ rất có tiếng, người đó thẳng thừng ví những người Việt từ vùng dịch trở về là rác rưởi: “Chẳng có người bình thường nào ra tha rác từ bãi rác trở về, làm hôi thối cả nhà”. Kỳ lạ thay, dòng trạng thái ấy rất được hưởng ứng

Hay như trước đó, phía Trung Quốc gửi lời cám ơn đến các quốc gia đã trợ giúp quốc gia này trong cuộc chiến chống Corona, tình cờ thay, lại không có cái tên Việt Nam dù trước đó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã công bố việc hỗ trợ phía Trung Quốc. Vậy là những người tự nhục lại xuất hiện và cho rằng Việt Nam là một “tiểu quốc” không đáng để “thiên triều bận tâm”. Nhưng sự thực thì là sao? Chúng ta chuẩn bị một chuyến bay vừa mang hàng hóa viện trợ đến tâm dịch và vừa đưa người Việt trở về cũng từ nơi tâm dịch đó. Sau đó, đích thân Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Đại sứ Trung Quốc, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc đều gửi thư, điện và lời cám ơn. Nhưng bè lũ tự nhục lại im bặt và tảng lờ trước những thông tin đó.

Mình nghĩ rằng ai cũng thích những thư, điện và lời cám ơn trực tiếp hơn là những dòng viết trên mạng nhỉ? Kiểu như ngày 08/03 chúc mẹ đẹp hơn, nhưng lại viết trên mạng chứ ngoài đời chẳng nói với mẹ câu nào ấy nhỉ.

Mình biết dạo trước có nhiều người nhìn về các bạn fan K-pop, Cbiz hay những người trẻ chơi game với những góc nhìn rất định kiến. Nhưng họ quên rằng hồi họ còn trẻ, họ cũng là những người con người với đầy dại khờ, nghịch dại, người lớn cứ hay áp dụng những góc nhìn “khi đã là người lớn” để đánh giá những đứa trẻ – đang trở thành người lớn.

Và rồi đúng là mình thấy những người “đã là người lớn ấy” tự nhục khi một số người Hàn Quốc chê bai bánh mì Việt Nam, điều kiện cách ly của Việt Nam, xuyên tạc và “ăn không nói có”. Họ phản ứng bằng cách chê bai Chính phủ Việt Nam, chê bai chính quyền Đà Nẵng là chậm chạp, không hiểu rõ tình hình và “quốc nhục”. Nhưng chính những người bị đánh giá là trẻ con, cuồng Hàn, cuồng Tàu, cuồng game hay thích sống ảo lại đã cùng nhau hiệp đồng tạo nên một trong những “trận chiến” lớn nhất trên không gian mạng Việt Nam. Thông điệp của các bạn trẻ truyền tải là: Xin lỗi Việt Nam và người Hàn đừng dối trá! Những người trẻ ấy đã chứng minh một điều: Việt Nam có thể nghèo nhưng chắc chắn không hèn.

Những người tiêu cực sẽ “sống trong tự nhục” còn những người tích cực sẽ đấu tranh.

Một bình luận của một người Mỹ tại talkshow “Last Week Tonight with John Oliver” của đài HBO nói rằng: “Người Việt Nam có thể bẻ đôi quả táo và giờ họ bẻ gãy luôn cả dịch Coronavirus”. Trong chương trình mới nhất, MC John Oliver đã nói về việc phòng chống dịch Corona trên toàn cầu, và ông dừng lại ở Việt Nam, một bài hát với những giai điệu tươi trẻ, hồ hởi, nó khiến cho các bài hát khác về rửa tay khác trở nên nhàm chán, nhạt nhẽo. Một đoạn bài của “Ghen Cô Vy” cũng đã trở thành hot trend trên Tiktok – một mạng xã hội gần như chỉ dành riêng cho giới trẻ và góp một phần giúp lan truyền thông tin chống dịch hiệu quả từ những việc đơn giản như rửa tay. Một người Mỹ bình luận: bài hát này ở ngay trong đầu của tôi và tôi đang không ngừng nghe nó. Việt Nam đang cứu thế giới.

“Ghen Cô vy” do BỘ Y tế Việt Nam phối hợp với một số ca sỹ và vũ điệu rửa tay của Quang Đăng đang nhận được rất nhiều lời khen từ truyền thông quốc tế.

Thật lạ kỳ khi ở một thế giới mà một bà già cộng với giáo phái gì đó của bà có thể khiến cả một quốc gia tiên tiến bị lao đao, hình ảnh của bà ấy trở thành đúng như các hình tượng phản diện trong phim, một bệnh nhân siêu lây nhiễm đánh chao đảo nền y tế. Hay một quốc gia khác, “thả nhầm” người bệnh từ trên con tàu cách ly, không có biện pháp chữa trị để rồi còn tàu ấy trở thành một nơi ám ảnh mãi sau này. Rồi ở nơi kia, có một vài quốc gia xem việc “đeo khẩu trang” là một điều gì đó lạ kỳ và rồi những quốc gia ấy lại trở thành những quốc gia đang leo top thẳng căng trên bảng xếp hạng đại dịch Corona toàn cầu. Hoặc ở quốc gia hùng mạnh nhất thế giới, y tá và bệnh nhân nghi nhiễm rượt đuổi nhau, xuất viện nhầm, bộ KIT thử thì chất lượng kém.

Những trường hợp trên là có thật, nhưng chẳng phải tại Việt Nam. Nhưng mà, nhiều người vẫn nghĩ Việt Nam đang che dịch và giấu dịch đó.

Mình biết một anh diễn viên hài độc thoại kêu gọi: Cấm biên với Trung Quốc. Nhưng khi hỏi lại anh: Anh sẽ làm gì để giải cứu hàng hóa nông sản Việt Nam và giao thương kinh tế với Trung Quốc? Anh chẳng có giải pháp nào đưa ra cả. Điều đó mình thấy nhiều ở các “chuyên gia” kinh tế trên mạng, những người mà chỉ phê phán nhưng không đưa ra bất cứ một giải pháp nào.

Không có điều gì hoàn hảo trên thế giới này cả. Biết là thế, thì phải hiểu rằng nếu chia bản chất một sự việc thành mười phần, nếu có một phần xấu thì chín phần còn lại vẫn phải được đánh giá riêng biệt. Chín phần tốt, một phần xấu thậm chí hai phần, ba phần xấu, thì tổng thể đó vẫn tốt. Chứ không phải lấy phần xấu nhỏ bé đó đánh giá cho toàn bộ các phần còn lại đều xấu, đó là quy chụp.

Tifosi

Bài mới
Đọc nhiều