“Việt Nam có nhiều cách để tận dụng làn sóng phục hồi toàn cầu”
Nền kinh tế toàn cầu bước vào năm 2021 với hy vọng bật dậy từ đại dịch. Trao đổi với PV, GS David Dapice khẳng định Việt Nam có nhiều cách để tận dụng làn sóng phục hồi toàn cầu.
Ông David Dapice – chuyên gia kinh tế cao cấp tại Trung tâm Ash về Quản trị Dân chủ và Đổi mới, thuộc Trường Quản lý Nhà nước John F. Kennedy, Đại học Harvard – đã nghiên cứu về nền kinh tế Việt Nam từ cuối thập niên 1980.
Trong cuộc phỏng vấn với PV dịp đầu năm 2021, ông Dapice chia sẻ câu chuyện khiến ông ấn tượng nhất về Việt Nam. Đó là khi một nữ nhân viên phục vụ trẻ tuổi trong một nhà hàng ở Hà Nội hỏi mượn ông cuốn sách. Theo ông Dapice, tinh thần ham học hỏi đã và sẽ tiếp tục là thế mạnh giúp đất nước phát triển.
Ông nhận định trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu bật dậy từ cuộc khủng hoảng vì dịch Covid-19, thúc đẩy con người và doanh nghiệp trong nước là một trong những cách giúp Việt Nam tận dụng đà phục hồi của thế giới để hưởng lợi.
– Là một người đã nghiên cứu về Việt Nam từ cuối thập niên 1980, ông đánh giá thế nào về sự phát triển của nền kinh tế đất nước trong những năm qua?
– Việt Nam đã làm rất tốt kể từ chương trình Đổi mới, tốt hơn tôi dự đoán, dù không tốt bằng những gì tôi thực sự hy vọng. Đất nước các bạn không phát triển quá nhanh như Đài Loan hay Hàn Quốc, nhưng tốt hơn hầu hết quốc gia trong khu vực. Và ưu điểm của việc tăng trưởng không quá nhanh là cho phép các tổ chức và người dân thích nghi.
Tôi cho rằng miền Nam đất nước quen thuộc hơn với nền kinh tế thị trường và có một số lợi thế. Trong khi đó, miền Bắc cũng đang bắt kịp về khía cạnh này. Việt Nam đã học hỏi được nhiều bài học trong quá trình mở cửa. Tham vọng cạnh tranh với “những con rồng châu Á” như Đài Loan và Hàn Quốc khiến Việt Nam phải cải thiện các quy định và luật lệ đối với nhà đầu tư nước ngoài.
Điều này cũng được đẩy nhanh bằng cách gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và ký kết nhiều hiệp định thương mại và đầu tư.
Ngoài ra, chi phí lao động tại Trung Quốc tăng cao. Cùng với đó là cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung ngày càng leo thang. Điều đó thúc đẩy làn sóng chuyển dịch đầu tư từ Trung Quốc sang các nước châu Á khác, trong đó có Việt Nam. Các doanh nhân nước ngoài đã tìm ra một điểm đến đầu tư tốt. Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ 1-2 tỷ USD/tháng và hàng triệu việc làm mới trong các nhà máy là những con số đáng kể.
Tuy nhiên, một đất nước 100 triệu dân như Việt Nam cần các doanh nghiệp nội địa mạnh. Thông qua thúc đẩy doanh nghiệp địa phương, đào tạo thị trường lao động và giữ một xã hội tương đối cởi mở, Việt Nam có thể cải thiện chất lượng của dòng FDI. Điều này sẽ giúp mở rộng nền kinh tế.
– Trong một chuyến thăm Việt Nam hồi năm 1990, tôi có dịp ngồi ở một nhà hàng tại Hà Nội, cùng với một cuốn sách viết bằng cả tiếng Việt lẫn tiếng Anh. Khi đó, một nữ phục vụ trẻ tiến đến và hỏi liệu có thể mượn cuốn sách để đọc trong khi tôi ăn hay không. Điều đó sẽ không xảy ra ở các quốc gia Đông Nam Á khác mà tôi biết.
Thái độ ham học hỏi là một thế mạnh rất lớn của Việt Nam. Các quốc gia khác cũng công nhận lợi thế đó. Nó còn mở rộng ra khả năng học tập, tập trung và sắp xếp.
Trong phiên điều trần trực tuyến điều tra Việt Nam thao túng tiền tệ hồi tuần trước, một nhà đầu tư Mỹ cho rằng Việt Nam không phải quốc gia sản xuất giá rẻ. Thay vào đó, sức hút của Việt Nam đến từ khả năng sản xuất các sản phẩm chất lượng với quy mô lớn.
Nếu là một doanh nhân Mỹ, khá khó để chọn một lĩnh vực để đầu tư ở Việt Nam. Thế hệ trẻ Việt Nam không muốn làm việc trong các nhà máy. Vì vậy, xu hướng FDI trong tương lai có thể là những sản phẩm đòi hỏi nhiều kỹ năng hơn. Điều này sẽ vừa mang đến cơ hội, vừa đem lại thách thức.
– Ông dự đoán thế nào về nền kinh tế thế giới vào năm 2021, cũng như những rủi ro có thể gặp phải trong quá trình phục hồi?
– Tương lai của nền kinh tế toàn cầu trong năm 2021 đến nay vẫn chưa chắn chắn. Tuy nhiên, việc sản xuất vaccine chống Covid-19 và tiêm chủng sẽ phát triển. Cuộc sống có thể từng bước quay lại như bình thường. Điều đó đồng nghĩa với việc vốn và kỹ năng (của người lao động) trong các ngành dịch vụ (khách sạn, nhà hàng, hàng không, du lịch…) được sử dụng trở lại.
Tăng trưởng trong năm 2021 sẽ bắt đầu bù đắp các thiệt hại của nền kinh tế toàn cầu năm 2020. Việt Nam thực chất chỉ tăng trưởng chậm lại chứ không suy giảm. Nền kinh tế đất nước sẽ tăng tốc nhanh vào năm 2021.
Nhiều người tiêu dùng đã tiết kiệm tiền trong năm 2020. Một phần nguyên nhân là họ không có gì để tiêu tiền (du lịch, hàng không, nhà hàng bị ảnh hưởng vì dịch bệnh). Vì vậy, sức mua trở lại sẽ tiếp nhiệt lượng cho quá trình phục hồi.
Quá trình phục hồi của nền kinh tế toàn cầu có khả năng đối mặt nhiều rủi ro, chẳng hạn như dạng đột biến của virus corona có thể khiến chúng trở nên nguy hiểm hoặc kháng vaccine tốt hơn. Bất bình đẳng toàn cầu cũng là một vấn đề cần quan tâm trong dài hạn.
Tuy nhiên, việc các nước giàu đặt hàng quá nhiều vaccine Covid-19 đồng nghĩa với nguồn cung dư thừa trong năm 2021, thậm chí năm 2022. Họ đặt cược vào một số loại vaccine khác nhau, đặt hàng trước nhưng không thể sử dụng tất cả. Và những vaccine này có thể được dùng cho các nước đang phát triển.
Còn về rủi ro lạm phát, tôi không cho rằng lạm phát sẽ tăng mạnh. Tuy nhiên, một số mặt hàng thực phẩm có thể tăng giá nếu thiên tai và tắc nghẽn trong vận chuyển gây ra vấn đề về nguồn cung.
– Theo ông, Việt Nam cần làm gì để tận dụng đà phục hồi của nền kinh tế thế giới sau dịch Covid-19?
Đến nay, Việt Nam đã kiểm soát dịch bệnh cực kỳ tốt và nhờ vậy, đất nước có thể đưa ra cái nhìn dài hạn về triển vọng nền kinh tế. Đó thực chất là một điều xa xỉ trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp hiện tại. Các bạn cũng không cần thay đổi chính sách để phục vụ nhu cầu cứu trợ trong ngắn hạn.
Việt Nam cần củng cố các doanh nghiệp nội địa, đào tạo người lao động, cải thiện cơ sở hạ tầng và môi trường một cách hiệu quả về mặt chi phí.
Đất nước các bạn cũng cần cải thiện hệ thống an minh mạng. Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông của Việt Nam, là một người rất có năng lực. Ông ấy đã đúng khi khẳng định Việt Nam làm tốt trong một số lĩnh vực về an ninh mạng. Tuy nhiên, tôi cho rằng vẫn có một vài phần quan trọng khác cần tiến bộ hơn nữa.
– Tôi không cho rằng Việt Nam sẽ đối mặt với mức lạm phát quá cao. Đất nước các bạn có thặng dư tài khoản vãng lai và giữ tỷ giá hối đoái ổn định. Nhờ vậy, những hàng hóa nhập khẩu có thể không tăng giá mạnh, tức rủi ro lạm phát thế giới đối với Việt Nam được giảm nhẹ đi.
Việt Nam cũng đối mặt với các khoản nợ khó đòi trong quá trình phục hồi, nhưng chủ yếu ở lĩnh vực bất động sản. Tuy vậy, một khi ngành dịch vụ trở lại, hầu hết ngành bất động sản cũng như vậy.
Trong năm qua, nhiều doanh nghiệp nhỏ đã đối mặt với những áp lực khổng lồ và không được trợ giúp. Chính phủ và thậm chí nhiều ngân hàng gặp khó trong việc phân loại đâu là doanh nghiệp triển vọng, doanh nghiệp yếu kém, thậm chí doanh nghiệp nên phá sản. Việt Nam nên ưu tiên nâng cao năng lực và phát triển một quy trình công bằng và trung thực nhằm đánh giá các khoản nợ xấu này.
– Việc kiểm soát tốt dịch Covid-19 giúp Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn của làn sóng FDI trên toàn cầu. Theo ông, Việt Nam nên làm gì để thu hút nguồn FDI chất lượng cao?
Việt Nam đã kiểm soát tốt dịch Covid-19 và được thế giới ghi nhận. Dĩ nhiên, điều đó sẽ khiến các công ty từ những quốc gia khác xem xét rót hoặc rót thêm vốn FDI. Tuy nhiên, tiền lương hiện tăng nhanh hơn năng suất, nghĩa là lực lượng lao động sẵn sàng và phù hợp đang thu hẹp.
Vì thế, một số FDI sẽ đến các quốc gia có mức lương thấp hơn, không yêu cầu kỹ năng và quy mô mà Việt Nam có thể cung cấp. Do đó, việc thu hút FDI chất lượng cao là điều cần thiết. Làm việc với các doanh nghiệp và trường học nhằm nâng cao kỹ năng sẽ giúp thu hút nguồn FDI chất lượng tốt hơn, cũng như cải thiện cơ sở hạ tầng và môi trường.
Việt Nam cũng nên cho phép và khuyến khích các doanh nghiệp nhỏ hợp tác trong những việc như khảo sát thị trường, nghiên cứu công nghệ hoặc đào tạo, từ đó giúp nâng cao giá trị gia tăng của nhiều mặt hàng xuất khẩu FDI hiện tại. Nhìn chung, Việt Nam sẽ thu hút được vốn FDI nhưng cần phải suy nghĩ về những gì các bạn muốn nhận được từ chúng.
Các cáo buộc thao túng tiền tệ với Việt Nam đã xuất hiện từ năm 2019. Tác động của đòn thuế từ Mỹ đối với hàng xuất khẩu Trung Quốc đã thay đổi lợi nhuận xuất khẩu của Việt Nam. Điều đó dẫn đến thặng dư thương mại song phương của Việt Nam với Mỹ tăng cao và ngày càng gia tăng.
Nhìn chung, hầu hết vấn đề và sự mất cân bằng thương mại đều do đòn thuế của Mỹ đối với Trung Quốc, thâm hụt tài chính và thương mại của Mỹ gia tăng và đồng USD mạnh đến năm 2019.
Tôi cho rằng chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ thích đàm phán hơn áp thuế trừng phạt. Nhìn chung, Việt Nam đã ký rất nhiều hiệp định thương mại và có thể đa dạng hóa các mặt hàng xuất khẩu. Đó là cách tốt nhất để bảo vệ nền kinh tế trước những cú sốc đến từ bất cứ quốc gia nào khác.
– Trong cuộc phỏng vấn trước với PV, ông cho rằng chính quyền tiếp theo của Mỹ nên tái gia nhập TPP (Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương, nay là CPTPP), hoặc đàm phán một hiệp định thương mại tự do với Việt Nam để đạt các thỏa thuận tương tự trong TPP. Ông đánh giá thế nào về khả năng này, thưa ông?
– Còn sớm để dự đoán chính quyền ông Biden có thể đưa ra các chính sách thương mại như thế nào đối với Việt Nam. Tuy nhiên, có khả năng Quốc hội Mỹ sẽ lưỡng lự trong việc chấp nhận TPP, nay là CPTPP.
Tuy nhiên, Việt Nam có thể đề xuất bắt đầu đàm phán một hiệp định thương mại tự do. Điều đó giúp phía Mỹ dễ dàng chấp thuận hơn. Tuy nhiên, vẫn cần thêm thời gian để biết điều gì có thể xảy ra.
Thảo Cao/ ZF