+
Aa
-
like
comment

Việt Nam có nên lập Bộ Tình trạng khẩn cấp?

09/11/2020 20:30

Trả lời câu hỏi của đại biểu về việc “Việt Nam có nên lập Bộ Tình trạng khẩn cấp?”, Phó thủ tướng nói Chính phủ sẽ tổng kết thực tiễn và đề xuất mô hình phù hợp.

Chất vấn tại nghị trường ngày 9/11, đại biểu Nguyễn Văn Chiến nêu thực trạng bão lũ miền Trung vừa qua diễn ra thời gian ngắn nhưng đã gây thiệt hại rất lớn.

“Ở nhiều nước có Bộ Tình trạng khẩn cấp, vậy chúng ta có giao cho một bộ tương tự để đối phó với tình trạng thiên tai, dịch bệnh đang diễn biến ngày càng phức tạp hay không”, ông Chiến đặt câu hỏi.

Trả lời, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng nói ở Việt Nam hiện có hai cơ quan là Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, trước đây do Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn làm Trưởng ban, nay Phó thủ tướng làm Trưởng ban.

Cơ quan thứ hai là Ủy ban Quốc gia về ứng phó sự cố và tìm kiếm cứu nạn, do Phó Phủ tướng làm trưởng ban và Bộ Quốc phòng là đơn vị thường trực.

“Đây là hai cơ quan rất quan trọng trong phối hợp liên ngành, vừa chỉ đạo trực tiếp, đồng thời thực hiện chức năng tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng chỉ đạo các ngành, các địa phương trong công tác phòng, chống thiên tai”, ông Dũng nói.

Ở địa phương có Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp, do chủ tịch UBND làm trưởng ban.

Phó thủ tướng trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội chiều 9/11. Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội
Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội, chiều 9/11. Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội

Dẫn thống kê của Văn phòng điều phối các vấn đề nhân đạo Liên Hợp Quốc (OCHA), Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng nói hiện trên thế giới có nhiều mô hình tổ chức lực lượng phòng chống thiên tai và cứu hộ, cứu nạn.

Trong đó, khoảng 10 nước thành lập Bộ tình trạng khẩn cấp: như Nga, Trung Quốc, Ucraina, Belarus, Azerbijan, Kazakhstan, Uzbekistan … Bộ này ngoài việc ứng phó với thiên tai, thảm hoạ, còn có nhiệm vụ xử lý khủng hoảng, đảm bảo an ninh, phòng chống dịch bệnh trên quy mô lớn.

Một số quốc gia, vùng lãnh thổ như Mỹ, Nhật Bản, Israel, Ấn Độ, Hà Lan, Phillipines, Malaysia, Srilanka, Đài Loan… thành lập cơ quan Phòng chống thiên tai quốc gia. Trong đó, một số nước mô hình tương tự như Việt Nam.

Theo ông Dũng, Chính phủ sẽ tiếp tục tổng kết thực tiễn trong quá trình chỉ đạo phòng chống thiên tai, dịch bệnh, cứu hộ, cứu nạn và các kinh nghiệm quốc tế để đề xuất mô hình phù hợp; cũng như những giải pháp huy động sức dân trong phòng chống thiên tai, dịch bệnh, cứu hộ, cứu nạn, báo cáo Quốc hội và các cơ quan có thẩm quyền xem xét quyết định.

Về lực lượng ứng phó sự cố, tìm kiếm cứu nạn hiện hành, Phó thủ tướng nói tùy tình huống cụ thể để huy động người, phương tiện; trong đó, quân đội và công an luôn là lực lượng lòng cốt. Bên cạnh đó có sự tham gia tích cực của lực lượng khác như tìm kiếm cứu nạn hàng hải, kiểm ngư, tàu thuyền của dân.

“Lực lượng tại chỗ ở địa phương có vai trò hết sức quan trọng, thời gian quan đã góp phần giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản cho người dân”, ông Dũng nói.

Trực thăng tham gia cứu hộ thuyền viên trên tàu mắc cạn ở Quảng Trị, sáng 11/10. Ảnh:Giang Huy
Trực thăng tham gia cứu hộ thuyền viên trên tàu mắc cạn ở Quảng Trị, sáng 11/10. Ảnh:Giang Huy

Tuy nhiên, Phó thủ tướng nhìn nhận công tác cứu hộ, cứu nạn còn nhiều hạn chế, do một số nguyên nhân như: Tính chuyên nghiệp của các lực lượng tham gia còn hạn chế; phương tiện, trang thiết bị chưa đáp ứng yêu cầu, đặc biệt khi có tình huống phức tạp, ở vùng sâu, vùng xa.

Thời gian tới, Chính phủ sẽ tập trung nghiên cứu, kiện toàn hệ thống tổ chức bộ máy làm công tác phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn, “bổ sung những gì còn bất hợp lý, chưa phù hợp”; hoàn thành việc xây dựng lực lượng xung kích chuyên nghiệp ở cơ sở…

Chính phủ sẽ bổ sung sớm các máy bay trực thăng chuyên dùng cho công tác cứu nạn (bay được trong điều kiện gió lớn, địa hình phức tạp); các tàu cứu hộ, cứu nạn, nhất là các tàu cứu hộ cứu nạn xa bờ và các trang bị, phương tiện chuyên dùng hiện đại khác; bổ sung trang thiết bị theo dõi, giám sát, phân tích, cảnh báo thiên tai, bao gồm hệ thống cảnh báo sớm lũ quét, sạt lở đất, theo dõi vận hành hồ chứa…

“Trung tâm Điều hành Quốc gia về phòng chống thiên tai sẽ được khẩn trương xây dựng”, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng nói.

Hoàng Thùy – Viết Tuân/VE

Bài mới
Đọc nhiều