Trong hai năm trở lại đây, Mỹ nổi lên như một đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam. Trong khi Mỹ vẫn duy trì vị thế là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, thì Việt Nam cũng tiếp tục vươn lên trở thành đối tác thương mại lớn thứ 9 của Mỹ. Cả hai nền kinh tế bổ trợ nhau và thậm chí là dần mang đậm nét phụ thuộc lẫn nhau.
Chưa kể là trên Biển Đông, Mỹ còn nhiều lần thách thức các yêu sách phi pháp của Trung Quốc. Như ngày 12/1 năm nay, Mỹ đã công khai một bản nghiên cứu dài 47 trang với tựa đề “Ranh Giới Trên Biển” (Limits in the Seas). Bản nghiên cứu được đánh số 150, trong đó, Mỹ nêu ra hàng loạt luận điểm nhằm bác bỏ yêu sách chủ quyền của Trung Quốc đối với gần như toàn bộ khu vực Biển Đông. Hay như việc điều tàu chiến ra sát Hoàng Sa để thách thức Hải quân Trung Quốc vào ngày 20/1.
Trong bối cảnh kinh tế lẫn chính trị đều cho thấy Mỹ “ngả” về phía Việt Nam, không ít người dân đã giương cao ngọn cờ yêu nước mà cho rằng Việt Nam hãy nên dựa vào Mỹ để mà chống lại Trung Quốc…
Tuy nhiên, sự thật thì chủ quyền biển đảo của Việt Nam sẽ mất trắng, nếu chúng ta lựa chọn cách “dựa dẫm” vào Mỹ…
Thực tế, nước Mỹ chưa bao giờ “ngả” về phía Việt Nam. Hãy để ý, trong tất cả các lần Bộ Ngoại giao Mỹ phát biểu trước giới truyền thông, hay kể cả trong các tài liệu nghiên cứu công khai – bao gồm cả bộ tài liệu nghiên cứu 150 nói trên – Mỹ chưa bao khẳng định chủ quyền Việt Nam trên Biển Đông. Chưa bao giờ Mỹ có một tuyên bố chính thức khẳng định Hoàng Sa, Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Và nên nhớ, Mỹ đưa ra những bằng chứng, luận điểm để bác bỏ chủ quyền phi pháp của Trung Quốc, nhưng họ cũng bác luôn cả chủ quyền hợp pháp của Việt Nam.
Bản nghiên cứu “Ranh Giới Trên Biển số 150” đã chỉ ra rằng Trung Quốc “đòi chủ quyền đối với hơn một trăm thực thể ở Biển Đông”. Và phía Mỹ đưa ra luận điểm rằng “những bãi cạn hay rạn san hô vốn chìm dưới mặt biển khi thủy triều lên cao đều nằm ngoài giới hạn hợp pháp của lãnh hải của bất kỳ quốc gia nào. Trên bình diện pháp lý, những yêu sách như vậy không phù hợp với luật pháp quốc tế, như được phản ánh trong Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982″. Bản nghiên cứu kết luận rằng “các thực thể nửa chìm nửa nổi không thể là đối tượng của một yêu sách chủ quyền hợp pháp của bất kỳ quốc gia nào”, tức bao gồm cả Việt Nam. Và chúng ta cần phải biết là trong 33 điểm đóng quân của Việt Nam ở Trường Sa hiện nay thì đã có tới 12 đảo chìm khi thủy triều dâng cao và phần lớn số đảo này là nằm trong số 100 thực thể mà Mỹ phủ nhận.
Mỹ nhấn mạnh cụm từ “không thuộc chủ quyền hợp pháp của bất kỳ quốc gia nào” là bởi vì họ muốn tất cả các hải đảo chiến lược ở Hoàng Sa Trường Sa đều trở thành lãnh thổ chung của quốc tế. Chỉ như thế, Mỹ mới danh chính ngôn thuận mở rộng được sức ảnh hưởng của mình trên Biển Đông, chiếm giữ các hải đảo một khi có cơ hội mà không cần tới sự đồng ý của bất kỳ nước nào.
Giới truyền thông không muốn khoét sâu vào vấn đề này, vì quan hệ Mỹ Việt đang ở giai đoạn tốt đẹp nhất. Washington là đối trọng chiến lược để Hà Nội “cân bằng sức ảnh hưởng” với Bắc Kinh. Chỉ như thế thôi! Tất cả việc chúng ta làm, đều là để giữ cho khu vực được hòa bình và ổn định. Tuyệt nhiên không bao giờ Việt Nam muốn chiến tranh, nên không bao giờ có từ “chống” ở đây. Việt Nam không “dựa Mỹ chống Trung” và cũng sẽ không bao giờ liên minh quân sự với bất kỳ nước nào để “chống” lại nước khác.
Và khi là người dân Việt Nam, chúng ta cần phải ý thức được một điều là không nên dựa dẫm vào bất kỳ ai hay bất kỳ quốc gia nào, nhất là trong vấn đề chủ quyền lãnh thổ. Một điều rõ ràng là, nếu quân đội Việt Nam không thể tự bảo vệ được lãnh thổ cho nhân dân mình thì tất nhiên Mỹ sẽ làm thay. Nhưng đến lúc đó thì cũng không còn mở miệng ra mà đòi chủ quyền được nữa.
Trung Quốc áp lực Việt Nam ra mặt, nên với họ, người dân chúng ta luôn cảnh giác cực độ. Nhưng chúng ta cũng không được bỏ qua Mỹ. Mỹ luôn rao giảng “dân chủ”, nhưng cũng chính họ và đồng minh NATO châm ngòi cho các cuộc chiến tranh ở Trung Đông, từ Afghanistan, Iraq, đến Libya, Syria… Những cuộc di cư của người dân tại các quốc gia này chính là hệ quả từ “nền dân chủ” mà Mỹ ban phát. Do đó, chúng ta đừng ngây thơ cho rằng Mỹ yêu hòa bình, thượng tôn dân chủ và sẵn sàng giúp đỡ Việt Nam để chống lại Trung Quốc. Biển Đông là một “miếng mồi ngon” mà bất kỳ quốc gia nào cũng khao khát và Hoàng Sa Trường Sa của Việt Nam là “chỗ thịt” ngon nhất. Việc dựa vào Mỹ, mong chờ họ ban phát độc lập thì không khác gì “con nai dựa vai con hổ để chống lại bầy sói”. Sẽ ra sao nếu hai kẻ săn mồi này cùng chia nhau miếng mồi ngon? Hoặc khi bầy sói đi rồi, thì con nai có được toàn mạng mà trở về hay không? Việt Nam đã quá dày dạn kinh nghiệm trong việc chống quân xâm lược, nên việc dựa vào Mỹ để chống Trung Quốc chưa bao giờ là chủ trương của Chính phủ.
Tóm lại, nếu ai đó nói phải cần “ôm chân” Mỹ thì mới bảo vệ được chủ quyền biển đảo thì không khác gì họ đang tự bắn vào nền độc lập của Việt Nam.
Vậy nếu không nên “dựa” vào Mỹ, thì chúng ta sẽ dựa vào ai? Thật ra, còn có một nơi đáng để Việt Nam tin tưởng nhất, đó là “Sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế”. Sẽ thật là sai lầm nếu hiểu khái niệm “độc lập” là một “cuộc chơi” đơn độc. “Độc lập” nhưng phải biết tận dụng “ngoại giao”, đó mới là Việt Nam. “Độc lập” có nghĩa là không để bất kỳ ai, bất kỳ thế lực nào có quyền hạn mà xen vào nội bộ đất nước.
Nhưng dựa vào “sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế” là như thế nào? Sự ủng hộ của họ thì giúp được gì trong bối cảnh chủ quyền biển đảo có nguy cơ bị các cường quốc tranh nhau xâu xé? Để trả lời được câu hỏi này, chúng ta cần nhìn lại lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc của Việt Nam.
Trong hai cuộc chiến tranh bảo vệ độc lập, thống nhất đất nước, chúng ta sẽ không thể thắng lợi nếu mất đi trụ cột quan trọng. Đó là sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế. Những cuộc biểu tình, phản đối hô vang khẩu hiệu “Đoàn kết với Việt Nam” đã thổi bùng lên ngọn lửa yêu hòa bình trên khắp thế giới.
Nếu như trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp 1946-1954, phong trào quốc tế đoàn kết ủng hộ nhân dân Việt Nam chỉ giới hạn ở Pháp, thì trong cuộc chiến tranh chống đế quốc Mỹ, phong trào đã diễn ra rộng khắp trên thế giới, từ châu Á sang châu Âu sang Mỹ, tạo thành một làn sóng phản chiến mạnh mẽ. “Đoàn kết với Việt Nam” đã trở thành khẩu hiệu phổ biến nhất tại các nước châu Âu, trong đó có Thụy Điển, nơi được coi là tâm điểm của phong trào này. Các cuộc biểu tình được khởi xướng bởi ông Olof Palme lúc bấy giờ là Bộ trưởng Giáo dục và sau này là Thủ tướng Thụy Ðiển. Nhiều người dân Thụy Ðiển đã rầm rộ xuống đường, lên tiếng mạnh mẽ ủng hộ cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc Việt Nam, đòi Mỹ rút quân và chấm dứt chiến tranh, lên đến hàng triệu người sau khi Mỹ ném bom rải thảm xuống Hà Nội và Hải Phòng.
Phong trào đoàn kết với Việt Nam bùng lên dữ dội trên khắp các nước. Rất nhiều tổ chức được thành lập để ủng hộ cuộc đấu tranh của dân tộc Việt Nam. Bất cứ động thái ném bom nào của Mỹ đều vấp phải các cuộc mít-tinh, biểu tình phản đối trên khắp thế giới. Nổi tiếng nhất thời đó là cuộc biểu tình của các trường đại học ngay trong lòng nước Mỹ. Tháng 5/1970, hơn 4 triệu sinh viên từ hàng trăm trường đại học, cao đẳng, trung học đã xuống đường biểu tình trên khắp nước Mỹ và yêu cầu chính phủ rút quân khỏi Việt Nam.
Sự ủng hộ quốc tế liên tiếp giành được thành công, góp phần tạo sức ép cho Mỹ đi đến ký kết Hiệp định Paris 1973.
Vì thế, chẳng đâu xa xôi, nhìn từ kinh nghiệm trong hai cuộc kháng chiến, sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế luôn là nơi đáng tin cậy nhất để Việt Nam có thể dựa vào.
Trở lại vấn đề chủ quyền trên Biển Đông ngày nay. Sẽ thật khó để một đất nước nhỏ bé về dân số, diện tích và khá khiêm tốn về GDP quốc gia đứng vững giữa sự kìm kẹp của các “ông lớn”. Do đó, Việt Nam luôn cần quốc tế ủng hộ trong vấn đề “khẳng định chủ quyền biển đảo của Việt Nam” thông qua những đóng góp tích cực ở Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc. Việt Nam tiếp tục có những hành động thiết thực duy trì nền hòa bình thế giới, khẳng định hình ảnh của một quốc gia thân thiện, yêu hoà bình và một dân tộc chán ghét chiến tranh. Các hoạt động có thể kể đến như tham gia vào phái đoàn giữ gìn hòa bình ở Nam Sudan, đề xuất sáng kiến để các quốc gia tránh khỏi nguy cơ xung đột, hướng Hội đồng Bảo an tới việc gia tăng các hoạt động bảo vệ thường dân trong chiến tranh. Thông qua những đóng góp thiết thực cho nền hòa bình thế giới, Việt Nam đã có được cảm tình của các quốc gia, thậm chí còn trở thành niềm cảm hứng cho nhiều dân tộc.
Và nhân cơ hội có các bài phát biểu trước thế giới, Việt Nam luôn đề cập rằng chúng ta có đầy đủ chứng cứ khẳng định chủ quyền lãnh thổ trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, phù hợp với luật pháp quốc tế. Và rằng Việt Nam luôn tuân thủ luật pháp quốc tế, là thành viên có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế. Đây có thể coi là chủ trương muôn đời từ khi Việt Nam giành được độc lập, thống nhất. Tranh thủ sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế để khẳng định chủ quyền lãnh thổ đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Thế nhưng việc này sẽ đem lại những lợi ích gì?
Khi thế giới biết và công nhận hai quần đảo là của Việt Nam đồng nghĩa họ sẽ không chấp nhận việc một thế lực ngoại bang nào đó xâm phạm vào lãnh thổ nước ta. Bởi đó là hành vi vi phạm nghiêm trọng tới luật pháp quốc tế, cho dù đó có là Trung Quốc hay Mỹ. Với Mỹ, đây là “bức tường” rất lớn nếu muốn biến hai quần đảo này thành “vô chủ”. Trung Quốc muốn Hoàng Sa, Trường Sa và Mỹ cũng thế. Cho nên Mỹ mới dày công biên soạn ra “Ranh Giới Trên Biển”, thông qua việc bác bỏ yêu sách Trung Quốc để bác luôn chủ quyền biển đảo Việt Nam. Mỹ làm thế là để dễ bề mở rộng sự hiện diện trong khu vực, mà không phải lo lắng bị cộng đồng quốc tế lên án.
Còn Trung Quốc thì chúng ta đều biết, họ đang tìm mọi cách để đẩy mạnh “chiến thuật vùng xám” thay cho triển khai quân sự. Trung Quốc luồn lách và lươn lẹo để qua mắt cộng đồng quốc tế để chiếm đóng hải đảo Việt Nam. Thế nhưng, vì sao cả hai cường quốc hàng đầu thế giới mà lại phải luồn lách khổ sở tới mức như vậy? Sao họ không dùng sức ép kinh tế lẫn quân sự để tranh nhau xâu xé Biển Đông ngay bây giờ?
Có thể thấy, tiếng nói của cộng đồng quốc tế vẫn luôn là một đối trọng nặng ký mà bất kỳ quốc gia nào cũng phải đối mặt nếu muốn thực hiện dã tâm xâu xé các hải đảo của Việt Nam. Trung Quốc và Mỹ không ai muốn trở thành tâm điểm bị thế giới lên án, nên việc một trong hai nước dùng tới biện pháp quân sự để có được các hải đảo cũng là chuyện gần như không thể. Vì khi đó, không những phải chịu áp lực đến từ quốc tế mà họ còn sẽ đối mặt với lực lượng Quân đội Nhân dân Việt Nam. Một khi Quân đội Việt Nam đáp trả thì những hành động đó sẽ được thế giới xem là “tự vệ chính đáng”.
Tất nhiên là để giữ được lợi thế như trên về lâu về dài, sẽ cần đòi hỏi sự nỗ lực nhiều hơn nữa và những đóng góp nhiều hơn nữa mà chúng ta có thể làm cho nền hòa bình thế giới. Công lao đi đôi với phần thưởng. Và phần thưởng ở đây là sự tin tưởng, yêu mến và ủng hộ lẫn sự công nhận mà quốc tế dành cho Việt Nam. Việt Nam vẫn phải là thành viên có trách nhiệm ở ASEAN, có trách nhiệm ở Liên Hiệp Quốc cùng nhiều tổ chức quốc tế khác. Bên cạnh đó hợp tác song phương, thắt chặt tình hữu nghị với các quốc gia là yếu tố không thể tách rời trong công tác ngoại giao của chính phủ Việt Nam ta.
Kết lại, trên Biển Đông ngày nay, sẽ không có một cuộc xung đột quân sự nào ở quy mô lớn. Vì chừng nào Việt Nam vẫn còn được thế giới ủng hộ, thì chừng đó vai trò “chủ nhà” ở Biển Đông vẫn là thuộc về Việt Nam. Hòa bình hay chiến tranh vẫn đang nằm trong sự kiểm soát của chúng ta. Quan trọng nhất là chúng ta luôn hiểu rõ Mỹ và Trung Quốc đều có tham vọng trên Biển Đông, cho nên tuyệt nhiên không thể dựa vào ai để bảo vệ chủ quyền đất nước của chính bản thân mình.
Thực hiện: Huy Hoàng
Đồ họa: M.N