Việt Nam có đàn áp các nhà bất đồng chính kiến hay không?
Mới đây trên RFA đăng tải bài viết có nội dung xuyên tạc rằng chính phủ Việt Nam đã “gia tăng các biện pháp đàn áp đối với giới truyền thông độc lập và giới bất đồng chính kiến trước đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng Cộng sản Việt Nam dự kiến diễn ra vào đầu năm 2021”.
Cụ thể, RFA thông báo rằng: “mười tổ chức Xã hội Dân Sự Quốc tế vào ngày 13 tháng 7 công khai thư ngỏ kêu gọi chính phủ Việt Nam chấm dứt đàn áp giới bất đồng chính kiến, trả tự do cho tù nhân lương tâm và thực thi các cam kết quốc tế về nhân quyền mà Hà Nội ký kết. Thư ngỏ được ký bởi đại diện 10 tổ chức gồm Ân Xá Quốc tế, Người Bảo vệ Nhân quyền, Các Chương trình về Tự do Biểu đạt của PEN America, Hiệp Hội Các Nhà Xuất bản Quốc tế, Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam, VOICE, Safeguards Defenders, People In Need, Project 88, Vietnamese Democracy Activist”.
Trong bài viết, chúng tự nhận “xã hội dân sự quốc tế” đã lấy dẫn chứng về một số trường hợp mà họ cho là những nhà “bất đồng chính kiến”, “tù nhân lương tâm” bị chính quyền Việt Nam gia tăng “đàn áp”, đó là Thị Thêu và hai con trai Trịnh Bá Phương, Trịnh Bá Tư; Nguyễn Thị Tâm (tức Tâm Dương Nội); Lê Hữu Minh Tuấn; Phạm Chí Dũng; Nguyễn Tường Thụy. RFA cho rằng, những nhà “bất đồng chính kiến” trên đều bị bắt với các cáo buộc hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân hay tuyên truyền chống Nhà nước.
Thậm chí chúng còn lộng ngôn rằng: “Điều đó cho thấy sự leo thang nghiêm trọng hơn nữa từ phía chính phủ Việt Nam, việc không khoan nhượng từ bấy lâu nay đối với giới bất đồng chính kiến và đàn áp đối với người bảo vệ nhân quyền, nhà hoạt động và nhà báo độc lập. Những nhóm truyền thông và xã hội dân sự độc lập bị đàn áp liên tục kể từ cuối năm 2019”.
Nhưng thực tế, những đối tượng này là những kẻ chống phá, là những đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật và việc cơ quan chức năng thi hành lệnh khởi tố, điều tra là việc làm cần thiết nhằm ngăn chặn những hành vi nguy hiểm của họ gây ra đối với xã hội.
Để có một cái nhìn khách quan và toàn diện hơn, xin được điểm qua một số trường hợp mà RFA lấy dẫn chứng là những “người bất đồng chính kiến” bị chính quyền gia tăng “đàn áp”, như Phạm Chí Dũng, Phạm Chí Thành, Nguyễn Tường Thụy, Trần Đức Thạch để thấy rõ bản chất vấn đề.
Ngày 21/11/2019, Cơ quan An ninh điều tra Công an TP Hồ Chí Minh đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và thực hiện lệnh bắt bị can để tạm giam, lệnh khám xét đối với Phạm Chí Dũng về tội “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” theo Điều 117 Bộ luật Hình sự.
Ngày 4/7/2014, Phạm Chí Dũng ra tuyên bố thành lập cái gọi là “Hội Nhà báo độc lập Việt Nam – IJAVN” do mình làm chủ tịch. Từ khi được thành lập, “Hội Nhà báo độc lập Việt Nam” đã sử dụng các trang mạng xã hội để đăng tải các thông tin, bài viết có nội dung tuyên truyền chống phá Đảng, Nhà nước. Bản thân Phạm Chí Dũng cũng thường xuyên ra các “thông báo”, “tuyên bố” của “Hội Nhà báo độc lập Việt Nam”, tham gia ký tên, vận động, kêu gọi các cá nhân, tổ chức tham gia ký tên các tuyên bố công khai chống đối chính quyền và đăng tải nhiều bài viết có nội dung tuyên truyền chống phá Đảng, Nhà nước trên Internet.
Trong khi đó, Nguyễn Tường Thụy là “nòng cốt” của nhiều hội, nhóm trái pháp luật trên không gian mạng, như: Tham gia và giữ vai trò “Phó Ban điều hành” của cái gọi là “Hội Bầu bí tương thân”, “Phó Chủ tịch” của cái gọi là “Hội Nhà báo độc lập Việt Nam”, thành viên của “Hội anh em dân chủ”…
Nguyễn Tường Thụy thường xuyên thu thập tin tức về các sự kiện nhạy cảm, tiêu cực, các vấn đề xã hội đang được dư luận quan tâm, qua đó viết bài phủ nhận nền tảng tư tưởng của Đảng; đả kích, xuyên tạc đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; kêu gọi đa nguyên, đa đảng đăng tải trên trang blog cá nhân, facebook cá nhân và website của “Hội Nhà báo độc lập Việt Nam”.
Với những hành vi vi phạm pháp luật trên, ngày 18/5/2020, Cơ quan An ninh điều tra Công an TP Hồ Chí Minh đã ra Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam, Lệnh khám xét đối với Nguyễn Tường Thụy về tội “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, quy định tại Điều 117 Bộ luật Hình sự.
Có thể thấy, việc Nguyễn Tường Thụy và đồng bọn bị bắt giữ là cái kết hoàn toàn xứng đáng cho những hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng của y trong suốt thời gian vừa qua. Đáng nói, hoạt động chống phá của Nguyễn Tường Thụy gắn liền với sự ra đời “Hội nhà báo độc lập”, khi y được bầu vào một cương vị “Phó Chủ tịch” của Hội này.
Thư ngỏ thực ra chỉ là chiêu trò đã trở nên cũ rích của các tổ chức có cái tên rất kêu nhưng bị vô thừa nhận về tính chính danh như là Ân Xá Quốc tế, Người Bảo vệ Nhân quyền, Các Chương trình về Tự do Biểu đạt của PEN America, Hiệp Hội Các Nhà Xuất bản Quốc tế, Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam, VOICE…
Vì thế đừng kêu oan cũng đừng lộng ngôn rằng “Việt Nam đàn áp các nhà bất đồng chính kiến”. Rõ ràng, mỗi người Việt Nam đều có quyền bày tỏ lòng yêu nước của mình, góp ý, phản biện những chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước… Thế nhưng, việc phát ngôn tự do, vô lối, xuyên tạc, kích động gây rối, đập phá tài sản, vi phạm pháp luật là những hành động đáng lên án, cần phải ngăn chặn kịp thời, xử lý nghiêm minh.
Hải Anh
* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả