Việt Nam có “cách ly vô tội vạ”?
Có thể khẳng định rằng, trong công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19, việc cách ly là rất quan trọng nhằm khống chế dịch, không để lây lan dịch trong cộng đồng. Thực tế, từ đợt dịch lần trước, nhờ thực hiện nghiêm túc hệ thống cách ly 4 vòng mà Việt Nam ta đã chiến thắng trong trận chiến đầu. Thế nhưng, lợi dụng vấn đề cách ly chủ quán cháo Ngọc Lan do bệnh nhân 833 khai nhầm, nhiều đối tượng chống phá đã xuyên tạc, lộng ngôn rằng: Biện pháp cách ly ‘vô tội vạ’ ảnh hưởng đến cuộc sống người dân.
Cụ thể, mới đây trên trang website của Đài Châu Á tự do – RFA, có đăng tải bài viết với nội dung xuyên tạc nhằm chống phá cách chống dịch của Chính phủ rằng Đảng và nhà nước ta đang thực hiện những biện pháp cách ly vô tội vạ gây ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.
Thực tế, việc cách ly nhầm người tại Quảng Trị lần này chỉ là một sơ sót trong nỗ lực của chính quyền địa phương nhằm cố gắng để không bỏ sót người bệnh lây lan cho toàn xã hội. Tính đến ngày hôm nay, nước Mỹ có 172.000 người thiệt mạng do Covid-19. Con số này cao hơn số lượng lính Mỹ chết trong chiến tranh thế giới lần thứ 1 (116.516 người); bằng ½ chiến tranh thế giới thứ 2 (320.000 người) và gấp 3 lần trong số lính Mỹ tử trận trong chiến tranh Việt Nam (57.000). Chưa kể, nước Mỹ hiện có 34 triệu người thất nghiệp, trung bình, cứ 5 lao động Mỹ thì có 1 người thất nghiệp.
Nói thế để thấy, mức độ tàn phá của dịch bệnh Covid kinh khủng như thế nào, dù nước Mỹ là cường quốc kinh tế, y tế hàng đầu thế giới và tất nhiên, hơn Việt Nam rất nhiều lần. Việt Nam là quốc gia láng giềng nằm cạnh Trung Quốc, ngay từ khi dịch bùng phát trở lại, nếu chúng ta không tiến hành các biện pháp cách ly quyết liệt, thử hỏi, con số người nhiễm bệnh sau 8 tháng có dừng lại ở xấp xỉ 1000 người hay không, liệu số bệnh nhân tử vong ở mức hơn 20 người hay không? Chắc chắn là không.
Và cũng khẳng định rằng, chẳng có từ gì là “vô tội vạ” trong thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội, rồi cách ly một vài khu dân cư cả. Bởi lẽ, đó là những biện pháp hết sức cần thiết để chúng ta ngăn chặn dịch bệnh, một kinh nghiệm mà ông cha ta đã đúc kết từ ngàn đời “khoanh vùng, dập dịch”. 14 ngày, 21 ngày là một thời gian không phải ngắn, nhiều người sẽ bị giảm thu nhập, thậm chí mất việc làm nhưng nếu so với tính mạng con người thì nó là hợp lý để mỗi cá nhân phải chấp nhận mà hi sinh để cứu mình và cứu người khác.
Ngay từ tháng 1-2020, Đảng và Chính phủ đã có chỉ đạo kịp thời, quyết liệt, người dân và chính quyền các địa phương đã hưởng ứng mạnh mẽ. Đây là một bài học hết sức quý giá cần tiếp tục phát huy. Hiện trong làn sóng bùng phát dịch bệnh lần 2, Việt Nam đang tuân thủ nghiêm túc hệ thống cách ly bốn vòng mà Bộ Y tế đã đưa ra, đó là sau khi phát hiện ca đầu tiên dương tính với Covid-19, chính quyền đã quyết định ”nâng một bậc cách ly, tức người trong diện cách ly tại nhà (F2) vẫn đưa đi cách ly tập trung, người cần giám sát theo dõi y tế (F3) thì tiến hành cách ly tại nhà, người tiếp xúc gần với bệnh nhân (F1) phải cách ly tại bệnh viện và lấy mẫu xét nghiệm như một ca Covid-19. Các trường hợp F4, F5 (tức tiếp xúc với bệnh nhân Covid-19 gián tiếp, ở vòng 4 và vòng 5) sẽ kiểm tra thân nhiệt ngày 2 lần. Tiếp tục điều tra giám sát mở rộng theo phương châm “điều tra đến đâu cách ly đến đấy”, vì các nhóm này có thể phát bệnh bất cứ lúc nào’.
Đặc biệt, Việt Nam chúng ta luôn chú trọng truy vết F1 một cách thần tốc, bởi lẽ F1 chính là những bệnh nhân tiềm tàng. Việc truy vết F1 ngay khi phát hiện ca bệnh Covid-19 hay ca bệnh nghi ngờ mắc Covid-19 là yếu tố cực kỳ then chốt, quyết định trong việc chống dịch. Do đó, đối tượng F1 cần tuân thủ nghiêm ngặt cách ly tập trung. Đây vừa là quyền lợi cũng là nghĩa vụ công dân. Quyền lợi là được cách ly theo dõi y tế, được phát hiện ngay, chăm sóc y tế ngay nếu mắc bệnh, bảo vệ được sức khỏe, tính mạng. Còn nghĩa vụ của họ vào cách ly tập trung, tuân thủ các nội quy cách ly để bệnh không lây lan sang người khác, sang cộng đồng.
Thực tế, Việt Nam đã có kế hoạch cách ly rất cụ thể, chi tiết từ F1 đến F4 và chúng ta đã thành công ở trận chiến trước nhờ tuân thủ nghiêm ngặt kế hoạch này, do đó lần này chúng ta cần thực hiện nghiêm túc hơn nữa các biện pháp cách ly mà cơ quan chức năng đưa ra. Xin đừng trốn cách ly bởi một việc làm nhỏ của ta đôi khi ảnh hưởng cả quá trình nỗ lực của đất nước.
Hiện nay, cuộc chiến chống dịch Covid-19 đang ở giai đoạn quyết liệt nhất, cần sự tin tưởng đồng lòng, chung sức của toàn dân. Đây là trách nhiệm chung của cả hệ thống chính trị, của tất cả các cấp các ngành, các cơ quan đoàn thể, nhưng cũng là trách nhiệm của mỗi người dân Việt Nam. Vậy nên, mỗi chúng ta hãy cứ luôn suy nghĩ rằng đã có bao nhiêu con người đang phải vất vả ngày đêm, đối mặt hiểm nguy, xả thân để đối phó với dịch bệnh vậy mà công sức, sự hy sinh của họ lẽ nào bị sụp đổ chỉ vì một hành động, lời nói của một vài kẻ vô trách nhiệm, thiếu ý thức…
Hải Anh
* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả