+
Aa
-
like
comment

Việt Nam chuyển sang trạng thái bình thường mới phòng dịch Covid-19

21/04/2020 10:25

Bây giờ là lúc người dân và hệ thống chính trị không được chủ quan, buông lỏng kỷ cương, chuẩn bị tích cực nhất để từ tháng 5/2020 thực hiện lộ trình chuyển toàn bộ đời sống xã hội, đời sống kinh tế sang trạng thái bình thường mới.

Bí thư Nguyễn Thiện Nhân

LTS: BBT xin trân trọng giới thiệu bài viết của Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân tổng hợp 110 ngày thế giới và Việt Nam phòng chống đại dịch Covid-19. Cuộc chiến đấu còn gian nan, kéo dài, thành quả chỉ là bước đầu và Việt Nam chuẩn bị chuyển sang trạng thái bình thường mới.

1. Ngoài dự báo, đại dịch Covid-19 bùng phát toàn cầu, sau 80 ngày vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.

Tín hiệu chính thức đầu tiên của đại dịch Covid – 19 được ghi nhận khi Trung Quốc thông báo với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) về việc xuất hiện một loại virus mới gây viêm phổi cấp vào ngày 31/12/2019 và 10 ngày sau đó, Trung Quốc thông báo ca tử vong đầu tiên vì virus này tại Vũ Hán. Với tốc độ lây nhiễm nhanh chóng của dịch bệnh, chỉ sau 14 ngày kể từ khi phát hiện ca nhiễm đầu tiên, đã có hơn 1.000 người nhiễm virus tại Vũ Hán (tính đến ngày 25/01).

Khó tiên liệu hơn, chỉ 5 ngày sau đó từ mốc 1.000 người nhiễm bệnh đầu tiên, con số đã tăng lên gần 5.000 (gấp 5 lần) chỉ tính riêng tại Vũ Hán, cộng thêm hơn 2.700 người nhiễm bệnh tại các tỉnh, thành phố khác. Tổng cộng số người nhiễm bệnh tại Trung Quốc tính đến ngày 30/01 lên tới gần 7.700 người và chỉ 10 ngày sau đó (ngày 10/02) con số trên đã vọt lên tới 42.000 người, tiếp tục 40 ngày kế tiếp (ngày 21/3) con số tăng lên gần gấp đôi với hơn 82.000 người nhiễm bệnh.

Việt Nam chuyển sang trạng thái bình thường mới phòng dịch Covid-19

Điều đáng nói ở đây là, tính đến ngày 31/01 (chỉ sau một tháng từ khi có người chết đầu tiên) tại Trung Quốc đã có hơn 1.000 người chết. Tổng cộng tới ngày 21/3/2020 Trung Quốc có hơn 4.600 người chết.

Tới ngày 13/01, Thái Lan là nước đầu tiên ngoài Trung Quốc công bố có người nhiễm Covid-19 đầu tiên. Tiếp sau đó, nhiều nước khác cũng công bố dịch bệnh Covid-19 là các nước: Nhật Bản (ngày 16/01); Hàn Quốc (ngày 20/01); Việt Nam, Mỹ (ngày 23/01); Singapore (ngày 24/01); Pháp, Úc, Malaysia (ngày 25/01); Đức, Canada, Campuchia (ngày 28/01); Ấn Độ, Philippin, Phần Lan (ngày 30/01); Ý (ngày 31/01). Tổng cộng trong tháng 01/2020 có 27 nước có người bị nhiễm virus Covid19, với tổng dân số 4,3 tỷ người, chiếm 56% dân số thế giới, với tổng giá trị GDP là 66.082 tỷ USD, chiếm 77% GDP toàn cầu.

Việt Nam chuyển sang trạng thái bình thường mới phòng dịch Covid-19

Bài học cho các nước trên toàn thế giới và WHO:

Bài học 1: Khi dịch bệnh xảy ra, các quốc gia và WHO đã không dự báo được mức độ lây lan nhanh chóng của dịch bệnh và sự nguy hiểm đặc biệt tới sinh mệnh của con người.

Mặc dù các nhà khoa học trên toàn thế giới đã nỗ lực nghiên cứu về chủng coronavirus và thử nghiệm các mô hình dịch tễ nhưng cũng đã không thể tiên liệu được rằng: chỉ sau 20 ngày có một người chết đầu tiên do Covid-19 ở Trung Quốc, dịch bệnh đã lây lan tới 27 nước và có thể chi phối hơn 1/2 dân số thế giới và hơn 3/4 kinh tế toàn cầu. Chỉ sau 1 tháng, thế giới có gần 12.000 người nhiễm, 259 người chết tại 27 nước. Sau 2 tháng, dịch bệnh lây nhiễm thêm 34 nước khác. Sau 3 tháng, con số này tăng lên tới 146 nước. Như vậy, chỉ sau 3 tháng (91 ngày), đã có 207 nước bị nhiễm Covid-19, chiếm 99% dân số thế giới và 99% GDP toàn cầu. Và tới 70 ngày sau (ngày 11/3), WHO tuyên bố đại dịch Covid-19 toàn cầu. Lúc này, trên thế giới đã có tới 113 nước bị nhiễm (chiếm khoảng 54% tổng số nước bị nhiễm đến hiện nay là 210 nước), 126.124 người đã bị nhiễm, 4.628 người đã chết và 53.279 người đang được điều trị trong các bệnh viện.

Bài học 2: Ngay cả khi đã công bố đại dịch toàn cầu, các quốc gia và WHO vẫn chưa dự báo được quy luật dịch bệnh, mô hình dịch tễ và diễn biến của đại dịch Covid-19.

Một lần nữa, thế giới không thể tiên lượng được rằng chỉ 1 tháng sau khi công bố đại dịch toàn cầu, mặc dù các nước chưa bị nhiễm bệnh đã có thêm thời gian để chuẩn bị ứng phó, nhưng vẫn có thêm 97 nước khác bị nhiễm bệnh. Tính đến ngày 21/4, trên thế giới có tới 2.404.749 người nhiễm bệnh, với 164.919 ca tử vong và 624.717 người bình phục.

Trong bối cảnh chưa có vacxin ngừa Covid-19, chưa có thuốc đặc trị cho viêm phổi do Covid-19, các nước đã phòng và chống dịch Covid-19 với các quan điểm và phương pháp rất khác nhau, do đó diễn biến dịch ở các nước cũng rất khác nhau. Đến thời điểm hiện nay, có thể phân ra có 3 nhóm nước xét theo quy mô số người nhiễm:

Nhóm 1: Các nước có trên 100.000 người nhiễm gồm 6 nước: Mỹ (740.000 người), Tây Ban Nha (195.000 người), Ý (176.000 người), Pháp (152.000 người), Đức (144.000 người) và Anh (115.000 người). Tất cả 6 nước này đều là nước phát triển, có thu nhập đầu người cao (từ 30.000 USD/ người đến 65.000 USD/ người), có tổng số người nhiễm là 1,523 triệu người và chiếm tới 65% số người nhiễm toàn cầu, trong khi tổng dân số là 655 triệu người, chỉ chiếm 8,5% dân số thế giới và tạo ra hơn 34.140 tỷ USD, chiếm gần 39% GDP thế giới (năm 2019). Xem xét nhóm này, chúng ta nhận thấy rằng: chỉ trong 10 ngày (ngày 23/01 đến ngày 01/02) Covid-19 đã tấn công 6 nước phát triển, chiếm 8,5% dân số thế giới, 39% GDP toàn cầu, với 65% số người nhiễm toàn thế giới và 76% số người chết vì Covid-19. Xét về mặt thống kê, Mỹ và 5 nước Tây Âu phát triển có dân số từ 46,7 triệu đến 83,8 triệu người hiện nay đang là 2 trung tâm dịch bệnh lớn nhất thế giới và việc phục hồi kinh tế của 6 nước này sẽ là khó khăn nhất và có ảnh hưởng rất lớn đến phục hồi kinh tế toàn cầu.

Nhóm 2: Các nước có trên 10.000 đến dưới 100.000 người nhiễm gồm 18 nước, trong đó có Trung Quốc (82.735 người), Thổ Nhĩ Kỳ (82.329 người), Iran (80.868 người), Nga (42.853 người), Ấn Độ (16.365 người); Thụy Điển (13.822 người), Israel (13.362 người), Hàn Quốc (10.061 người), Nhật Bản (10.296 người). Phân tích tổng thể số liệu đến ngày 18/4 cho thấy: 18 nước này có 584.633 người nhiễm, chiếm 25% tổng số người nhiễm toàn thế giới và 19.563 người chết, chiếm 12% số người chết toàn cầu, trong khi có dân số 3.657 triệu, chiếm 47,5% dân số thế giới và GDP là 34.694 tỷ USD, bằng 40% GDP toàn cầu.

Tổng cộng nhóm 1 và nhóm 2 gồm có: 24 nước, chiếm 56% dân số thế giới (với 4.312 triệu người), đang chiếm 90% số người bị nhiễm toàn cầu (2.107 triệu người), chiếm 88% số người bị chết (142.240 người) và nắm giữ 79% GDP toàn cầu.

Việt Nam chuyển sang trạng thái bình thường mới phòng dịch Covid-19

Nhóm 3: Các nước có dưới 10.000 người nhiễm gồm 186 nước. Tuy các nước này chiếm 44% dân số thế giới nhưng chủ yếu là các nước có thu nhập trung bình thấp và thấp, chỉ chiếm có 10% số người nhiễm và 12% số người chết toàn thế giới và tạo ra 21% GDP toàn cầu. Sắp tới, có thể Covid-19 sẽ lây lan mạnh hơn, bùng phát ở 186 nước này, sẽ gây ra hậu quả xã hội rất nghiêm trọng, song hậu quả với kinh tế thế giới không nhiều, vì 79% GDP thế giới được tạo ra ở 24 nước khác.

2. Sau 110 ngày, các xu hướng (mô hình) dịch bệnh Covid-19 đã bộc lộ

Tùy theo quan điểm của lãnh đạo các nước về phòng dịch và chống dịch Covid-19, điều kiện cụ thể của hệ thống y tế, nhận thức về Covid-19 và thói quen sinh hoạt của người dân mà sau 80 – 90 ngày từ khi có người nhiễm đầu tiên ở một nước, diễn biến lây nhiễm Covid-19 rất khác nhau, có thể dẫn tới 3 cấp độ: đại dịch, dịch vừa phải hoặc không có dịch, chỉ có lây nhiễm kiểm soát được.

Nhóm các nước có đại dịch: là 6 nước có số người nhiễm đến nay là hơn 100.000 người. Mặc dù chỉ chiếm 8,5% dân số thế giới, song chiếm đến 65% số người nhiễm và 76% số người chết toàn thế giới. Bình quân 1 triệu dân có 2.325 người nhiễm, 187 người chết. Trong 6 nước này, thì 5 nước là Ý, Pháp, Tây Ban Nha, Anh và Mỹ đều đang ở giai đoạn: Số người nhiễm và số người phải được điều trị ở bệnh viện cùng gia tăng mỗi ngày. Trong đó số người phải điều trị ở bệnh viện ở Anh và Mỹ gia tăng mỗi ngày là cao nhất (4.000 – 18.000 người mỗi ngày). Tuy nhiên, Đức đã chuyển sang giai đoạn khác 5 nước còn lại: Từ 07/4, số người phải được điều trị tại bệnh viện bắt đầu giảm: từ 72.885 đến ngày 20/4 giảm còn 53.100. Tỷ lệ số người phải điều trị trên tỷ lệ số người nhiễm đã giảm từ 70,5% ngày 07/4 xuống còn 36,4% ngày 20/4 (Hình 1). Trong vài tuần tới, Ý, Tây Ban Nha và Pháp có thể cũng bắt đầu chuyển giai đoạn như vậy (dịch Covid-19 đạt đỉnh). Riêng với Anh và Mỹ chưa thể dự báo lúc nào chuyển giai đoạn (Hình 2).

Nhóm các nước có dịch vừa phải: trong 18 nước khác có số người nhiễm dưới 100.000 và trên 10.000, Hàn Quốc đã chuyển giai đoạn từ 11/3: số người phải điều trị đạt đỉnh là 7.562 người vào ngày này, sau đó giảm dần và ngày 20/4/2020 chỉ còn 2.324. Tỷ lệ người phải điều trị ở bệnh viện so với số người nhiễm giảm từ 95% xuống còn 22% (Hình 3). Iran đã chuyển giai đoạn từ 06/4: số người phải điều trị giảm từ 32.621 đến ngày 18/4 còn 20.402, tỷ lệ điều trị giảm từ 53% xuống còn 25,8% số người nhiễm.

Nhóm các quốc không có dịch, chỉ có lây nhiễm kiểm soát được: trong số 186 nước có số người nhiễm dưới 10.000 đã có nhiều nước chuyển giai đoạn. Việt Nam đã chuyển giai đoạn vào 29/3, số người phải điều trị ở các bệnh viện giảm từ 163 xuống còn 65 vào ngày 19/4, tỷ lệ điều trị giảm từ 86,7% số người nhiễm xuống còn 24% (Hình 4). Ngày 06/4, Đài Loan chuyển giai đoạn: số người phải điều trị giảm từ 311 xuống còn 214 vào ngày 18/4, tỷ lệ điều trị ở bệnh viện giảm từ 83% xuống còn 54%. Ngày 08/4, Thái Lan chuyển giai đoạn: số người điều trị tại bệnh viện giảm từ 1.451 xuống còn 899 vào ngày 18.4, tỷ lệ điều trị giảm từ 61% xuống còn 33%.

Như vậy, theo nghiên cứu chưa đầy đủ ở trên, đến nay đã có ít nhất 7 nước chuyển giai đoạn trong việc phòng chống dịch: Nhóm 1 (Đức), Nhóm 2 (Trung Quốc, Hàn Quốc, Iran), Nhóm 3 (Việt Nam, Đài Loan, Thái Lan). Xét ngày 11/3/2020, khi WHO tuyên bố đại dịch Covid19 toàn cầu, số người bị nhiễm trên 1 triệu dân là 16,4 người và số người đang điều trị ở các bệnh viện là 6,9 người/1 triệu dân. Đối chiếu với các tham số này, xem xét thời điểm các nước chuyển giai đoạn, có thể xếp loại mức độ dịch Covid19:

Việt Nam chuyển sang trạng thái bình thường mới phòng dịch Covid-19

3. Làm gì bây giờ và đến cuối năm 2020?

Các nước có đại dịch và dịch ở mức trung bình, nhưng số người phải điều trị ở bệnh viện vẫn không ngừng tăng lên (Mỹ, Anh, Singapore, Nhật Bản, Ấn Độ, Nga, Thụy Điển…) sẽ phải tìm mọi cách để chặn đứng sự lây nhiễm cho đến khi nào số người phải điều trị tại các bệnh viện không tăng mà giảm: lúc đó họ sẽ chuyển giai đoạn. Một số giải pháp sẽ được giải quyết trong giai đoạn này là: cấm đi lại trên toàn quốc (trừ các trường hợp đặc biệt) hoặc ở các vùng có tỷ lệ tổng số người phải chữa bệnh cao, cách ly người bị nhiễm và người đã tiếp xúc, nâng cao năng lực các bệnh viện, chăm sóc các nhà dưỡng lão, đảm bảo đáp ứng thực phẩm, dịch vụ y tế cho nhân dân.

Các nước đã chuyển giai đoạn, phải thiết kế lộ trình và các điều kiện phù hợp để nới lỏng giãn cách xã hội: sự hạn chế đi lại, tiếp xúc, giao lưu của người dân, mở lại trường học, cửa hàng, các dịch vụ một cách phù hợp, đưa ra các quy tắc ứng xử và quy chế hoạt động mới của cơ quan, doanh nghiệp, địa phương để không làm lây lan Covid-19 mạnh dẫn đến dịch.

Chừng nào chưa có vắc xin thì khi đó không thể loại trừ lây nhiễm Covid-19, song có thể được kiểm soát như đã và đang kiểm soát các bệnh truyền nhiễm khác. Mỗi người, mỗi cơ quan doanh nghiệp, ngành nghề phải chấp nhận một số quy định về hành vi cá nhân và hoạt động của cơ quan mình, doanh nghiệp của mình, tổ chức của mình, địa phương của mình khác trước để phòng bệnh truyền nhiễm Covid-19 và ngăn chặng không để xảy ra dịch Covid-19.

Một số trạng thái bình thường mới có thể hình dung như:

1. Việc đeo khẩu trang có thể là bắt buộc khi hoạt động cộng đồng: Đi học, đi chợ, đi du lịch, người trên phương tiện giao thông công cộng, khi gặp gỡ giao lưu với người khác trong một thời gian nhất định (3 tháng, 6 tháng, 1 năm hoặc lâu hơn).

2. Người từ các nước đang có dịch hay lây nhiễm Covid19 đến Việt Nam phải được thử có virus hay không và cách ly 14 ngày nếu có dấu hiệu đáng nghi ngờ lây nhiễm. Ngay lúc xuống máy bay, rời xe lửa, ô tô có thể phải được thử (sác xuất hoặc tập trung vào một số đối tượng hoặc một thời gian nhất định).

3. Khi phát hiện có người bị dương tính với Covid19 thì người đó và tất cả những người tiếp xúc (F1, F2, F3) phải được cách ly triệt để, ít nhất 14 ngày.

4. Khoảng cách giữa người với người trong các hoạt động thường xuyên (sản xuất, nhà hàng, nhà hát, lớp học, tàu xe…) phải được quy định, có mức tối thiểu.

5. Quy mô một số hoạt động đông người bị giới hạn trong một thời gian nhất định (sự kiện văn hóa, thể thao, mitting, du lịch, hội họp…)

6. Thường xuyên phải rửa tay sát khuẩn, xe, phương tiện giao thông được sát khuẩn định kỳ.

Theo các hướng này, các cơ quan, doanh nghiệp phải đặt ra các quy tắc ứng xử và quy chế hoạt động của các cơ quan, đơn vị thuộc từng ngành nghề để sản xuất, kinh doanh, học tập, khám chữa bệnh, vui chơi giải trí, đáp ứng tốt nhu cầu của cá nhân và doanh nghiệp, trường học, bệnh viện mà không làm lây nhiễm Covid19. Trong tháng 4/2020, TP. Hồ Chí Minh cần hoàn thành các công việc này để triển khai áp dụng từ tháng 5/2020.

Do nhiều nền kinh tế là đối tác thương mại và đầu tư của Việt Nam còn đang chống dịch, kinh tế chưa phục hồi nên cần lấy nhu cầu trong nước của 99 triệu dân và của nền kinh tế làm thị trường mục tiêu cho các doanh nghiệp, đồng thời bám sát nhu cầu tăng lên từng ngày của các nước đã chuyển giai đoạn để thúc đẩy xuất khẩu, đầu tư hai chiều với các đối tác này.

Việc chuyển từ trạng thái chống dịch ở các nước đang có dịch hoặc phòng dịch ở các nước chưa có dịch, tuy có lây nhiễm ở quy mô nhỏ, sang trạng thái bình thường mới đòi hỏi phải có sự phối hợp đồng bộ giữa các ngành với sự tham gia tích cực, hiểu biết và nghiêm túc của người dân trong một lộ trình khác nhau cho các loại hoạt động khác nhau từ nay đến hết năm 2020, để mỗi địa phương và nước phục hồi đời sống và sản xuất kinh doanh nhanh nhất với điều kiện không để xảy ra nguy cơ dịch đáng kể. Từ thực tiễn của Việt Nam và bài học của các nước có thể hình dung: Nếu kiểm soát xâm nhập dịch từ bên ngoài vào Việt Nam tốt, phòng dịch trong nước ở tất cả các địa phương, ngành nghề, gia đình và mỗi người tốt thì khi số người nhiễm Covid19 cần điều trị một lúc ở Việt Nam không quá 1.000 người, thậm chí lên đến 2.000 người thì hệ thống y tế Việt Nam vẫn xứ lý được, không quá tải, không gây rối loạn bệnh viện và xã hội. Điều trị một lúc 1.000 bệnh nhân Covid19 ở Việt Nam sẽ là điều bình thường, không có dịch Covid19. Vừa qua lúc cao nhất Việt Nam chỉ điều trị 163 ca nhiễm Covid19, sau đó giảm dần, bây giờ chỉ còn 65 ca. Hệ số lây nhiễm Covid19 ở Việt Nam trong gần 90 ngày qua là 0,65, tức nhỏ hơn 1, do đó đã không có dịch Covid19 ở Việt Nam.

Với sự chỉ đạo kịp thời của Đảng, sự chỉ đạo và tổ chức thực hiện quyết liệt của Chính phủ, sự chủ động, sáng tạo triển khai của cấp ủy và chính quyền các địa phương, sự lăn xả và hy sinh của đội ngũ y bác sỹ, sự chia sẻ của mọi tầng lớp nhân dân, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị với truyền thống văn hóa của dân tộc Việt Nam, chúng ta đã làm nên kết quả rất đáng tự hào: Một đất nước gần 100 triệu dân, ở ngay sát trung tâm dịch của thế giới đầu năm 2020, GDP đầu người chỉ 3.000 USD song cả nước ta chỉ có 268 người bị nhiễm, đã điều trị khỏi hầu hết, không có người chết, trong khi 95% năng lực giường bệnh điều trị Covid-19 chưa sử dụng đến. Việt Nam đã phòng dịch xuất sắc, đã chuyển giai doạn từ 29/3, nên không xảy ra dịch Covid19 trong khi đại dịch Covid19 bùng phát toàn cầu. Bây giờ là lúc mỗi người dân và hệ thống chính trị không được chủ quan, tự buông lỏng kỷ cương, phải chuẩn bị tích cực nhất để từ tháng 5/2020 thực hiện lộ trình chuyển toàn bộ đời sống xã hội, đời sống kinh tế sang trạng thái bình thường mới với mình và cùng cả thế giới.

Nguyễn Thiện Nhân – Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh

Việt Nam chuyển sang trạng thái bình thường mới phòng dịch Covid-19
Bài mới
Đọc nhiều