Việt Nam chuyển giao chức Chủ tịch ASEAN cho Brunei
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì lễ bế mạc Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 và chuyển giao chức Chủ tịch ASEAN cho Brunei chiều nay.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chiều nay trao búa gỗ đại diện chức Chủ tịch ASEAN cho Đại sứ Brunei tại Việt Nam Pengiran Haji Sahari bin Pengiran Haji Salleh, đánh dấu chuyển giao chức Chủ tịch ASEAN năm 2021 cho nước này. Sự kiện diễn ra trong lễ bế mạc Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 và các hội nghị cấp cao liên quan tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế ở Hà Nội.
Brunei sẽ giữ vị trí Chủ tịch ASEAN từ ngày 1/1 đến 31/12/2021. Chủ đề năm ASEAN 2021 sẽ là “We care. We prepare. We prosper” (Chúng ta quan tâm. Chúng ta sẵn sàng. Chúng ta thịnh vượng).
Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 diễn ra theo hình thức trực tuyến từ ngày 12/11 đến 15/11, là hội nghị cấp cao cuối cùng và quan trọng nhất trong năm Việt Nam làm chủ tịch. Đây là dịp để ASEAN đánh giá tổng thể kết quả hợp tác nội khối, ngoại khối và đề ra định hướng ưu tiên cho giai đoạn tiếp theo.
Các nước thành viên ASEAN luân phiên đảm nhiệm chức chủ tịch theo thứ tự bảng chữ cái. Việt Nam đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN vào năm 2020, năm bản lề trong triển khai kế hoạch hiện thực hóa Tầm nhìn ASEAN 2025 và là dịp kỷ niệm tròn 25 năm Việt Nam gia nhập ASEAN.
Cách đây một năm, ngày 4/11/2019, Việt Nam tiếp nhận chức Chủ tịch ASEAN từ Thái Lan trong Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 35 và công bố Chủ đề của năm ASEAN 2020 là “Gắn kết và Chủ động thích ứng”.
Tại hội nghị tại Hà Nội sáng 10/11, các bộ trưởng ngoại giao ASEAN đánh giá 2020 là một năm đầy thách thức, khó khăn và bất ổn với Covid-19 bùng phát và lây lan trên diện rộng, cạnh tranh giữa các cường quốc chiến lược ngày càng gia tăng cùng các vấn đề an ninh truyền thống và phi truyền thống. Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cũng nhận định đây là giai đoạn “lửa thử vàng, gian nan thử sức” của ASEAN.
Dù vậy, với nỗ lực của nước Chủ tịch Việt Nam và các quốc gia thành viên, ASEAN trong năm qua được đánh giá là đã đạt được thành công trong xây dựng cộng đồng, tiếp tục khẳng định vai trò trung tâm trong cấu trúc khu vực.
Trong Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS) ngày 14/11, các nước đánh giá cao Việt Nam trên cương vị Chủ tịch ASEAN 2020 và EAS lần thứ 15 cũng như các sáng kiến của ASEAN về tăng cường hợp tác ứng phó Covid-19, nhất là Quỹ ứng phó Covid-19 và Kho dự phòng vật tư y tế khu vực.
Sáng 15/11, các thành viên ASEAN đã ký Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) với 5 đối tác của khối là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand. Đây được đánh giá là hiệp định thương mại tự do có quy mô lớn nhất thế giới.
Theo quy định tại Điều 31 Hiến chương ASEAN năm 2007, quốc gia đảm nhiệm chức Chủ tịch ASEAN sẽ chủ trì Hội nghị Cấp cao ASEAN và các hội nghị liên quan, các cuộc họp của Hội đồng Điều phối ASEAN, ba Hội đồng Cộng đồng ASEAN gồm Cộng đồng Kinh tế (AEC), Cộng đồng Văn hoá – xã hội (ASCC) và Cộng đồng chính trị – an ninh (APSC).
Chủ tịch ASEAN còn có thể chủ trì các cuộc họp của cơ quan chuyên ngành cấp bộ trưởng và quan chức cao cấp, Ủy ban các Đại diện thường trực ASEAN…
Điều 23 Hiến chương ASEAN quy định Chủ tịch ASEAN có thể là bên thứ ba giúp các thành viên giải quyết tranh chấp phát sinh khi những nước này yêu cầu. Chủ tịch ASEAN cũng có vai trò thúc đẩy và tăng cường lợi ích, sự thịnh vượng của khối, xác định những lĩnh vực hợp tác trọng tâm, đề xuất sáng kiến và kế hoạch mới, bảo đảm phản ứng kịp thời và hiệu quả với những vấn đề cấp bách hay những tình huống khủng hoảng tác động đến ASEAN.