Việt Nam chuẩn bị thử nghiệm vắc xin Covid-19 trên người
Bốn đơn vị sản xuất vắc xin ngừa Covid-19 đang tăng tốc độ, dự kiến ngay cuối năm nay có thể bắt đầu thử nghiệm lâm sàng trên người.
Thông tin này được quyền Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long chia sẻ tại hội thảo nghiên cứu, thử nghiệm lâm sàng, cấp phép đăng ký, sử dụng vắc xin Covid-19 tại Việt Nam sáng 22/7.
Cuộc đua chưa có tiền lệ
GS Nguyễn Thanh Long cho biết, suốt nửa năm qua, cả thế giới căng mình chống dịch Covid-19. Đến nay, số ca mắc bệnh trên thế giới đã vượt mốc 15 triệu với trên 600.000 người tử vong. Đại dịch chưa có dấu hiệu dừng lại, chưa có nước nào ngăn chặn thành công.
Vì vậy, sản xuất vắc xin là ưu tiên của tất cả các quốc gia, viện nghiên cứu, nhà sản xuất với hy vọng có thể ngăn chặn, khống chế, kiểm soát dịch bệnh và đưa cuộc sống trở về bình thường.
“Nếu không có vắc xin thì chúng ta khó có thể cuộc sống bình thường như trước đây. Đây là thách thức lớn với toàn cầu, toàn nhân loại”, GS Long nhấn mạnh.
Với Việt Nam, dù đã có những thành công bước đầu trong chống dịch nhưng GS Long nhìn nhận, nếu không có vắc xin, giao lưu đi lại và thương mại cũng sẽ không trở về bình thường.
Vì vậy, thời gian qua, lãnh đạo Chính phủ đề nghị các đơn vị đẩy nhanh nghiên cứu, sản xuất vắc xin để chủ động trong cung ứng vắc xin cho nhu cầu trong nước và cần có cơ chế để tiếp cận nguồn vắc xin trên thế giới nhanh nhất, thuận lợi nhất.
Hiện thế giới có 160 loại vắc xin được nghiên cứu phát triển với 5 công nghệ chính, trong đó 23 loại vắc xin đang ở giai đoạn thử nghiệm lâm sàng trên người.
Riêng 2 vắc xin của Anh (ĐH Oxford phối hợp với hãng dược Astrazeneca) và Trung Quốc (CanSino Biologics) đang bắt đầu thử nghiệm giai đoạn 3 diện rộng. Cuối tháng này, sẽ có thêm vắc xin của Đức (BioNTech) cũng bước sang giai đoạn 3.
Hơn 140 ứng viên còn lại đang ở giai đoạn tiền lâm sàng, trong đó có 4 nhà sản xuất của Việt Nam bao gồm: Vabiotech, Polyvac, Ivac và Nanogen
Đây là điều chưa từng có trong tiền lệ sản xuất một loại vắc xin cả về quy mô, tốc độ và công nghệ. Trong đó công nghệ đang được sử dụng nhiều nhất là vắc xin dựa trên protein tái tổ hợp với 68 ứng viên. Kế đó là công nghệ sử dụng vectơ virus với 41 đơn vị, 3/4 vắc xin của Việt Nam cũng áp dụng công nghệ này.
Nhanh nhưng phải đảm an toàn
Quyền Bộ trưởng Y tế cho biết, Việt Nam bước vào cuộc đua sản xuất vắc xin với những lợi thế nhất định khi là một trong 42 quốc gia tự có thể sản xuất vắc xin cho chương trình tiêm chủng mở rộng, nằm trong top 38 nước có cơ quan quản lý về vắc xin đạt chuẩn WHO.
Để đạt mục tiêu sớm có vắc xin, Bộ Y tế đã yêu cầu các đơn vị rút ngắn quy trình cấp phép và thử nghiệm lâm sàng nhưng vẫn phải đảm bảo an toàn cho người tham gia nghiên cứu cũng như quá trình tiêm mở rộng sau này.
Bộ Y tế cũng đang nghiên cứu thành lập quỹ vắc xin để người dân được tiếp cận vắc xin nhanh nhất.
Hiện tại Ivac sử dụng công nghệ nuôi cấy trứng gà có phôi để bào chế vắc xin. Công nghệ này từng được Ivac sản xuất thành công trên vắc xin cúm.
“Chúng tôi thấy cách làm này rất khả quan, nếu đạt được yêu cầu vào tháng 8 này thì ngay cuối năm nay có thể đưa vắc xin này vào thử nghiệm lâm sàng trên người”, ông Long nói.
Còn Vabiotech phối hợp với ĐH Oxford của Anh, sử dụng công nghệ vec-tơ, đã thành công nghiên cứu trên trên động vật. Kết quả thử nghiệm cho thấy vắc xin đáp ứng miễn dịch tốt.
Trao đổi thêm bên lề hội thảo, ông Nguyễn Ngô Quang, Phó Cục trưởng Cục Khoa học công nghệ, Bộ Y tế cho biết, Việt Nam đang dự thảo đẩy nhanh quá trình thẩm định, cấp phép đăng ký sử dụng vắc xin Covid-19 để năm 2021 có thể có vắc xin.
Theo đó, Bộ Y tế sẽ đề xuất rút ngắn thời gian thực hiện các quy trình: Nghiên cứu sản xuất; kiểm định; thử nghiệm lâm sàng; cấp phép lưu hành; theo dõi sử dụng vắc xin..
Cụ thể, trong khâu thử nghiệm lâm sàng có thể làm song song, sau khi có kết quả giai đoạn 1 có thể chuyển sang thử nghiệm giai đoạn 2 và tiếp tục theo dõi giai đoạn 1.
“Tuy nhiên, dù rút ngắn thời gian nhưng vẫn phải đảm bảo chất lượng của vắc xin, có tác dụng phòng nhiễm virus SARS-CoV-2 dựa trên những bằng chứng khoa học, tuân thủ theo các nguyên tắc về đạo đức trong nghiên cứu y sinh học”, ông Quang nhấn mạnh.
Thúy Hạnh/VNN