+
Aa
-
like
comment

Việt Nam cần sớm ban hành bộ luật mới về TTATGT đường bộ

Đỗ Mạnh - 12/11/2020 17:59

Ngày 5/11/2020, được sự ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an đã thay mặt Chính phủ có báo cáo Quốc hội về việc tiếp thu, giải trình một số nội dung lớn, nội dung còn nhiều ý kiến tham gia của dự án Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Bộ trưởng Bộ Công An Tô Lâm trả lời chất vấn trước diễn đàn Quốc hội

Đây được hiểu là luật mới, được đề nghị tách ra từ Luật giao thông đường bộ năm 2008 và bổ sung chi tiết thêm các nội dung, giải pháp liên quan đến Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Luật giao thông đường bộ năm 2008 được ban hành bao gồm hai phần chính là: Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ và xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, quản lý vận tải đường bộ. Nhiều chuyên gia cho rằng nội dung bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ được hiểu là những nội dung quy định về lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Còn nội dung xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, vận tải đường bộ được hiểu là lĩnh vực kinh tế – kỹ thuật. Theo cách hiểu này thì hai lĩnh vực nêu trên được ban hành có nội dung và mục tiêu, đối tượng  khác nhau. Trong đó bảo đảm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông với mục tiêu là bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe cho người tham gia giao thông, bảo đảm an ninh con người; còn xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông là phục vụ phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm an toàn kỹ thuật công trình giao thông.

Trong khi những năm gần đây tình hình trật tự an toàn giao thông đường bộ tại Việt Nam lại diễn ra hết sức phức tạp. Rất nhiều vụ tai nạn giao thông xẩy ra gây thiệt hại lớn về người và phương tiện. Điều đặc biệt chú ý là tai nạn giao thông đường bộ chiếm đến 95% trong tổng số các vụ tai nạn .

Từ thực trạng trên cho thấy để hạn chế tai nạn giao thông đường bộ cần có những giải pháp giải quyết đến tận gốc rễ mọi vấn đề, trong đó về mặt Luật pháp rất cần thiết có một bộ Luật riêng quy định về chi tiết buộc những người tham gia giao thông phải chấp hành nhằm giảm tối đa tai nạn. Theo ý kiến tổng kết của UBATGT Quốc gia, phần lớn các vụ tai nạn giao thông đường bộ là do ý thức của người tham gia giao thông. Vì vậy để hạn chế tai nạn giao thông ngoài công tác công tác tuyên truyền, giáo dục người tham gia giao thông nâng cao ý thức cũng cần phải có những văn bản pháp luật đủ rắn để giáo dục và răn đe và bắt buộc người dân khi tham gia giao thông phải tuân thủ chấp hành theo luật định.

Mặt khác việc tách bộ luật giao thông đường bộ năm 2008 ra làm hai luật riêng biệt, ngoài mục đích phân rõ sự điều chỉnh luật một cách cụ thể và chi tiết hơn còn giúp các cơ quan chủ quản được luật pháp bảo hộ về mặt chuyên môn, giúp cho những người thi hành công vụ có công cụ để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao theo quy định của pháp luật, còn là công cụ giúp những người được giao nhiệm vụ bảo đảm an toàn giao thông có cơ sở pháp lí để giáo dục và tuyên truyền mọi tầng lớp nhân dân tăng cường ý thức khi tham gia giao thông. Có công cụ để xử phạt và bảo đảm an toàn tính mạng và sức khỏe cho những người tham gia giao thông. Nhiều ý kiến cho rằng không nên tách ra làm hai luật riêng biệt vì thêm phiền hà và chồng chéo. Song cũng nhiều ý kiến lại có ý kiến rất đồng tình, bởi mỗi lĩnh vực có đặc thù riêng, cần có luật để điều chỉnh cho chặt chẽ. Điều này chắc mọi người trong chúng ta đều thấy rõ là ở thời điểm hiện tại, song song với luật giao thông đường bộ còn có hai luật khác điều chỉnh các lĩnh vực khác đó là Luật Giao thông đường thủy nội địa và Luật Hàng không dân dụng Việt Nam.

Nhiều ý kiến cho rằng việc tách ra làm hai bộ luật riêng biệt và điều chuyển một số nội dung công việc từ Bộ Giao thông  sang Bộ Công an có nguy cơ làm tăng biên chế và gây nên sự phiền nhiễu cho người dân. Chắc hẳn mọi người còn nhớ từ những năm 1993 trở về trước việc đào tạo lái xe và cấp bằng lái xe đều do Bộ Công An  đảm nhiệm. Vì vậy có thể khẳng định Bộ Công an có đầy đủ điều kiện về chuyên môn, nhân lực , vật lực để tiếp quản công việc trên mà không làm tăng biên chế. Hơn nữa hiện nay việc quản lý và giữ gìn trật tự an toàn giao thông đường bộ trên toàn quốc đều do lực lượng cảnh sát giao thông thuộc Bộ Công an đảm nhiệm. Vì vậy việc sử dụng những kinh nghiệm và những nguyên nhân gây tai nạn đưa vào giáo trình dạy lái xe là hoàn toàn hợp lý. Những nội dung này sẽ rất thiết thực cho những người tham gia giao thông biết và phòng tránh trong quá trình học và lấy bằng. Mặt khác khi chuyển giao toàn bộ công tác bảo đảm an toàn giao thông đường bộ và đào tạo cấp, đổi bằng lái xe cho Bộ Công an sẽ giúp giải phóng toàn bộ lực lượng thanh tra giao thông do Bộ giao thông quản lý.Bộ giao thông chỉ còn phải sắp xếp lại công việc cho khoảng gần 700 con người này là ổn. Trong khi đó Bộ Công an với bộ máy sẵn có có thể đảm nhận toàn bộ công việc do Bộ Giao thông bàn giao sang. Mặt khác các cơ sở đào tạo lái xe phần lớn là xã hội hóa, hạch toán độc lập  thì Bộ Công An hoàn toàn có thể tiếp quản trưng dụng mà không làm tăng biên chế. Chúng ta đang sống trong thời đại kỹ thuật vì vậy dữ liệu dân cư đều do Bộ Công an quản lý sẽ là cơ sở đồng bộ dữ liệu của mỗi cá nhân khi làm giấy tờ đi thi sẽ giảm được rất nhiều thủ tục. Các phần mềm đào tạo là cơ sở giúp cho việc liên thông các dữ liệu một cách dễ dàng. Đây là cơ sở giúp giảm sự phiền nhiễu cho nhân dân.

Nhiều người lo lắng khi Bộ Công an đảm nhiệm quá nhiều nội dung công việc liên quan đến một vấn đề sẽ không khách quan, vừa đánh trống vừa thổi còi. Điều này được lý giải chúng ta đang sống trong thời đại mà mọi công việc đều được tự động hóa. Nhân dân là tại mắt ở khắp mọi nơi mọi lúc thì dù ngành nào quản lý cũng không qua được tai mắt được nhân dân.

Dư luận cho rằng tính mạng, sức khỏe và hạnh phúc của nhân dân mới là quan trọng vì vậy có một bộ Luật riêng điều chỉnh về TTATGT đường bộ vì mục đích này và ở thời điểm hiện tại là rất hợp lý. Có Luật TTATGT đường bộ sẽ giúp Việt Nam cụ thể hóa được các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Dư luận cho rằng việc tách Luật giao thông đường bộ thanh hai bộ luật theo đề xuất của Bộ Công An và Bộ GTVT ở thời điểm bối carnh giao thông như hiện nay là hợp lý. Tuy nhiên để sớm được các thành viên Quốc hội và Quốc hội chấp thuận phê chuẩn thì những cơ quan chức năng soạn thảo Luật cần rà soát lại một cách thận trọng để tránh những nội dung chồng chéo về biển báo và những điều luật về xử phạt để bảo đảm tính độc lập giữa các luật. Tránh những phiền toái và hệ lụy trong việc xử lý một tình huống mà phải viện dẫn rất nhiều các quy định Luật pháp khác nhau.

Đỗ Mạnh

* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều