+
Aa
-
like
comment

Việt Nam cần làm gì để đón ‘sóng lớn’?

09/11/2020 07:01

Để đón được các tập đoàn lớn di chuyển chuỗi cung ứng, sản xuất sang Việt Nam, chúng ta cần có môi trường đầu tư công khai, minh bạch, có nguồn nhân lực chất lượng cao và chi phí hạ tầng logistics cạnh tranh.

Theo thông tin từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), 10 tháng năm nay, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài (FDI) đạt gần 23,5 tỷ USD, bằng 80,6% so cùng kỳ năm 2019. Trong đó, có 2.100 dự án mới được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, giảm 32,1%; tổng vốn đăng ký đạt 11,66 tỷ USD, giảm 9,1%. Về vốn điều chỉnh, có 907 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư, giảm 20,8% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt hơn 5,71 tỷ USD, tăng 4,4%.

Theo lĩnh vực đầu tư, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn rót vốn chủ yếu vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo với tổng vốn đầu tư đạt 10,7 tỷ USD, chiếm 45,7% tổng vốn đầu tư đăng ký. Tiếp đến là lĩnh vực sản xuất, phân phối điện; kinh doanh bất động sản; bán buôn, bán lẻ,…

Theo đối tác đầu tư, đã có 109 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam. Trong đó, Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư 7,51 tỷ USD, chiếm 31,9% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam, tiếp theo là Hàn Quốc, Trung Quốc… Nếu xét theo số lượng dự án mới thì Hàn Quốc đứng vị trí thứ nhất với 528 dự án, Trung Quốc đứng vị trí thứ hai với 294 dự án, Nhật Bản đứng thứ ba với 226 dự án, Hongkong (Trung Quốc) đứng thứ tư với 164 dự án…

Việt Nam cần có môi trường đầu tư công khai, minh bạch, có nguồn nhân lực chất lượng cao và chi phí hạ tầng logistics cạnh tranh nhằm thu hút FDI.  

Các chuyên gia kinh tế cho biết, đây chính là thời điểm Việt Nam cần chuẩn bị kỹ lưỡng về thể chế và hạ tầng để sẵn sàng đón “sóng lớn”. Cục Đầu tư nước ngoài nhận định, làn sóng đầu tư bất động sản công nghiệp thứ ba đang diễn ra ở Việt Nam do nhà đầu tư muốn tìm địa điểm thuê mới để đa dạng hóa thị trường và chuỗi cung ứng. Quá trình này bắt nguồn khoảng từ năm đến sáu năm trước và được thúc đẩy mạnh mẽ vào năm nay, khi dịch Covid-19 bùng phát kéo theo sự dịch chuyển của chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu.

Trước đó, đã có hai làn sóng bất động sản công nghiệp diễn ra vào các năm 1996 và năm 2008, nhưng năm nay bước vào giai đoạn đặc biệt nhất với đồ thị tăng trưởng liên tục đi lên. Cả nước hiện có 336 khu công nghiệp, tổng diện tích khoảng 97.800 ha với cơ sở hạ tầng công nghiệp, dịch vụ kho bãi, logistics,… đang tiếp tục phát triển mạnh để đáp ứng nhu cầu đầu tư, phát triển cơ sở sản xuất của các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Để giải quyết thách thức từ hoạt động công nghiệp, các khu công nghiệp đang từng bước chuyển đổi mô hình phát triển theo hướng bền vững hơn về kinh tế, xã hội và môi trường.

Đồng thời, PGS, TS Trần Đình Thiên – nguyên là Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho hay, để đón được các tập đoàn lớn di chuyển chuỗi cung ứng, sản xuất sang Việt Nam, chúng ta cần có môi trường đầu tư công khai, minh bạch, có nguồn nhân lực chất lượng cao và chi phí hạ tầng logistics cạnh tranh. Còn rất nhiều việc phải làm để đạt được những điều kiện này, quan trọng là phải thay đổi cách làm, không thể chỉ cải tiến những quy định cũ. Thời gian tới, thu hút đầu tư FDI cần chú ý tới đẳng cấp của doanh nghiệp FDI thay vì chỉ chú ý đến thu hút dự án có quy mô vốn đầu tư lớn…

Tại cuộc họp của Thường trực Chính phủ về biện pháp đón làn sóng đầu tư nước ngoài vừa qua, Thủ tướng Chính phủ cũng đã chỉ đạo “Chúng ta phải có tinh thần tiến công, chủ động hơn… Chúng ta phải biết tạo nên một sức mạnh từ lợi thế của Việt Nam và phải làm nhanh hơn, tốt hơn”. Vì vậy, cần phải xem nhà đầu tư cần gì để bàn bạc, hợp tác, đáp ứng đúng điều họ cần để phát triển thành công, mang lại lợi ích cho cả hai phía.

Thanh Tùng/ VietQ

Bài mới
Đọc nhiều