+
Aa
-
like
comment

Việt Nam cần dùng tới “vũ khí” gì để đối phó với lãi suất từ FED?

Huy Hoàng - 22/09/2022 13:48

Với mức nâng lãi suất mạnh tay 0,75% của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) vào rạng sáng 22/9, áp lực sẽ tiếp tục đè nặng lên tỷ giá đồng nội tệ Việt Nam. Tuy nhiên, trong những tháng cuối năm 2022, Việt Nam có thể sử dụng một “vũ khí” để loại bỏ một trong những nguyên nhân lớn gây lạm phát, cũng như kích hoạt nhu cầu tiêu thụ nội địa mạnh mẽ trở lại tại Việt Nam. Đó là…

Xuất khẩu dầu thô của Việt Nam mang về 2 tỷ USD

Theo lịch trình, FED sẽ không chỉ dừng ở mức tăng mạnh vào thời điểm hiện tại mà còn tiếp tục vào những kỳ họp tháng 11 và tháng 12. Mặc dù việc đồng USD tăng giá sau quyết định của FED sẽ gây áp lực mất giá lớn lên đồng Việt Nam. Thế nhưng, điều này cũng có hai mặt, bởi lãi suất tăng cao ở Mỹ đã kích hoạt một loạt các ngân hàng trung ương khác trên thế giới cùng nâng lãi suất, hệ quả là nhu cầu tiêu thụ của người dân ở những quốc gia này giảm xuống đáng kể. Chi tiêu ít đi khiến cho việc tiêu thụ xăng dầu giảm tốc. Đặc biệt là khối doanh nghiệp, hàng hóa bán được ít hơn, nên sản xuất cũng dần được hạn chế, các nhà máy hoạt động ít hơn, đi lại cũng hạn chế hơn. Tất cả điều này đều đang giáng những đòn sát thương lớn lên giá dầu thô thế giới.

Xu hướng giảm giá của dầu thô giảm sẽ còn được duy trì khi mà quốc gia tỷ dân Trung Quốc vẫn kiên quyết trung thành với chiến dịch “Zero Covid”. Theo dự báo của Tổ chức Năng lượng Quốc tế (IEA), nhu cầu dầu của Trung Quốc sẽ giảm xuống còn 420.000 thùng/ngày trong năm nay, tương đương với mức giảm 2,7%. Đây sẽ là năm giảm đầu tiên kể từ khi nhu cầu dầu lao dốc 1% năm 1990.

Giá dầu giảm sẽ trở thành một tín hiệu tốt cho Việt Nam. Việc giá dầu thô giảm sẽ giảm áp lực cho các doanh nghiệp nhập khẩu dầu, từ đó giảm bớt áp lực trợ giá, thuế phí cho Chính phủ. Ngoài ra, giá dầu lao dốc còn sẽ giúp sức mua trong nước Việt Nam phục hồi mạnh mẽ, do xăng dầu sẽ kích hoạt việc đi lại, chi tiêu của người dân.

Đặc biệt khác với thế giới, thị trường nội địa Việt Nam vốn đã được bảo vệ khỏi lạm phát bởi Ngân hàng nhà nước (NHNN) ngay từ đầu năm đã can thiệp vào thị trường ngoại hối để ổn định tỷ giá. Nhờ đó mà ngăn ngừa nguy cơ “lạm phát nhập khẩu” cho Việt Nam, nên từ đây đến cuối năm, xu hướng giảm của dầu thô thế giới sẽ kích hoạt lại sự năng động trong nước. Cũng nhờ vậy mà Việt Nam sẽ thu hút được nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào khai thác mạnh mẽ trong thời kỳ suy thoái toàn cầu đang tới gần. Nếu tỷ giá tiếp tục được giữ ổn định, giá dầu tiếp tục đà giảm, lợi thế cho Việt Nam sẽ ngày một rõ nét.

Giá xăng trong nước giảm mạnh – Người dân hưởng lợi

Tuy nhiên, một vài yếu tố làm tăng giá dầu vẫn hiện hữu, như việc Tổng thống Nga Vladimir Putin đã hạ lệnh động viên cục bộ 300.000 quân dự bị lên đường đến Ukraine. Từ đó, giá dầu sẽ có thể tăng để thuận lợi cho việc xuất khẩu dầu thô của Nga, do Nga là nhà cung ứng dầu lớn của thế giới. Ngoài ra, Nga cũng phải đối phó với lệnh cấm vận từ châu Âu bằng cách cắt giảm nguồn cung, để qua đó tạo sự khan hiếm, và đẩy giá dầu lên cao, nhằm bảo toàn lợi nhuận cho mình. Một yếu tố khác làm tăng giá dầu nữa đó là việc nới lỏng hạn chế ở Trung Quốc. Nhu cầu được kích hoạt trở lại sẽ làm giá dầu bật tăng. Do đó, dù xu hướng chính của dầu thô vẫn là giảm nhưng rủi ro tăng giá vẫn còn.

Chính vì vậy, đề xuất của Chính phủ về việc tiếp tục duy trì Quỹ Bình ổn giá xăng dầu là vô cùng hợp lý. Bởi, đây là công cụ điều tiết giá xăng dầu hiệu quả trong nước, là biện pháp kinh tế, không phải can thiệp hành chính và đã chứng tỏ có thể giúp ích khi giá dầu leo thang chóng mặt hồi đầu năm. Ngoài ra, các biện pháp trợ giá, thuế phí cho xăng dầu nhập khẩu vẫn cần được duy trì nhằm đón đầu mọi rủi ro, giữ vững mục tiêu lạm phát dưới 4% cho nền kinh tế.

Huy Hoàng

Bài mới
Đọc nhiều