Việt Nam cần chủ động trước nguy cơ lây nhiễm từ biến chủng Omicron
Các chuyên gia cho rằng Việt Nam cần chủ động giám sát và duy trì biện pháp phòng dịch để hạn chế nguy cơ lây lan trước sự xuất hiện của biến chủng SARS-CoV-2 mới.
Hôm 25/11, Bộ trưởng Bộ Y tế Nam Phi đã thông báo về việc phát hiện biến chủng B.1.1.529 (Omicron) đang lây lan nhanh chóng ở nhiều vùng trên địa bàn quốc gia này. Trong vài giờ sau đó, nhiều quốc gia cũng đã đồng loạt cấm đi lại đến Nam Phi và một số nước láng giềng.
Biến chủng mới đáng lo ngại
Trao đổi với PV, PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế Công cộng, Đại học Y Dược TP.HCM, cho biết hiện nay các nhà khoa học vẫn chưa có quá nhiều thông tin về biến chủng Omicron ở Nam Phi.
“Đầu tiên, do biến chủng này lây lan ở Nam Phi rộng rãi hơn so với Delta, họ nghi ngờ Omicron thậm chí có thể mạnh hơn biến chủng virus từng gây ra làn sóng dịch nghiêm trọng ở nhiều quốc gia trên thế giới (Delta)”, ông Dũng nói.
Tuy nhiên, ngành y tế vẫn chưa chứng minh được giả thuyết này. Omicron cũng chưa được phân tích gene cụ thể để được khẳng định là có khả năng thoát khỏi miễn dịch nhờ vaccine.
PGS Dũng nhận định: “Chúng ta cũng chưa biết biến chủng này có gây bệnh nặng hơn Delta hay không. Điều này cũng tương tự với giả thuyết chúng gây bệnh nặng tương tự Delta nhưng lây lan nhanh hơn”.
Trên thực tế, đây chỉ là 3 khả năng chưa được chứng minh nhưng nếu xảy ra, điều này sẽ rất nguy hiểm. Các nhà khoa học Nam Phi cũng đang tiếp tục nghiên cứu để kiểm tra lại các giả thuyết trên.
Trưởng khoa Y tế Công cộng khẳng định: “Có thể nói đây là biến chủng đáng lo ngại. Tuy nhiên, chúng ta vẫn chưa biết nó nguy hiểm đến mức nào”.
Nhận định về biến chủng này, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, cho biết WHO cũng đang đánh giá về tốc độ lây lan và khả năng chống lại vaccine của biến chủng Omicron. Theo đó, biến chủng này thực sự đáng lo ngại và nguy hiểm với cộng đồng.
Chủ động ứng phó
Theo PGS Phu, trước những nguy cơ nói trên, Việt Nam cần nhanh chóng đưa ra những biện pháp ứng phó ngay từ bây giờ thay vì để biến chủng xâm nhập rồi mới xử lý.
“Trước tiên, chúng ta cần có giải pháp cụ thể đối với những người từ các quốc gia đang xuất hiện biến chủng này, phát hiện họ đã xâm nhập vào cộng đồng hay chưa, từ đó tiếp tục kiểm soát sự lây lan của SARS-CoV-2. Đồng thời, Việt Nam cũng nên đánh giá sự lây lan và khả năng chống lại vaccine của biến chủng mới như thế nào”, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng nói.
Cùng quan điểm, PGS.TS Nguyễn Việt Hùng, Phó chủ tịch Hội Kiểm soát Nhiễm khuẩn Hà Nội, cho rằng dù biến chủng này chưa xuất hiện tại Việt Nam, chúng ta vẫn cần tập trung trong việc giám sát và có sự chuẩn bị từ trước.
Ông nói: “Sự chuẩn bị trước chủ yếu là từ chiến lược của Việt Nam trong phòng, chống dịch. Cụ thể là tăng cường tiêm chủng vaccine cho người dân, tiếp tục thực hiện 5K. Ngoài ra, chúng ta phải có chương trình giám sát phát hiện ca bệnh cũng như giám sát biến đổi gene của các biến chủng nhập cảnh”.
Trong trường hợp biến chủng có thể xâm nhập trong tương lai, PGS Hùng cho rằng những biện pháp phòng dịch đang được Việt Nam áp dụng hiện nay vẫn có hiệu quả, bất chấp khả năng lây nhiễm của virus có thể sẽ cao hơn.
“Điều quan trọng nhất là chúng ta phải chủ động giám sát để phát hiện sớm biến chủng mới, tránh để virus xâm nhập sâu vào cộng đồng rồi mới phát hiện. Khi đó, tình hình sẽ rất phức tạp và nguy hiểm”, Phó chủ tịch Hội Kiểm soát Nhiễm khuẩn Hà Nội nhấn mạnh.
Mặt khác, PGS Đỗ Văn Dũng cho rằng một trong những vấn đề đáng lo ngại với Việt Nam khi có biến chủng mới là tình trạng virus xâm nhập từ nước ngoài. Tuy nhiên, năng lực phát hiện biến chủng của Việt Nam không bằng các quốc gia phát triển trên thế giới.
Dù Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương và Viện Pasteur TP.HCM đang nỗ lực rà soát, với số lượng bệnh nhân lớn như thời điểm này, việc phát hiện biến chủng gặp rất nhiều trở ngại.
“Hiện chúng ta vẫn kiểm soát người về từ nước ngoài, yêu cầu nhóm này cách ly, tránh để virus lây lan trong cộng đồng. Do đó, nguy cơ xuất hiện biến chủng nCoV mới tại Việt Nam chưa quá cao. Việt Nam cũng không có quá nhiều sự giao lưu, hợp tác kinh tế với Nam Phi nên chúng ta có thể hy vọng biến chủng mới chưa xâm nhập”, ông Dũng nói thêm.
Theo Trưởng khoa Y tế Công cộng, Việt Nam lúc này vẫn cần tiếp tục cảnh giác với biến chủng mới và theo sát các thông tin từ thế giới.
Theo thông tin từ Bộ Y tế, qua giám sát dịch tễ của SARS-CoV-2, Việt Nam đến nay chưa ghi nhận trường hợp mắc Covid-19 với biến chủng mới Omicron.
Để chủ động kiểm soát tình hình dịch Covid-19 trong nước, đồng thời ngăn chặn nguy cơ xâm nhập và lây lan của biến chủng mới Omicron từ các quốc gia đã ghi nhận và lây lan, Bộ Y tế đã chỉ đạo tăng cường giám sát dịch Covid-19 nhằm phát hiện sớm những dấu hiệu bất thường của các ổ dịch; Yêu cầu Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Viện Pasteur TP.HCM chủ động giải trình tự gene các trường hợp nghi ngờ nhiễm biến chủng mới, đặc biệt là những trường hợp có tiền sử dịch tễ về từ khu vực Nam Phi.
Bộ Y tế cũng đã báo cáo và đề xuất Chính phủ xem xét chỉ đạo tạm dừng tổ chức các chuyến bay quốc tế đến/đi từ các quốc gia: Nam Phi, Botswana, Namibia, Zimbabwe, Eswatini, Lesotho, Mozambique và tạm dừng cấp phép nhập cảnh với hành khách đến/đi về từ các quốc gia trên.
Quốc Anh