Việt Nam cải tiến thành công chiến hạm lớp Pohang, Philippines muốn học tập
Diễn đàn Max Defense Philippines cho biết, cấu hình nâng cấp tàu hộ vệ tên lửa Pohang của Việt Nam rất xứng đáng để hải quân nước bạn phải học tập.
Hiện nay Hải quân Philippines đã có trong biên chế 1 tàu hộ vệ săn ngầm lớp Pohang do Hàn Quốc bàn giao với tên gọi BRP Conrado Yap (PS-39), do chậm trễ trong quá trình thanh toán tiền đại tu mà phải tới gần đây con tàu mới cập cảng Manila.
Trước đây đã có thông tin cho rằng Hải quân Philippines sẽ tích hợp tên lửa chống tăng Spike-ER của Israel lên tàu Pohang của mình tương tự như các xuồng tuần tra lớp MPAC, nhưng rồi kế hoạch trên đã không được thực hiện.
Trong bức ảnh mới công bố, có thể nhận thấy Philippines đã tích hợp thêm 4 khẩu súng máy M2HB cỡ 12,7 mm phía sau đuôi tàu và bên cạnh tháp radar, cải tiến này rõ ràng quá đơn giản, khiến uy lực của con tàu chẳng được nâng cao bao nhiêu.
Trang Max Defense Philippines sau khi quan sát cấu hình của tàu Pohang nước mình và nhìn sang cách mà Việt Nam đang thực hiện trên lớp chiến hạm tương tự đã tỏ ra rất ngạc nhiên và cho rằng đây là cách mà họ rất nên học tập.
Cụ thể, trên Tàu 18 đã được lắp đặt thí điểm cụm ống phóng tên lửa phòng không vác vai Igla, trong khi đó Tàu 20 được nâng cấp mạnh hơn nhiều với 2 cụm ống phóng KT-184 của tên lửa hành trình chống hạm Kh-35 Uran.
Sau khi hiện đại hóa, tàu hộ vệ Pohang của Việt Nam đã “lột xác” trở thành tàu hộ vệ tên lửa đa năng khá mạnh và toàn diện, tính năng của những chiếc Pohang Flight III của chúng ta được đánh giá tương đương với Flight IV của Hàn Quốc.
Diễn đàn quân sự của Philippines cho rằng sắp tới hải quân nước này sẽ có trong biên chế tàu hộ vệ tên lửa hiện đại đầu tiên, đó là những chiếc HDF-2600 lớp Jose Rizal do Tập đoàn công nghiệp nặng Hyundai do Hàn Quốc chế tạo.
Khinh hạm Jose Rizal của Hải quân Philippine dự kiến sẽ được tích hợp tên lửa hành trình chống hạm SSM-700 Haeseong của Hàn Quốc, đây được xem là một biến thể từ RGM-84 Harpoon của Mỹ với trọng lượng 718 kg, tầm bắn trên 150 km và vận tốc Mach 0,85.
Phía Philippines cho rằng để tạo thuận lợi cho công tác đảm bảo hậu cần kỹ thuật cũng như sau khi xem xét kinh nghiệm của Việt Nam, tàu hộ vệ BRP Conrado Yap của họ hoàn toàn có thể gắn tên lửa SSM-700K vào vị trí tương tự Kh-35 Uran-E của Việt Nam.
Tuy nhiên nếu có ý định thực hiện dự án này thì chắc chắn Philippines sẽ phải thuê đối tác Hàn Quốc triển khai vì họ thiếu kinh nghiệm cũng như năng lực để tự tiến hành.
(Theo Kiến Thức)