+
Aa
-
like
comment

Việt Nam bị ảnh hưởng bởi việc FED tăng lãi suất như thế nào?

18/03/2022 14:18

Ngày 16/3, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã quyết định tăng lãi suất cơ bản liên bang thêm 0,25%, từ mức 0%-0,25% lên 0,25%-0,5%.

Ảnh minh họa

Đây là đợt tăng lãi suất đầu tiên của FED kể từ năm 2018. FED cũng cho biết, dự kiến sẽ điều chỉnh tỷ lệ lãi suất thêm 6 đợt nữa từ nay đến cuối năm. Phóng viên tại Mỹ dẫn phân tích từ địa bàn về tác động từ quyết định của FED đối với 
thế giới và Việt Nam như sau:

Lý do FED quyết định tăng lãi suất


Theo các chuyên gia, mục đích chủ yếu của lần tăng lãi suất này của FED là nhằm ngăn chặn đà tăng leo thang của lạm phát và FED sẽ làm tất cả những gì cần thiết để đảm bảo mức tăng giá không còn nóng trong thời gian tới.

Lạm phát ở Mỹ đã tăng liên tục từ tháng 2/2021 và đã leo lên mức 7,9% trong tháng 2/2022 so với cùng kỳ năm trước, mức tăng cao nhất trong hơn 40 năm qua. Quyết định tăng lãi suất sẽ cho phép FED bình thường hóa lãi suất dần dần để tránh làm gián đoạn thị trường.

Đồng thời, FED có nhiều dư địa hơn để thúc đẩy cân bằng tài chính và duy trì lạm phát ở mức có thể kiểm soát khi nền kinh tế nóng lên thời gian tới.
 Tuy nhiên, mức điều chỉnh không cao cho thấy FED vẫn thận trọng. FED e ngại việc tăng quá mạnh sẽ gây ra nhiều rủi ro đối với tăng trưởng kinh tế Mỹ, nhất là các bong bóng tài sản và các khoản đầu tư xấu, có thể khiến kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái.

Ảnh minh họa

Tác động đối với Việt Nam


Theo các chuyên gia, việc FED tăng lãi suất chắc chắn tác động tới Việt Nam nhưng trước mắt không quá đáng lo ngại.

Thứ nhất, nguy cơ Mỹ gây áp lực với việc Việt Nam điều chỉnh chính sách lãi suất và tỷ giá để đối phó với việc FED tăng lãi suất không cao:

Cũng như các nước đang phát triển khác, lãi suất ở Mỹ tăng thì Việt Nam cũng phải điều chỉnh lãi suất tăng theo. Chi phí trả nợ nước ngoài bằng USD sẽ đắt hơn và việc trả nợ sẽ khó khăn hơn. Để trả nợ thì phải đi mua ngoại tệ. Do lãi suất tăng lên, đồng USD cũng tăng giá và thường kéo theo các đồng nội tệ
 mất giá.

Mỹ có thể lợi dụng Mục 301 để cáo buộc Việt Nam can thiệp điều hành tỷ giá để tạo lợi thế cạnh tranh không công bằng cho các doanh nghiệp trong nước. Nhưng hiện rủi ro này thấp vì: đồng nội tệ chỉ mất giá khi Việt Nam phải mua ồ ạt USD để trả nợ nước ngoài khi đáo hạn, nhưng hiện nay, dự trữ ngoại tệ của Việt Nam rất cao, khoảng 90 tỷ USD. Việt Nam hoàn toàn có đủ khả năng để tung số ngoại tệ này ra nhằm duy trì giá trị đồng VND, không để mất giá. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng không cần phải can thiệp chính sách tỷ giá để ngăn đồng VND xuống giá. Ngoài ra, khác với những lần FED tăng lãi suất trước đây khi lạm phát ở Mỹ thấp hơn ở Việt Nam, lần này, lạm phát của Mỹ cao vọt so với Việt Nam. Hiện tỷ lệ lạm phát ở Việt Nam vẫn dưới 3% nên lãi suất và tỷ giá sẽ tương đối ổn định.

Thứ hai, việc FED tăng lãi suất không ảnh hưởng nhiều đến các dòng đầu tư nước ngoài đổ vào Việt Nam vì:

Một là, Việt Nam là sự lựa chọn an toàn và hấp dẫn đối với các nhà đầu
tư nước ngoài muốn tách dần khỏi Trung Quốc để giảm bớt rủi ro của việc đứt gãy chuỗi cung ứng, trong bối cảnh thế giới bị ảnh hưởng của chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, đại dịch COVID-19, xung đột tại Ukraine.

Hai là, theo chiến lược kinh tế của Mỹ với khu vực châu Á-Thái Bình Dương dự kiến sắp công bố, Việt Nam được coi là đối tác thương mại quan trọng của Mỹ ở khu vực. Rất nhiều doanh nghiệp Mỹ muốn tăng cường đầu tư vào Việt Nam nhằm tận dụng các lợi thế của Việt Nam.


Ba là, mặc dù lãi suất ở Mỹ tăng lên có thể khiến đồng USD trở nên hấp dẫn và các nhà đầu tư có thể đổ vốn vào trái phiếu chính phủ Mỹ, nhưng thực ra, trái phiếu chính phủ Mỹ hiện nay cũng không hấp dẫn nhiều vì lợi suất vẫn thấp, trong khi lạm phát ở Mỹ vẫn đang rất cao. Với mức chênh lệch giữa lãi suất trái phiếu và lạm phát ở Mỹ vẫn cao như vậy, thực tế vẫn là lãi suất thực âm nên nhà đầu tư không có lợi. Ngoài ra, nguồn vốn FDI vào Việt Nam phần lớn là ở ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, với tỷ trọng đầu tư luôn xấp xỉ 60% tổng vốn đầu tư. Đây là một lĩnh vực đòi hỏi vốn đầu tư lâu dài nên không thể vì việc lãi suất tăng lên mà doanh nghiệp lại ngừng triển khai dự án đã được nghiên cứu và hoạch định từ lâu để chuyển vốn sang nơi khác đầu tư.

Ngoài ra, một vấn đề có thể ảnh hưởng đến thị trường Việt Nam là tâm lý các nhà đầu tư bị ảnh hưởng khi FED tăng lãi suất. Do lo ngại đồng USD tăng giá nên nhiều người sẽ “găm giữ” USD, không giao dịch, khiến cho tỷ giá trở nên mất ổn định.

Những khuyến nghị với Việt Nam

Từ nay đến cuối năm, nếu FED tiếp tục tăng lãi suất thêm vài lần nữa thì lúc đó tác động tiêu cực sẽ rất lớn. Do đó:

Việt Nam cần tiếp tục theo sát các động thái của FED và xây dựng sẵn các kịch bản ứng phó với các khả năng FED sẽ tiếp tục tăng lãi suất thời gian tới. Trong đó, đặc biệt lưu ý tới việc điều hành tỷ giá một cách linh hoạt và ổn định mặt bằng lãi suất.

Việt Nam đã tạo được đệm an toàn cho việc điều hành chính sách tỷ giá là dự trữ ngoại hối cao, nhưng Việt Nam cũng cần chú ý thận trọng trong việc tiếp tục mua vào ngoại tệ để nâng cao dự trữ nhằm đảm bảo an ninh tài chính 
quốc gia.

Khi chính quyền Trump liệt Việt Nam vào danh sách thao túng tiền tệ vào cuối năm 2020, một trong những tiêu chí là Mỹ cho rằng Việt Nam đã can thiệp một chiều và kéo dài trên thị trường ngoại tệ, thể hiện qua việc mua ròng ngoại tệ trong ít nhất 6 tháng trên giai đoạn 12 tháng với tổng lượng ngoại tệ mua ròng tương đương ít nhất 2% GDP trong giai đoạn 12 tháng. Do đó, Việt Nam cần xem xét điều chỉnh cơ cấu dự trữ ngoại tệ bằng cách ổn định hoặc giảm dự trữ bằng đồng USD và cần tăng dự trữ bằng các ngoại tệ khác nhằm tránh bị coi là can thiệp thị trường tiền tệ quá ngưỡng với đồng USD.

Minh Ngọc

Bài mới
Đọc nhiều