+
Aa
-
like
comment

Việt Nam bảo vệ ngư dân trước “lệnh cấm đánh bắt cá” trên biển Đông của Trung Quốc

Thế Khoa - 05/05/2020 10:05

Mới đây, Cục Hải cảnh Trung Quốc ngang nhiên đưa tin “lệnh cấm đánh bắt cá thường niên” ở biển Đông với sự giám sát của lực lượng hải cảnh và kiểm ngư. Theo đó, cái gọi là “lệnh cấm đánh bắt cá phi pháp” được áp dụng từ 12h ngày 01/05 đến ngày 16/08. Điều đáng nói là gã láng giềng lại vô pháp vô thiên khi ngang ngược, khiêu khích  khoanh phạm vi cấm đánh bắt trải dài từ vùng biển phía Bắc biển Đông đến 12 độ vĩ Bắc, bao gồm cả một phần vịnh Bắc Bộ và quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam. 

Đến hẹn lại lên, cứ vào các tháng mùa hè trong năm, gã phương Bắc lại đơn phương đưa ra “luật” vô lý này. Cái gọi là “lệnh cấm đánh bắt cá” được áp dụng với lý do là một phần nỗ lực của Trung Quốc nhằm thúc đẩy bảo vệ môi trường biển, bảo vệ nguồn lợi biển. Thoạt đầu nghe có vẻ là yêu môi trường, cao đẹp đấy, nhưng thực tế đó là phục vụ cho ý đồ muốn tỏ ra Trung Quốc chính là chủ nhân, là quốc gia nắm quyền tại biển Đông. Thế nhưng, cả thế giới đều biết rằng “luật” mà Trung Quốc đưa ra chỉ có giá trị đối với gã hàng xóm tham lam và ngư dân của họ mà thôi, chứ không thể áp dụng đối với ngư dân các nước, trong đó có Việt Nam. Bởi Trung Quốc đâu phải là ông chủ ở biển Đông, khu vực này cũng chẳng phải là “ao làng” của họ và cũng không có luật pháp quốc tế nào công nhận điều đó.

Còn nhớ, tháng 05/2019 trả lời câu hỏi của phóng viên về việc Trung Quốc áp dụng cấm đánh bắt cá mà nước này cho là thường niên ở khu vực biển Đông, trong đó bao gồm một số vùng biển của Việt Nam, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng đã khẳng định rằng: “Việt Nam phản đối và kiên quyết bác bỏ quyết định đơn phương này của phía Trung Quốc. Quy chế này xâm phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, vi phạm các quyền và lợi ích pháp lý của Việt Nam trên các vùng biển của mình, vi phạm luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, đi ngược lại tinh thần và lời văn của Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông giữa ASEAN và Trung Quốc (DOC), trái với Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam – Trung Quốc”. Ấy vậy nhưng, có thể thấy phía Trung Quốc vẫn ngang nhiên “cấm biển”, điều này một lần nữa cho thấy mưu đồ độc chiếm biển Đông của gã hàng xóm lắm chiêu này không thay đổi mà ngược lại ngày càng gia tăng mức độ nguy hiểm hơn: khi cho tàu Hải Cảnh đâm chìm tàu cá của ngư dân Việt Nam rồi tráo trở vu cáo ngược lại; tiếp tục áp đặt các yêu sách chủ quyền phi pháp như xây “trạm nghiên cứu” ở Trường Sa; ngang nhiên đặt tên các khu vực quản lý hành chính ở Trường Sa và Hoàng Sa…

Tàu Hải Cảnh đâm chìm tàu cá của ngư dân Việt Nam rồi tráo trở vu cáo ngược lại (ảnh minh họa)

Chẳng phải ngẫu nhiên mà năm nào gã láng giềng mưu mô này lại “ca điệp khúc cấm biển” như trên, bởi theo như Chuẩn đô đốc Lê Kế Lâm phân tích: “Trung Quốc đang muốn sử dụng lực lượng tàu cá ngư dân để tiếm quyền dần dần trên biển Đông bằng con đường dân sự. Trung Quốc nhìn thấy được ý nghĩa quan trọng trong việc để ngư dân nước họ hiện diện trên biển Đông trong chiến lược thực hiện mưu đồ của họ”. Ai cũng hiểu tàu cá, hải cảnh và kiểm ngư của Trung Quốc là gì khi trên thực tế suốt những năm qua “đội quân” này không chỉ thực hiện việc đánh bắt cá hay tuần tra đơn thuần, mà Trung Quốc đang muốn dùng “biển tàu” làm bức tường thép quấn lấy vùng biển rộng lớn để độc chiếm. Có thể thấy, Trung Quốc đang thất thế trên mặt trận pháp lý, vậy nên gã phương Bắc tham lam đang đẩy mạnh việc sử dụng các lực lượng hải quân, hải cảnh, dân quân biển để đe dọa va đâm, ép buộc ngư dân các nước từ bỏ các ngư trường. Mặc dù sau các hành động này, Trung Quốc luôn tìm cách đổ lỗi, “ăn vạ”, thậm chí đe dọa các nước khác phải trả giá vì gây nên tình hình căng thẳng nhưng dư luận thế giới không ai chấp nhận nghịch lý này. Tiến sĩ James Rogers, Giám đốc Chương trình “Global Britain” thuộc Viện Henry & Jackson (Anh) đã nhận định: “Những tuyên bố chủ quyền phi pháp và hành động quá mức của Trung Quốc ở biển Đông đang hủy hoại luật pháp quốc tế, gây mất ổn định an ninh khu vực”. Còn ông Bill Hayton, tác giả cuốn “Biển Đông và Việt Nam” thì cho rằng “thật khôi hài khi chứng kiến Trung Quốc duy trì các tuyên bố chủ quyền nực cười, đồng thời cố gắng viết lại luật pháp quốc tế”.

Để đối phó trước mưu đồ dùng ngư dân Trung Quốc xâm lấn trên biển Đông cũng như lệnh “cấm đánh bắt cá” kỳ dị của gã phương Bắc, Việt Nam sẽ thực hiện đối sách khéo léo nhưng kiên quyết bảo vệ ngư dân, cùng ngư dân, vì ngư dân là bảo vệ chủ quyền. Chính phủ Việt Nam đã, đang và sẽ như vậy, chẳng có ai nghi ngờ về điều đó. Bên cạnh đó, lực lượng chấp pháp của ta còn ngăn chặn sự xâm phạm, gây hấn của Trung Quốc đối với vùng biển của Việt Nam. Đây là trách nhiệm, đồng thời là tình cảm với ngư dân, những người đang ngày đêm bám biển làm kinh tế và đóng góp bảo vệ chủ quyền đất nước. Vậy nên, người dân Việt Nam chẳng việc gì phải lo lắng cả biển của ta ta cứ căng buồm giông khơi, và hãy yên tâm vì bên cạnh bà con ngư dân luôn có lực lượng kiểm ngư, cảnh sát biển hùng hậu lúc nào cũng sát cánh cùng bà con ra khơi bám biển.

Mỗi chuyến vươn khơi với các ngư dân không chỉ để kiếm kế sinh nhai mà mỗi ngư dân là một chiến sĩ, mỗi con tàu là một cột mốc sống bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của tổ quốc.

Có thể ngư dân Việt Nam sẽ bị gã láng giềng tham lam giở trò trên biển Đông, nhưng chắc chắn không bao giờ họ buông xuôi. Như lời của ngư dân Hoàng văn Tuyến (Bình Sơn, Quảng Ngãi) bộc bạch: “Từ trước đến nay, mặc dù có sự bất trắc ở các ngư trường khiến ngư dân chúng tôi gặp nhiều khó khăn trong việc đánh bắt, đã có những chiếc tàu của ngư dân bị đâm chìm, nhưng điều đó không làm ngư dân chúng tôi sợ hãi mà bỏ ngư trường. Chúng tôi vẫn quyết tâm đánh bắt, bởi đó là biển của mình, là ngư trường truyền thống của mình. Bây giờ hay sau nay, chúng tôi vẫn khuyến khích con, cháu mình tiếp tục ra khơi đánh bắt để góp phần bảo vệ vùng biển, đảo mà ông cha ta từ ngàn xưa để lại”. Hay như anh Trần Hồng Thọ – vị thuyền trưởng có 16 năm chinh chiến ở Hoàng Sa, không còn xa lạ với hành động ngang ngược của Trung Quốc trên biển Đông chia sẻ: “Hàng chục năm đánh bắt xa bờ, chuyện tàu cá của mình bị Trung Quốc xua đuổi, cướp ngư cụ, cấm đánh bắt xảy ra như cơm bữa. Vì vậy họ cấm đánh bắt là việc của họ, còn mình cứ đánh ở vùng biển thuộc phạm vi của nước mình. Ngư dân chúng tôi không sợ gì cả”. Những lời ruột gan trên cũng là lời khẳng định đanh thép của những ngư dân rằng mỗi chuyến vươn khơi với họ không chỉ để kiếm kế sinh nhai mà mỗi ngư dân là một chiến sĩ, mỗi con tàu là một cột mốc sống bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của tổ quốc.

Thế Khoa 

Bài mới
Đọc nhiều