+
Aa
-
like
comment

Việt Nam – Anh thống nhất UNCLOS là cơ sở xác định quyền trên biển

01/10/2020 11:15

Việt Nam và Anh cam kết coi UNCLOS là nền tảng cho các quyền và hoạt động trên biển, trong Tuyên bố chung ngày 30/9.

“Chúng tôi nhấn mạnh Công ước luật biển năm 1982 của Liên Hợp Quốc (UNCLOS) là cơ sở xác định phạm vi các vùng biển, quyền chủ quyền, quyền tài phán và các lợi ích hợp pháp đối với các vùng biển; UNCLOS là khuôn khổ pháp lý toàn diện mà tất cả các hoạt động ở các vùng biển và đại dương phải tuân thủ”, Tuyên bố chung về Quan hệ đối tác chiến lược giữa Việt Nam và Anh ngày 30/9 nêu rõ.

Tuyên bố được đưa ra sau cuộc hội đàm giữa Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh và Ngoại trưởng Anh Dominic Raab. Ông Raab thăm chính thức Việt Nam trong hai ngày 29/9 và 30/9 nhân dịp hai nước kỷ niệm 10 năm thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược (2010-2020).

Phó thủ tướng Việt Nam Phạm Bình Minh, phải, và Ngoại trưởng Anh Raab ra Tuyên bố chung ngày 30/9 tại Hà Nội. Ảnh: BNGVN.
Phó thủ tướng Việt Nam Phạm Bình Minh, phải, và Ngoại trưởng Anh Raab ra Tuyên bố chung ngày 30/9 tại Hà Nội. Ảnh: BNGVN.

Theo tài liệu trên, Việt Nam và Anh tái khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì và thúc đẩy hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không, thực thi một cách thiện chí UNCLOS, giải quyết hòa bình các tranh chấp, không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực, tôn trọng các tiến trình ngoại giao và pháp lý, dựa trên luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS. Hai bên tiếp tục bày tỏ quan ngại sâu sắc về các diễn biến ở Biển Đông, bao gồm các hoạt động cản trở, cải tạo và quân sự hóa các cấu trúc đang tranh chấp, và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc không quân sự hóa và kiềm chế khi tiến hành các hoạt động và tránh các hành động có thể làm phức tạp thêm tình hình hoặc làm leo thang tranh chấp và ảnh hưởng đến hòa bình và ổn định.

Hai nước cũng tái khẳng định tầm quan trọng của việc thực thi đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), sớm hoàn tất một Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) hiệu quả, thực chất, phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS, không làm tổn hại đến quyền của các quốc gia hay lợi ích của các bên thứ ba theo luật pháp quốc tế.

Hôm 16/9, Anh cùng hai nước Pháp và Đức, đã gửi công hàm chung lên LHQ nhằm phản bác những yêu sách phi lý của Trung Quốc trên Biển Đông. Trong đó, ba nước nhấn mạnh UNCLOS là “khuôn khổ pháp lý” cho mọi hoạt động trên biển và cần được duy trì tính toàn vẹn.

Trong hợp tác ASEAN, Việt Nam và Anh cam kết trao đổi quan điểm thường xuyên về các vấn đề quan tâm trong khu vực, bao gồm công nhận vai trò trung tâm của ASEAN, bảo đảm hòa bình, ổn định, an toàn và tự do hàng hải và hàng không trong vùng biển trong khu vực Đông Nam Á nói riêng và khu vực châu Á – Thái Bình Dương nói chung. Việt Nam đang cùng các thành viên ASEAN xem xét việc để Anh trở thành Đối tác đối thoại của Hiệp hội, cùng thảo luận về đề xuất của Anh gia nhập Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Hai bên cho rằng hợp tác quốc tế giai đoạn hậu Covid-19 là vấn đề quan trọng để giải quyết các vấn đề của y tế toàn cầu.

Về hợp tác song phương, Việt Nam và Anh nhất trí nỗ lực hoàn tất Hiệp định thương mại tự do song phương, sau khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA) ngừng áp dụng đối với Anh tại thời điểm kết thúc giai đoạn quá độ Brexit. Kim ngạch thương mại hai chiều năm 2019 đạt 6,6 tỷ USD, đầu tư FDI của Anh vào Việt Nam đạt 3,7 tỷ USD. Hai nước cũng cam kết ưu tiên hợp tác phòng chống di cư trái phép, đưa người di cư trái phép.

“Trong 10 năm tới, quan hệ Đối tác chiến lược Việt – Anh không chỉ là khuôn khổ tăng cường quan hệ song phương mà còn nhằm giải quyết các vấn đề mà hai bên đóng vai trò hàng đầu trong cộng đồng quốc tế”, Tuyên bố chung ngày 30/9 cho biết.

Việt Anh/VE

Bài mới
Đọc nhiều