Mặc dù diễn biến dịch COVID-19 vẫn là một ẩn số với sự xuất hiện của biến chủng Omicron, tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế vẫn khá lạc quan khi cho rằng năm 2022 sẽ là bức tranh với gam màu tươi sáng đối với nền kinh tế Việt Nam.
Hiếm có năm nào, nền kinh tế trải qua nhiều cung bậc cảm xúc như năm nay. Cứ nhìn vào tốc độ tăng trưởng GDP theo từng quý là đủ biết điều ấy. Quý I, tăng trưởng GDP là 4,72%; quý II tăng 6,73%; quý III giảm 6,02%; và quý IV tăng 5,22%, để cả năm, con số đạt được là 2,58%.
Còn nhớ, năm 2021 đã bắt đầu bằng mức tăng trưởng 2,91% của năm 2020. Thời điểm đó, dịch Covid-19 ở Việt Nam đang dần được kiểm soát, nền kinh tế đang từng bước hoạt động trở lại trong điều kiện “bình thường mới”. Quý IV/2020, tăng trưởng GDP là 4,48%, mức cao nhất trong các quý của năm 2020.
Bởi thế, biết bao kỳ vọng đã được đặt ra cho năm 2021. Quốc hội quyết nghị mục tiêu tăng trưởng của năm 2021 là 6%, nhưng Chính phủ quyết tâm đạt được con số 6,5%, với tràn đầy hy vọng về sự phục hồi của nền kinh tế.
Nhưng biến chủng Delta đã phá vỡ tất cả mọi kế hoạch. Đợt dịch thứ tư bùng nổ, bắt đầu ngày 27 tháng 4, đặc biệt tấn công các khu kinh tế trọng điểm miền Bắc (Hà Nội, tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh) và miền Nam (Thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An). Số lượng các ca nhiễm COVID-19 lên tới hàng chục ngàn mỗi ngày. Tính đến ngày 20 tháng 12 năm 2021, theo WHO, tại Việt Nam có 1.524.368 người bị mắc COVID-19, 29 351 người trong số đó bị chết. Kiểm tra, truy vết những người bị nhiễm, giãn cách xã hội và kiểm dịch đã không còn có tác dụng, nên chính phủ đã buộc các doanh nghiệp đóng cửa và áp dụng cách ly nghiêm ngặt trong vài tháng. Kết quả là GDP trong quý III giảm 6,17% so với cùng kỳ năm ngoái, đó là sự sụt giảm sâu nhất của chỉ số này kể từ khi bắt đầu tiến hành các thống kê như vậy.
Tuy nhiên, đến tháng 10/2021, Thành phố Hồ Chí Minh dỡ bỏ cách ly. Các trung tâm sản xuất, công nghiệp và kinh doanh bắt đầu hồi sinh, mặc dù gặp vấn đề thiếu lao động, vì công nhân bỏ về quê không muốn quay nhà máy làm việc. Du lịch bắt đầu phục hồi, trong tháng 12, các du khách nước ngoài đầu tiên đã đến tắm biển tại Phú Quốc, các đường bay đang dần được mở lại. Tuy các nhà máy Việt Nam ngừng hoạt động đã tác động mạnh đến chuỗi sản xuất của các công ty lớn nhất thế giới, nhưng theo dự báo của Bộ Công Thương Việt Nam, đến cuối năm, kim ngạch thương mại của nước này sẽ tăng 21% so với năm 2021 và sẽ đạt con số kỷ lục 660 tỷ USD, và hơn 86% xuất khẩu sẽ là hàng gia công. Lĩnh vực tài chính và bất động sản đang phát triển tích cực.
Từ đó, nền kinh tế đã và đang bước vào quỹ đạo phục hồi, dần thích ứng linh hoạt với dịch bệnh. Bởi thế, dù tăng trưởng kinh tế năm 2021 là thấp nhất trong hơn 3 thập kỷ Đổi mới vừa qua, song đó vẫn là thành quả của sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị trong năm 2021. Hơn thế nữa, còn những thành tựu cũng rất đáng ghi nhận. Đó là kỷ lục xuất nhập khẩu trên 668 tỷ USD. Là kỳ tích thu hút đầu tư nước ngoài trên 31 tỷ USD. Là thu ngân sách vẫn vượt dự toán…
Dù xu hướng trong hiện tại của nền kinh tế là khá tích cực, nhưng khi năm mới 2022 sắp bắt đầu, nỗi lo lại tràn đến, rằng liệu cỗ xe kinh tế 2022 có vận hành trơn tru?
Để trả lời, phải nhắc đến nhận định của ông Joseph Zveglich, Jr., quyền Chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB). Rằng các đợt dịch bệnh bùng phát mới trong quý III/2021 đã khiến tăng trưởng GDP của khu vực châu Á bị chững lại. Thêm vào đó, sự xuất hiện của biến chủng Omicron đang dẫn đến tình trạng “bất định” mới. “Những nỗ lực hồi phục gần đây sẽ phải tính đến các diễn biến này”, ông Joseph Zveglich, Jr. nói.
Khi đánh giá tốc độ phục hồi những tháng cuối năm và triển vọng trong năm 2022, nhiều tổ chức kinh tế đưa ra nhiều nhận định lạc quan về kinh tế Việt Nam trong thời gian tới.
Bộ phận Nghiên cứu Toàn cầu HSBC nhận định kinh tế Việt Nam có thể lấy lại nhịp tăng trưởng GDP ở mức 6,8% trong năm 2022. Trong khi đó, các chuyên gia của VNDirect cũng dự báo GDP của Việt Nam dự kiến sẽ tăng 7,5% so với cùng kỳ vào năm 2022, với tốc độ phục hồi cao trên mọi phương diện.
Ngân hàng UOB cũng cho rằng nếu không có bất kỳ sự gián đoạn lớn nào như từ biến thể Omicron, Việt Nam có khả năng tiến tới mức mở rộng kinh tế “bình thường” hơn là 7,4% vào năm 2022 ở kịch bản lạc quan và khoảng 6-6,5% ở kịch bản cơ sở trên nền số liệu thấp của năm 2020 và 2021 và thế mạnh của các lĩnh vực ngoại thương hiện có.
Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng GDP 2022 đạt khoảng 6 – 6,5% năm tới. Với đà tăng trưởng đang dần được phục hồi cùng định hướng sống chung với COVID-19, nhiều chuyên gia kinh tế dự báo mức tăng trưởng có thể vượt xa hơn con số này nếu không có nhưng biến động lớn từ đại dịch.
Theo Ông Jonathan Pincus, Cố vấn kinh tế cao cấp của Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) cho rằng, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam có thể đạt 6,3% trong năm 2022 và 6,8% vào năm 2023 là hoàn toàn khả thi, tuy nhiên, mức tăng trưởng rõ ràng là phụ thuộc vào diễn biến của đại dịch.
Riêng Giám đốc Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam, ông Andrew Jeffries, đánh giá Việt Nam là nền kinh tế có độ mở lớn nên ảnh hưởng của dịch COVID-19 rất nặng nề và rõ rệt, nhưng đến nay, các đối tác thương mại lớn của Việt Nam đang trên đà phục hồi nhanh chóng và từ đó thúc đẩy giao thương mạnh mẽ hơn.
Đặc biệt, nhờ vào tỷ lệ tiêm vaccine COVID-19 tăng cao tạo điều kiện sớm mở cửa nền kinh tế, góp phần tăng trưởng trở lại.
“Việt Nam rồi sẽ dần lấy lại vị thế vốn có của mình trong năm 2022”, theo ông Andrew Jeffries.
Ông Jefferies cũng đưa ra lưu ý năm 2022, khu vực châu Á sẽ chứng kiến sự phục hồi xuất khẩu vượt trội và Việt Nam là quốc gia tiếp tục tận dụng được cơ hội để tăng tốc xuất khẩu.
Do đó, các doanh nghiệp Việt Nam cần nhanh chóng nắm bắt cơ hội này để đẩy mạnh xuất khẩu trong năm 2022, nâng cao chất lượng hàng hóa để tiến sâu vào nhiều thị trường lớn, tiềm năng hơn.
Năm 2022 đã chính thức bắt đầu, chúng ta vẫn chưa thể biết trước thời gian tới sẽ mang đến những bất ngờ gì cho Việt Nam và thế giới? Nhưng chúng ta hãy cùng hy vọng sẽ có nhiều điều tốt đẹp trong năm tới. Còn nếu không được như thế, chúng ta tin tưởng rằng dân tộc Việt Nam có đủ sức mạnh để đương đầu với các khó khăn.
Thực hiện: Bảo Trâm
Đồ họa: M.N