+
Aa
-
like
comment

Việt – Mỹ “hướng tới tầm quan hệ mới” khi điều kiện phù hợp

Bích Vân - 17/08/2023 18:08

Tại họp báo thường kỳ chiều 17.8, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng đã trả lời báo giới về quan hệ Việt – Mỹ. Trong đó nhấn mạnh, lãnh đạo cấp cao 2 nước đã nhất trí và 2 bên đang trao đổi các biện pháp để tiếp tục làm sâu sắc hơn nữa quan hệ 2 nước theo hướng ổn định, thực chất, lâu dài, hướng tới tầng mức quan hệ mới khi điều kiện phù hợp.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng. Ảnh: Nhật Hạ

Tại họp báo, trả lời báo giới về quan hệ Việt – Mỹ, bà Phạm Thu Hằng chia sẻ: “Thời gian qua, quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam – Mỹ phát triển toàn diện, sâu rộng, hiệu quả, thực chất trên tất cả các lĩnh vực của quan hệ song phương cũng như tại các cơ chế đa phương”.

Bà nhấn mạnh: “Lãnh đạo cấp cao 2 nước đã nhất trí và 2 bên đang trao đổi các biện pháp để tiếp tục làm sâu sắc hơn nữa quan hệ 2 nước theo hướng ổn định, thực chất, lâu dài, hướng tới tầng mức quan hệ mới khi điều kiện phù hợp và đóng góp cho hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển tại khu vực và trên thế giới”.

Trước đó, có nhiều thông tin xuyên tạc cho rằng Việt Nam nhiều lần đặt yêu cầu Mỹ nâng cấp mối quan hệ. Vì thế, đây như câu trả lời rõ ràng, dứt khoác cho những thông tin sai lệch đang được lan truyền trên MXH thời gian qua.

Quan hệ Việt – Mỹ được bình thường hóa vào năm 1995. Hai nước xác lập quan hệ Đối tác toàn diện năm 2013. Thương mại song phương đạt 123,86 tỷ USD năm 2022, tăng 11% so với năm 2021. Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam nhiều năm qua, trong khi Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ tám của Mỹ trên thế giới và là đối tác lớn nhất tại ASEAN.

Lũy kế đến tháng 6/2023, đầu tư trực tiếp của Mỹ tại Việt Nam đạt 11,73 tỷ USD với hơn 1.200 dự án, đứng thứ 11 trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Hàng năm có 23.000-25.000 sinh viên Việt Nam theo học tại Mỹ. Việt Nam là nước đứng đầu Đông Nam Á và đứng thứ 5 thế giới về số lượng sinh viên theo học ở Mỹ.

Mỹ năm 2017 và 2021 chuyển giao hai tàu tuần tra lớp Hamilton cho Việt Nam thông qua Chương trình bán trang bị quốc phòng dư thừa (EDA).

Hai bên ưu tiên hợp tác nhân đạo, khắc phục hậu quả chiến tranh, hoàn tất tẩy độc dioxin ở sân bay Đà Nẵng (6/2012-11/2018), tiếp tục triển khai dự án tẩy độc sân bay Biên Hòa (từ tháng 4/2019). Việt Nam đã phối hợp cùng Mỹ tìm kiếm và kiểm kê quân nhân Mỹ mất tích trong chiến tranh ở Việt Nam. Hoạt động đã giúp xác định và trao trả cho Mỹ hài cốt của hơn 730 quân nhân.

Hồi tháng 3, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng điện đàm với Tổng thống Mỹ Joe Biden. Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị hai nước đưa hợp tác kinh tế, khoa học, công nghệ là trọng tâm và động lực cho quan hệ. Ông Biden khẳng định Việt Nam là đối tác quan trọng của Mỹ, ủng hộ một Việt Nam “độc lập, tự cường và thịnh vượng”.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken hồi tháng 4 thăm Việt Nam vào dịp kỷ niệm 10 năm Việt – Mỹ thiết lập quan hệ Đối tác toàn diện. Khi tiếp ông Blinken, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đánh giá những kết quả tích cực trong quan hệ hai nước thời gian qua là cơ sở để tiếp tục nâng quan hệ hai nước lên tầm cao mới.

Cũng trong cuộc họp báo, phản hồi về thông tin Việt Nam mong muốn tham gia nhóm BRICS, Người phát ngôn Phạm Thu Hằng, cho hay: “Là thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế và thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hoá, đa dạng hoá quan hệ đối ngoại, Việt Nam luôn sẵn sàng tham gia và đóng góp tích cực tại các cơ chế, tổ chức, diễn đàn đa phương toàn cầu và khu vực. Cũng như nhiều nước trên thế giới, chúng tôi quan tâm theo dõi tiến trình thảo luận về mở rộng thành viên của nhóm BRICS”.

Bà Hằng thông tin thêm, trong hội nghị thượng đỉnh 15 của BRICS tổ chức tại Nam Phi ngày 24.8, Việt Nam là 1 trong 71 nước được nước chủ nhà Nam Phi mời tham gia. Được biết, hội nghị BRICS lần này gồm hội nghị BRICS – châu Phi và Đối thoại BRICS mở rộng. Việt Nam dự kiến cử đại diện tham gia các hội nghị này.

Bích Vân

Bài mới
Đọc nhiều