Việt kiều Mỹ: Những cảnh đời khốn khổ vì dịch, xếp hàng dài chờ được… thuê
Sau gần một tháng được phép làm lại, nhiều người Việt ở California (Mỹ) lại lâm vào cảnh khổ trần ai khi tiền thuê vẫn phải trả mà thu nhập không có một đồng (ngoại trừ những doanh nghiệp nhỏ nhận trợ cấp trong chương trình PPP).
Gần hai tuần sau Lễ Quốc khánh Mỹ, số ca dương tính Covid-19 ở Mỹ tăng lên mỗi ngày. Các kỷ lục liên tiếp bị phá vỡ ở nhiều bang lẫn toàn quốc.
Sau khi càn quét các tiểu bang miền đông bắc Mỹ như New York, New Jersey, Connecticut, Massachusetts, Virginia và Maryland, “tâm dịch Covid-19” đã chuyển xuống các bang thuộc Sun Belt (vành đai mặt trời) như Florida, Texas, Arizona và Georgia hay các tiểu bang miền Midwest (Trung Tây) như Mississippi, Alabama, Missouri… Và trường hợp ngoại lệ là California – đông dân và giàu có nhất ở bờ tây nước Mỹ.
Khi dịch Covid-19 và sự chết chóc bao trùm New York, cùng với Washington, California được coi là hình mẫu chống dịch thành công khi số ca nhiễm lẫn số ca tử vong nằm ở mức rất thấp bởi đã chủ động đóng cửa từ rất sớm. Thế nhưng, đứng trước áp lực mở cửa để cứu nguy nền kinh tế (và có lẽ cộng thêm những đêm không ngủ xuống đường ủng hộ phong trào Black Lives Matter), chỉ trong vòng mấy tuần ngắn ngủi, rất nhiều quận hạt và thành phố đã tự biến mình thành thảm họa. Với gần 350.000 ca nhiễm, nếu là một quốc gia độc lập, California sẽ là vùng dịch thứ năm, ngay sau nước Nga.
Những người nhập cư lậu trên đất Mỹ phải lao thân bán sức lao động kiếm vài đồng tiền lẻ, nuôi sống bản thân và gửi về nước mẹ giúp đỡ gia đình.
Tổng thống Donald Trump từng tuyên bố sẽ không tiếp tục đóng cửa nền kinh tế nếu có làn sóng thứ hai tràn tới. Thống đốc của đảng Cộng Hòa ở Florida, Texas, Arizona và Georgia chỉ chấp nhận dừng lại việc mở cửa giai đoạn 3 hay 4.
Riêng California lại làm điều gần như ngược lại. Vào ngày 13.7, Thống đốc Gavin Newsom ra lệnh tất cả những ngành nghề hoạt động bên trong như nhà hàng, rạp hát, bảo tàng, sở thú và bar sẽ phải đóng cửa mà không biết ngày mở lại. Ngoài ra, với 30 quận với số ca nhiễm tăng cao, các tiệm tóc, nail, spa, massage, phòng tập thể dục, trung tâm thương mại, cơ sở tôn giáo… cũng phải ngừng hoạt động.
Thế là sau gần một tháng được phép làm lại, nhiều người Việt ở California lại lâm vào cảnh khổ trần ai khi tiền thuê vẫn phải trả mà thu nhập không có một đồng (ngoại trừ những doanh nghiệp nhỏ nhận trợ cấp của chính phủ cho chương trình PPP).
Anh Cường, bạn tôi, sống giữa lòng quận Cam, mấy hôm trước bảo, mặc dù người Việt sợ dịch Covid-19 kinh hồn, nhưng cũng tới lúc họ ngán ngẩm và bắt đầu “sống chung với lũ”. Quán cà phê, nhà hàng, chợ búa đã đông trở lại. Bà con cũng ra đường ăn uống, mua sắm một cách bình thường như chưa hề có việc gì xảy ra. Chả trách, mỗi ngày, quận Cam ghi nhận gần cả ngàn ca nhiễm. Và quận Los Angeles gần đó chót vót ở mức 3.000 đến 4.000 ca nhiễm mỗi ngày. Chỉ một hai ngày nữa thôi, số ca dương tính của quận Los Angeles sẽ ở mức 150.000, cao gấp rưỡi đất nước Canada bên cạnh.
Người nghèo – người giàu: Khoảng cách càng lớn
Cuối tháng 7, có hai sự kiện đang làm người nghèo nước Mỹ lo sốt vó. Thứ nhất, nếu không có gì thay đổi, chương trình thêm 600 USD trợ cấp mỗi tuần của chính phủ liên bang sẽ kết thúc. Những gì mà gần 30 triệu người Mỹ đang thất nghiệp sắp tới có thể nhận được chỉ dao động 213 USD ở Mississippi tới 555 USD ở Massachusetts (bình quân 378 USD) mỗi tuần. Với mức trợ cấp này, chắc chắn sẽ không ai có thể sống nổi nếu không có tiền tiết kiệm khi mà thực phẩm ngày một đắt đỏ và tiền nhà vẫn ở mức trên trời.
Tất cả đang hướng về thượng viện Mỹ. Nơi dự luật Heroes Act đang nằm trên bàn làm việc. Người nghèo Mỹ đang trông chờ mức trợ cấp thêm này sẽ kéo dài tới tháng 9 hay thậm chí cuối năm. Chứ không hệ lụy của nó vô cùng khủng khiếp khi rất nhiều bang vẫn chưa hoàn toàn mở cửa trở lại.
Và cũng vào cuối tháng 7, tòa án khắp nước Mỹ bắt đầu mở cửa trở lại. Lệnh đuổi người thiếu nợ ra khỏi nhà (eviction) sẽ được tháo bỏ. Sheriff (thi hành án) sẽ xử lý mớ hồ sơ tồn đọng từ trước dịch. Trang CNBC dự đoán, sẽ có từ 20 đến 28 triệu người Mỹ (đặc biệt da màu) thuê hoặc sở hữu nhà sẽ bị quăng đồ ra đường, trở thành người vô gia cư nếu chính quyền không can thiệp.
Là người làm quản lý cho thuê mướn nhà, bốn tháng nay, tôi phải lo sốt vó khi tiền nhà mỗi tháng thu vào giảm dần nhưng vẫn dừng lại ở mức 91%, So với các công ty khác trên thị trường loay hoay ở mức 70-75% ít ỏi thì chúng tôi đã quá thành công. Văn phòng không tiếp khách, cắt giảm nhiều dịch vụ.
Vào giữa tháng 3, tòa án đóng cửa. Dưới lệnh của các thống đốc bang, sheriff không được đuổi ai ra đường và chủ (landlord) bị cấm gọi điện đòi, gây áp lực hay nhắc đến từ “nợ”. May thay, phần lớn những người thuê nhà vẫn thanh toán đều đặn, dù hơi cực. Trả bằng ngân phiếu hay money order thì phải bỏ phong bì, thả vào văn phòng, sẽ có người nhận. Nếu bằng thẻ tín dụng thì phải lên mạng hoặc gọi tới công ty.
Tôi phải chia lịch, o bế, động viên nhân viên đi làm để giữ thu nhập cho chủ. Bên cạnh đó, vẫn có nhiều người chúng tôi gọi là dead fish (những con cá chết), dù có tiền vẫn thản nhiên ở không thèm trả xu nào. Theo đà này, nhiều người ở miễn phí cả năm trời cũng không ai dám đụng tới vì tòa sẽ ngập lụt với hàng triệu vụ kiện.
Thời dịch Covid-19, có một thực tế đau lòng mà ai cũng phải thừa nhận, thị trường chứng khoán đã hồi phục trở lại; các công ty lớn, ông chủ to ngày một giàu thêm; tài khoản tiết kiệm của người vẫn giữ được việc làm ngày một tăng lên bởi thu nhập hầu như vẫn không thay đổi và họ chẳng tiêu xài gì nhiều vào du lịch, ăn uống hay mua sắm; những người mất việc, đủ điều kiện lãnh trợ cấp, ung dung sống với số tiền nhận được từ chính phủ liên bang lẫn tiểu bang.
Cơn ác mộng ở miền đất hứa
Nhưng các doanh nghiệp nhỏ như nhà hàng, khách sạn, người làm tự do hầu như lâm vào cảnh cùng đường.
Không phải ai cũng đủ điều kiện để lãnh trợ cấp (vì họ chưa đóng đủ bảo hiểm thất nghiệp, thường là 18 tháng). Riêng tiểu bang Maryland nơi tôi đang sống, hiện tại theo thống kê có 624.000 đơn xin trợ cấp thất nghiệp. 78% đã được thanh toán, 17% bị từ chối, và 3,8% (khoảng 24.000 người) vẫn đang chờ suốt 4 tháng nay chưa nhận được xu nào. Nếu có vấn đề gì sẽ là một cơn ác mộng khi cố gắng liên lạc Sở Lao động khi nhân viên phải xử lý một lượng hồ sơ khổng lồ.
Và có một sắc dân khác, bị ảnh hưởng vô cùng nặng nề, gấp mấy lần người Việt. Mỗi sáng, trước các cửa hiệu 7Eleven hay Home Depot, đoàn người dài đăng đẳng của những người trẻ già gốc Mỹ Latin kiên nhẫn xếp hàng chờ ai đó tới thuê mình về làm. Có thể nói, hầu hết những công việc nặng nhọc ở nước Mỹ từ phụ bếp, phục vụ nhà hàng, nhân viên cầu đường, lao công, quét dọn các công ty hay chợ búa… trong vài chục năm nay đều do những anh Carlos, Luis, Gabriel, những chị Lillia, Lupe, Lourdes cáng đáng. Họ là thành phần cốt cán, xương sống của xã hội tiêu dùng nước Mỹ.
Hầu hết trong số họ là người nhập cư lậu, không tấm giấy lận lưng. Họ rời làng, bỏ quê đầy rẫy ma túy, súng đạn, bắt cóc, giết người ở Colombia, El Salvador, Guatemala hay đất nước láng giềng Mexico bên cạnh để tìm đến một thiên đường nước Mỹ lung linh, sang giàu đổi đời, để rồi không một mảnh giấy trong tay (hay có mà toàn giấy giả). Họ phải lao thân bán sức lao động kiếm vài đồng tiền lẻ, nuôi sống bản thân và gửi về nước mẹ giúp đỡ gia đình. Tối chui vô trong căn hộ cho thuê tới vài chục người chen chúc ngủ một đêm lấy sức. Những người không có số social security number (an sinh xã hội) thì sẽ được Sở Thuế vụ IRS cấp cho mã số thuế, để có thể làm việc một cách hợp pháp. Khi mất việc, nhiều người không dám xin trợ cấp vì sợ ICE (Cơ quan Thực thi Di trú và Hải quan Mỹ) sẽ bắt và tống khứ về nước.
Tôi đã từng một mình lang thang khắp các nước Nam và Trung Mỹ yên bình lẫn rẫy đầy bạo lực. Từ Argentina, Brazil, Uruguay tới Costa Rica, Colombia, Peru, Panama, Mexico và đặc biệt là El Salvador, ở đâu cũng thấy rõ sự chênh lệch giàu nghèo hiện ra mồn một. Bên cạnh các khu nhà bạc triệu giàu sang của giới thượng lưu giàu có, là hình ảnh những người vô gia cư trẻ già có đủ lê lết nằm trên vỉa hè của thủ đô Mexico City, Quito, San Salvador, Santiago… hay những người nghèo da đen nhẻm, từ miền quê lên thành phố bán bánh kẹo, trái cây, đồ ăn vặt hay vé số trên xa lộ, cao tốc giữa trưa nắng cháy da. Mới hiểu được tại sao người ta bất chấp đến miền đất hứa như Mỹ chỉ mong muốn đổi đời, kiếm nhiều tiền giàu có.
Gần sáu tháng sau ca nhiễm đầu tiên, nước Mỹ vẫn loay hoay không biết làm thế nào trước sự tàn phá của Covid-19. Họ vẫn mãi tranh cãi với nhau về lợi ích của khẩu trang. Chính quyền liên bang lẫn tiểu bang vẫn chưa tìm được tiếng nói chung giữa lúc số ca nhiễm ngày một tăng đến mức chóng mặt.
Nguyễn Hữu Tài/ TNO