Viết cho những người yêu Trump
Vậy là kết quả bầu cử đã rõ nét, ông Trump có thể nghỉ hưu sau 4 năm cầm quyền, nếu ông muốn ông vẫn có thể tái cử vào năm 2024, lúc đó ông bằng tuổi ông Biden hiện nay. Điều đó còn phụ thuộc vào ông, cũng như uy tín của ông trong đảng Cộng Hoà và công chúng Mỹ.
Tại sao ông Trump lại được một bộ phận lớn người dân Mỹ cũng như Việt Nam thần tượng, sự thần tượng hoá một nhân vật chính trị thường ít thấy trong văn hoá Mỹ hay Việt Nam nói chung, trừ người lập Quốc như Washington hay Bác Hồ. Đại bộ phận các nhân vật chính trị thường thua các ngôi sao điện ảnh, thể thao hay ca nhạc về sức lôi cuốn cá nhân cũng như uy tín xã hội.
1. Trump gây mâu thuẫn xã hội hay mâu thuẫn nội tại từ hai Đảng?
Ở Mỹ, ông Trump là nhân vật gây chia rẽ xã hội sâu sắc. Không phải ông cố tình gây ra chuyện đó, chỉ đơn giản xã hội Mỹ trong thời đại công nghiệp mới vốn đã có sẵn sự chia rẽ mà ông chỉ là người đào sâu nó mà thôi. Đảng cộng hoà đại diện cho tầng lớp tư bản cũ gồm các ngành công nghiệp nặng, các ngành nông nghiệp truyền thống. Gắn liền với nó là cuộc sống của hàng trăm triệu người Mỹ là nông dân, công nhân, lái xe, thợ thủ công, họ là những người đã đóng góp cho sự phát triển vượt bậc của Mỹ sau thế chiến thứ 2. Họ là những người làm cho nước Mỹ trở nên vĩ đại vào cuối thế kỷ 20, khi mà nền công nghiệp nặng vẫn là nền tảng cho sự phát triển của chủ nghĩa tư bản Mỹ.
Cuối thế kỷ 20 đầu 21, toàn cầu hoá bùng nổ, giấc mơ Mỹ là nơi hàng chục triệu người dân toàn thế giới hướng đến, dân số Mỹ tăng cơ học một cách tự nhiên. Làn sóng di cư ồ ạt đến Mỹ gồm những người giàu có, tài giỏi, họ tham gia vào những ngành đang phát triển như công nghệ thông tin, sinh học, vật liệu mới. Cùng với đó là tầng lớp lao động chân tay sẵn sàng làm bất cứ điều gì ra tiền miễn là có tấm thẻ căn cước Mỹ. Đa phần trong số họ theo quan điểm của Đảng Dân Chủ, nơi tập trung của giới tư bản công nghệ mới nổi, giới truyền thông và giới Ngân hàng.
Xã hội Mỹ bỗng phân chia một cách sâu sắc giữa hai phe cũ và mới, người Mỹ gốc và nhập cư, Công nghiệp và Công nghệ. Mâu thuẫn xã hội trở nên trầm trọng hơn khi các bang bờ đông và tây hưởng lợi từ việc phát triển công nghệ mới, còn các bang miền trung vốn phụ thuộc công nghiệp trở nên bị tụt hậu. Dân chủ chiếm lĩnh hầu hết các bang giàu có ở hai bờ, còn Cộng hoà nằm kẹp giữa ở vùng đất miền trung cằn cỗi. Khi Trump lên làm tổng thống, người cộng hoà cảm thấy được tôn trọng, những giá trị cũ cần được bảo vệ, nó mâu thuẫn với tư tưởng toàn cầu hoá, bình đẳng giới, bảo vệ môi trường của Dân Chủ. Chính vì vậy, Trump phải là người cân bằng quyền lợi đó nếu không muốn xã hội Mỹ thêm mâu thuẫn nội tại.
Nhưng thật đáng buồn, Trump chỉ phục vụ lợi ích của Đảng mà quên mất vai trò của tổng thống là đoàn kết toàn dân, tạo động lực cho xã hội phát triển. Mọi chính sách của Trump để thực hiện cam kết trước cử tri Cộng hoà là tạo việc làm cho tầng lớp công nghiệp cũ bất chấp bảo vệ môi trường, gây chiến tranh thương mại, tăng cường bảo hộ… những hành động đó ảnh hưởng tới giới công nghệ vốn hưởng lợi từ toàn cầu hoá. Làm suy yếu vai trò lãnh đạo toàn cầu của Mỹ và mất uy tín nước Mỹ trước đồng minh và bè bạn thế giới.
Trump đã cố tình gạt bỏ những cam kết quốc tế của Mỹ chỉ để phục vụ nhóm cử tri Cộng hoà và gây thiệt hại cho nhóm công nghiệp mới của Dân chủ tất nhiên người Dân Chủ, sẽ không ngồi yên.
2. Tính cách Trump và văn hoá Mỹ
Trump là tổng thống bị chế nhạo nhiều nhất lịch sử nước Mỹ không chỉ chính sách mà còn tính cách cũng như đời tư. Xuất thân con nhà giàu, sự nghiệp học hành cũng chẳng đi đến đâu. Năm 13 tuổi do tính cách ngỗ ngược nên bố ông ta tống vào học một trường thiếu sinh quân bán trú tại New York, với việc thúc ép của gia đình cuối cùng ông ta cũng học xong đại học với kết quả học tập mà cho đến nay là tài liệu mật của trường Fordham. Trump thích cách ăn nói xã hội, kiểu bỗ bã đôi khi có phần khiếm nhã. Chính điều này lại rất hợp với tầng lớp cử tri Cộng hoà vốn xuất thân ít học và thích sự gần gũi. Tuy nhiên, cách ăn nói này của Trump bị lên án là vô học, ông thường gọi các đối thủ chính trị bằng ngôn từ nhạo báng rất thiếu văn hoá, đôi khi những nhân vật đáng kính trong xã hội Mỹ cũng bị gọi theo cách đó. Trên wikipedia có hẳn một chương thống kê các câu tục tĩu của Trump khi gọi tên người khác, kiểu như người Việt gọi thằng này thằng nọ kèm theo tên bố mẹ họ hoặc thói xấu.
Từ vựng của ông Trump rất hạn chế, cú pháp không gãy gọn, ông lặp đi lặp lại nhiều cụm từ giống nhau đến mức tối nghĩa. Ông ta cũng thường xuyên viết sai chính tả trên Twitter, hoặc viết vài câu vô nghĩa khiến người đọc phát điên. Nhưng đó lại là niềm hưng phấn của Fan Trump, họ cho rằng thế mới thật, thế mới thẳng thắng không màu mè. Thực chất ông ta không thể nói lịch sự theo cách thông thường bởi cuộc đời kinh doanh đã ngấm những ngôn ngữ tục tĩu – xã hội vào máu ông từ lâu.
Trump không chấp nhận thất bại và là người quyết tâm? Thực chất, ông thường xuyên đổi lỗi cho khách quan và không bao giờ nhận sai về mình. Đó là tính cách điển hình của người bảo thủ và ít học, nhưng điều đó lại rất hợp với cử tri công nhân, nông dân, thợ thuyền bên Mỹ.
3. Tại sao ông Trump được ủng hộ ở Việt Nam?
Nhiều người giải thích vì Trump chống Trung Quốc, Trump thân Việt Nam… điều này hoàn toàn do ngộ nhận. Bởi chính sách đối ngoại thời kỳ của Trump là hổ lốn, cảm tính và không bài bản. Tất cả những gì chúng ta thấy chỉ là lời nói, chống Trung Quốc cũng vậy, hành động cụ thể chỉ mang tính biểu tượng ít có giá trị thực tế. Chính Trung Quốc đang muốn Trump tái cử để nước Mỹ thêm mẫu thuẫn và tàn lụi sẽ là cơ hội trỗi dậy của Trung Hoa.
Người Việt yêu quý Trump bởi 3 lý do chính.
– Cứ tổng thống Mỹ là mê vì đó là biểu tượng quyền lực của một cường quốc mà dân Việt Nam luôn ngưỡng mộ.
– Người Việt giống cử tri Cộng hoà Mỹ thích sự bỗ bã trong ăn nói, thích sự ngang tàng kiểu Khá Bảnh trong hành xử, và điều đó làm họ cảm thấy gần gũi.
Giới tinh hoa Mỹ và Phương Tây nghĩ gì về Trump? Họ coi thường tính cách cá nhân và phông văn hoá của ông ta, điều đó thể hiện nhiều trong khảo sát, đầy dẫy trên mặt báo và mạng xã hội phương tây. Tuy nhiên, cho dù người yêu kẻ ghét, nhưng đối với xã hội Mỹ, Trump vẫn là biểu tượng của chủ nghĩa bảo thủ Cộng Hoà. Nó rất được ủng hộ trong một xã hội phân hoá sâu sắc giữa giàu- nghèo, đen- trắng và có học với thất học. Rất có thể Trump vẫn được ủng hộ sau năm 2024 để thắng cử nhiệm kỳ 2 của mình, khi mà Dân chủ không lấp đầy mâu thuẫn xã hội mà Trump đã đào sâu hơn trong nhiệm kỳ của ông ta.
Quan Doan Le
*Bài viết thê hiện quan điểm và văn phong của tác giả