+
Aa
-
like
comment

Việt Á phối hợp với HCDC TP.HCM như thế nào?

23/12/2021 19:00

Ngay từ đầu tháng 06/2021, trước diễn biến vô cùng phức tạp của dịch bệnh, Công ty CP Công nghệ Việt Á (Công ty Việt Á) đã gửi công văn đến Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), đề nghị được tham gia, mở rộng, tăng năng lực xét nghiệm cho thành phố.

Chiều 23/12, tại buổi họp báo định kỳ về công tác phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn, ông Nguyễn Hồng Tâm, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), cho biết đầu tháng 6/2021, dịch bệnh tại TP diễn biến phức tạp, số ca mắc tăng cao. Lúc này, TP.HCM có nhu cầu cao về xét nghiệm PCR để bóc tách F0 khỏi cộng đồng. TP yêu cầu ngành y tế thực hiện xét nghiệm từ 100.000 mẫu/ngày lên 300.000 mẫu, sau đó tiếp tục tăng lên 500.000 mẫu/ngày.

Công ty Việt Á phối hợp với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM như thế nào? - Ảnh 1.
Ông Nguyễn Hồng Tâm, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM, thông tin tại buổi họp báo

Với tình hình cấp bách nêu trên, lãnh đạo TP.HCM cho phép tận dụng tối đa năng lực xét nghiệm trên toàn TP, không kể công tư. Thời điểm này, HCDC đã huy động, phối hợp với toàn bộ các phòng xét nghiệm của Viện Pasteur, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, một số bệnh viện…

Hưởng ứng lời kêu gọi của TP.HCM về tất cả tầng lớp xã hội tập trung hỗ trợ tham gia chống dịch, một số đơn vị, trong đó có Công ty CP Công nghệ Việt Á đã gửi công văn đến HCDC, đề nghị được tham gia, mở rộng, tăng năng lực xét nghiệm cho TP.

Sau đó, ngày 11/6, HCDC đã có văn bản gửi Sở Y tế TP.HCM đề xuất chủ trương phối hợp với Công ty Việt Á theo hình thức Việt Á cung cấp máy móc, đặt tại cơ sở 2 Bệnh viện Ung bướu TP.HCM (TP Thủ Đức).

Theo ông Tâm, thời điểm tháng 6/2021, HCDC được giao nhiệm vụ đảm bảo năng lực xét nghiệm cao ở mức “khủng khiếp”. HCDC buộc phải vận dụng tất cả các phương án hiện có, kể cả các cơ sở xét nghiệm tư nhân.

Thông tin thêm về việc HCDC mua kit test nhanh như thế nào, ông Tâm cho biết TP.HCM bắt đầu sử dụng kit test nhanh từ tháng 6 đến tháng 9-2021. Thời điểm này, nhu cầu bóc tách F0 tăng nhưng xét nghiệm PCR không theo kịp với tốc độ lây lan của chủng Delta. Vì vậy, TP chuyển qua sử dụng kit test nhanh. HCDC căn cứ theo danh mục của Bộ Y tế cho phép và luôn đàm phán để có giá thấp nhất thị trường.

Giải thích về việc mua được giá thấp, ông Tâm cho hay do đơn vị sử dụng nhiều, mua với số lượng lớn. Giá mỗi loại kit test theo từng thời điểm dao động từ 50.000 đến 178.000/kit.

Thông tin thêm về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh Văn phòng Sở Y tế TP.HCM, cho biết ngày 14-6, Sở Y tế có văn bản trả lời trên tinh thần chấp nhận đề xuất. Bởi lẽ, đây là thời điểm TP rất cần xét nghiệm RT-PCR sàng lọc các đối tượng chẩn đoán. Sau đó, Công ty Việt Á đưa máy móc, nhân sự, sinh phẩm… đến đặt tại cơ sở 2 Bệnh viện Ung bướu TP HCM.

Theo bà Mai, Công ty Việt Á tham gia thực hiện xét nghiệm rất nhiều mẫu. Thời điểm đó, số ca F0 tại quận Bình Tân, quận 8, quận 12… tăng nhanh, nhiều cơ sở xét nghiệm của TP HCM quá tải. Vì vậy, những nơi nào quá tải sẽ chuyển mẫu về cho Việt Á xử lý.

Sau đó 2 tuần, Tập đoàn Vingroup cũng hưởng ứng sự huy động của TP.HCM tham gia chống dịch, đã chi trả toàn bộ chi phí xét nghiệm liên quan vật tư tiêu hao, trang thiết bị…, bao gồm cả chi phí của Công ty Việt Á tham gia xét nghiệm.

Theo bà Mai, qua rà soát, TP.HCM có 2 bệnh viện mua sắm các kit test, sinh phẩm của Công ty Việt Á. Cụ thể, Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch mua 1.250 kit test (tổng số tiền là 636.562.500 đồng) và  Bệnh viện TP Thủ Đức mua 65.870 kit test (tổng giá trị 32.022.967.500 đồng). Cơ quan chức năng đang làm rõ các thông tin liên quan.

Hải Yến

 

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều