Việt Á phải trả lại số tiền “chiếm đoạt” khổng lồ từ Nhà nước
Trong đề xuất gói củng cố hệ thống y tế khoảng 76.000 tỷ đồng của Bộ Y tế, có hạng mục chi cho xét nghiệm sàng lọc cộng đồng, mua vaccine để thực hiện chương trình tiêm chủng toàn dân khoảng 32.000 tỷ đồng. Số tiền này sẽ được trích từ ngân sách và Quỹ vaccine phòng chống dịch Covid-19. Tuy nhiên, mấy ngay nay, dư luận vô cùng phẫn nộ với vụ việc công ty Việt Á nâng khống giá kit test Covid-19 nhằm trục lợi và chiếm đoạt hàng ngàn tỷ đồng ngân sách chống dịch của đất nước.
470.000 đồng là mức giá phổ biến cho một bộ kit test Covid-19 mà CDC các tỉnh/thành và cơ sở y tế phải trả cho Công ty Việt Á. Thậm chí, một số nơi còn mua kit test Việt Á với mức giá 509.250 – 600.000 đồng/kit. Điều đáng nói, nếu như giá một bộ kit xét nghiệm của công ty Việt Á nằm ngất ngưởng trên trời thế kia thì bộ kit xét nghiệm của Công ty Cổ phần Sao Thái Dương có giá 300.000 đồng/test, Công ty Dược phẩm Ampharco (dùng xét nghiệm gộp mẫu) có giá chỉ 175.000/test. Chẳng lẽ, chất lượng của kit test Việt Á vượt trội hơn hẳn các loại test khác sao? Trong khi, nhìn hình ảnh nơi sản xuất kit test chẳng khác nào là nhà kho phế liệu, đồng thời WHO cũng chẳng chấp thuận kit xét nghiệm của Công ty Việt Á cho quy trình sử dụng khẩn cấp.
Theo như điều tra ban đầu, công ty Việt Á đã cung ứng kit xét nghiệm cho CDC và cơ sở y tế của rất nhiều tỉnh thành trên cả nước với doanh thu gần 4.000 tỷ đồng, tương đương đâu đó khoảng 8,5 triệu kit test. Bài toán đặt ra, nếu giá kit Việt Á nằm ở khoảng mức giá trung bình của một số công ty cung cấp cùng loại test PCR khác trong nước thì số tiền ngân sách bỏ ra cũng chỉ khoảng 2000 tỷ đồng trở lại. Thậm chí, con số này còn có thể thấp hơn. Tuy nhiên, để thu lợi nhuận bất chính và chi tiền ngoài hợp đồng, các đối tượng của Công ty Việt Á đã nâng khống giá thiết bị, chi phí nguyên vật liệu đầu vào đưa vào thuyết minh cơ cấu giá, xác định giá bán là 470.000 đồng/kit. Đồng thời, những kẻ bất nhân còn thỏa thuận và chiết khấu hợp đồng cho lãnh đạo bệnh viện, CDC các tỉnh, thành phố trong quá trình cung cấp sản phẩm. Rõ ràng, số tiền Nhà nước thất thoát từ đường dây thổi giá này là một con số rất lớn. Chỉ riêng CDC Hải Dương thông qua 5 hợp đồng đã có giá trị lên đến 151 tỷ đồng, chưa kể số tiền “lại quả” cho Giám đốc CDC Hải Dương Phạm Duy Tuyến gần 30 tỷ đồng.
Vì thế, việc cơ quan chức năng khởi tố vụ án vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng là hoàn toàn có cơ sở. Một bản án thật nghiêm khắc là điều tất yếu nhưng trước tiên, cần làm rõ hành vi vi phạm pháp luật được các đối tượng, vai trò của từng đối tượng và hậu quả đã gây ra đối với đất nước và nhân dân để xác định trách nhiệm pháp lý cụ thể. Quan trọng nhất sau việc khởi tố, điều tra, xét xử vẫn là thu giữ các tài sản để đảm bảo khắc phục hậu quả, thu hồi tài sản cho Nhà nước. Tất cả các tài sản do phạm tội mà có và thu lợi bất chính sẽ đều bị tịch thu sung công quỹ. Bởi số tiền chiếm đoạt từ Nhà nước là số tiền phục vụ chống dịch, cần phải thu hồi sớm để đất nước và người dân tiếp tục chống dịch. Hơn nữa, một đồng của dân là của dân, một đồng cũng không được đụng vào, một đồng cũng phải trả lại cho người dân.
Cú bắt tay thổi giá kit xét nghiệm của công ty Việt Á với Giám đốc CDC tỉnh Hải Dương nhằm trục lợi là một vụ án cực kỳ nghiêm trọng và có thể nói, khi bị phát giác, đó là một minh chứng rõ nét sự quyết tâm của Đảng và Nhà nước. Đặc biệt, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã chỉ đạo quyết liệt: “Xử nghiêm người lợi dụng chính sách phòng chống dịch để trục lợi”. Trong đợt dịch nguy hiểm vừa qua, hàng ngàn người thuộc lực lượng tuyến đầu lao mình vào tâm dịch, làm việc bất chấp ngày đêm, chấp nhận xa gia đình hàng năm trời để cứu chữa người bệnh. Người dân thì oằn mình chống dịch, vậy mà có những kẻ ngồi máy lạnh nâng giá, ăn lời tiền tỷ kit xét nghiệm. Đó là hành vi bất lương, không thể chấp nhận được, cần sớm triệt tiêu tận gốc để làm gương cho các doanh nghiệp cũng như các tổ chức, đơn vị đang hoạt động trong lĩnh vực y khoa.
Đặng Trường