Viên ngọc quý từ “văn hóa ăn đũa” mà có
Để trả lời cho câu hỏi: Tại sao Việt Nam chúng ta có rất nhiều điểm hạn chế, cần phải thay đổi, cần phải nỗ lực nhiều hơn thế mà Việt Nam vẫn là địa chỉ hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài hơn Ấn Độ và các nước ASEAN khác?
Những điểm chưa tốt mà nhiều người Việt Nam chúng ta hay kể ra là tham nhũng, quan liêu, cửa quyền, hạ tầng giao thông, chi phí logicstic…., nhưng đó mới chỉ là những góc nhìn hạn hẹp, chưa đầy đủ. Diễn đàn kinh tế thế giới WEF đã tổng quát hoá thành 12 trụ cột, 98 tiêu chí để chấm điểm và xếp hạng hàng năm.
Theo xếp hạng của WEF thì năm 2019 năng lực cạnh tranh quốc gia của Việt Nam chỉ đứng thứ 67, thấp hơn Singapore, Malaysia, Thái Lan, Indonesia, Philippines, đứng trên Ấn Độ đúng 1 bậc. Thế nhưng có một thực tế không thể phủ nhận là trái với thứ hạng năng lực cạnh tranh thấp, Việt Nam vẫn thu hút được vốn đầu tư nước ngoài, vẫn xuất khẩu hàng hoá giá trị cao hơn các nước Asean và Ấn Độ (trừ Singapore).
Lý giải cho nghịch lý này có nhiều quan điểm nhưng bằng những thực tế phát triển kinh doanh của FPT ở thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, các nước ASEAN và Nam Á, bằng những quan sát các nhà đầu tư nước ngoài ở Việt Nam, cá nhân tôi cho rằng yếu tố quyết định chính là văn hóa mà tôi tạm gọi là “văn hóa ăn đũa”.
Văn hoá ăn đũa, chính là văn hoá của các nước Đông Bắc Á, bao gồm Trung Hoa, Nhật Bản, Triều Tiên (Korea) và Việt Nam. Bốn dân tộc này có lịch sử gắn kết với nhau, cùng theo lịch mặt trăng, cùng tết mặt trăng, tết trung thu, cùng thờ cúng tổ tiên, cùng hệ chữ viết và rõ nhất là cùng ăn đũa.
Thời mới Toàn cầu hoá, FPT hăm hở sang Mỹ, sang Châu Âu, nhưng đi đâu cũng thua Ấn Độ, họ không những đi trước FPT hơn 10 năm, xét tiêu chí gì họ cũng hơn, từ kinh nghiệm, năng lực, tiếng Anh, tính toàn cầu hoá, đến cả giá cả họ cũng chẳng đắt hơn. Chính nhờ văn hoá ăn đũa mà FPT Software đã vượt qua Ấn Độ ở thị trường Nhật Bản (mặc dù chấm các tiêu chí khác chẳng hơn Ấn Độ cái gì, chỉ hơn mỗi điểm là gần gũi về văn hoá). Chính nhờ thành công ở Nhật Bản mà khi FPT Software quay lại Mỹ, Châu Âu mới đủ sức để giành được hợp đồng từ các công ty Ấn Độ.
Các cô Oshin giúp việc nhà Việt Nam trụ lại được ở Đài Loan cũng bằng văn hoá. Oshin Philippines vừa khoẻ hơn, chăm chỉ hơn lại biết tiếng Anh, vừa làm giúp việc, vừa làm gia sư, thế nhưng nấu ăn lại không hợp khẩu vị chủ nhà, còn Oshin Việt Nam nấu ăn lại hợp, thế là chủ nhà vẫn chọn.
Người Nhật, người Hàn Quốc khi chọn giao hợp đồng hay đầu tư ở quốc gia nào, ngoài các yếu tố chuẩn quốc tế, họ thường thêm một yếu tố văn hoá, nghĩa là họ có thấy thoải mái, thấy vui vẻ, hạnh phúc khi sang đấy sống, làm việc và công tác không? Không những thế, nhiều ông người Nhật còn lựa chọn cả thành phố, ví dụ như chúng tôi giao hợp đồng này, nhưng chúng tôi muốn giao cho FPT Đà Nẵng thực hiện chẳng hạn.
Thế nên không phải bỗng dưng mà Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Hồng Kông, Singapore là 5 trong số 6 quốc gia đầu tư nước ngoài lớn nhất vào Việt Nam. Gần gũi văn hoá là một điểm cộng rất quan trọng mà trong 12 trụ cột, 98 tiêu chí của WEF không hề có, nhưng nó lại có giá trị rất lớn, rất quan trọng.
Đến đây sẽ có bạn nói phải làm ăn với Mỹ và Châu Âu chứ. Tất nhiên là có, nhưng thực tế Mỹ và Châu Âu thường đầu tư vòng: Thứ nhất, là qua các quốc gia quần đảo miễn thuế hoặc thuế rất thấp như Virgin, Mauritius, Cyprus (quần đảo Virgin đầu tư vào Việt Nam 20 tỷ USD chứ không ít đâu). Thứ hai, là đầu tư vòng qua các công ty Đài Loan, Hàn Quốc, Singapore như Foxconn, Luxshare, PouYuen. Chẳng hạn, các nhãn hàng Apple, BlackBerry, Cisco, Dell, HP là do Foxconn sản xuất, các nhãn hàng Nike, Adidas, Punma, Brock Brother chính là do PouYuen sản xuất.
Tất nhiên chúng ta không thể bóc cái “văn hoá ăn đùa” Đông Bắc Á của cha ông ra mà ăn, chúng ta phải thay đổi, phải cải cách, phải nỗ lực để Việt Nam có năng lực cạnh tranh cao hơn các nước khác. Những lĩnh vực đang đứng thứ hạng quốc gia trên 100 (theo xếp hạng của WEF), cần phải nỗ lực rất nhiều là: Sở hữu về tài sản, sở hữu trí tuệ, kiểm toán-kế toán, xung đột lợi ích, hạ tầng đường bộ, hạ tầng đường không, viễn thông băng rộng, chất lượng dậy nghề, kỹ năng của sinh viên khi tốt nghiệp, tư duy phản biện, hệ thống ngân hàng, thời gian khởi sự của doanh nghiệp, thủ tục phá sản….
Cuối cùng tôi muốn nói rằng: Cải cách, thay đổi, nâng cao các lĩnh vực yếu kém liệt kê ở trên là việc cần làm và làm thật mạnh mẽ của cả Chính phủ, doanh nghiệp và người lao động. Tất cả cùng nỗ lực cao độ, nhưng với giới doanh nhân, doanh nghiệp đừng bao giờ quên cái vốn quý, viên ngọc quý “văn hóa ăn đũa”, bởi Đông Bắc Á là khu vực chiếm đến 22,5% tổng GDP toàn cầu, là khu vực năng động nhất, tăng trưởng cao nhất, là động lực tăng trưởng của thế giới trong thế kỷ 21, mà Việt Nam chúng ta là một thành viên trong đó.
Đỗ Cao Bảo
*Bài viết mang quan điểm và văn phong riêng của tác giả