Viện Lowy: “Sự tích hoang đường về ‘đường chín đoạn’ sai trái của Trung Quốc”
Mới đây, Lowy Institute – Tổ chức phân tích chuyên sâu về các vấn đề nóng trên thế giới đã có bài viết mới với tựa đề “Sự tích hoang đường về đường chín đoạn sai trái của Trung Quốc”. Trong bài viết, nhóm tác giả chỉ ra rất rõ vì sao câu chuyện này là hoang đường và đã bị cả cộng đồng quốc tế cũng như Việt Nam phản đối như thế nào.
Vấn đề chủ quyền Biển Đông từ lâu đã trở thành một trong những vấn đề có tính chất phức tạp bậc nhất trên thế giới, mà tất cả đều đến từ những yêu sách vô cùng phi lí của Trung Quốc. Không sai khi nói rằng, những yêu sách và tham vọng độc tài của Trung Quốc chính là một phần nguyên nhân khiến cho tình hình tại khu vực này ngày càng trở nên căng thẳng và nghiêm trọng hơn. Một trong số đó phải kể đến tấm bản đồ “Đường chín đoạn” đầy thị phi và chưa bao giờ được công nhận của quốc gia này.
“Đường lưỡi bò” hay “Đường chín đoạn” là những tên gọi khác nhau của vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam bao gồm các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, và những bãi đá ngầm có điểm giới hạn phía Nam là vĩ tuyến 40. Năm 1953, “Đường 11 đoạn” này được Trung Quốc điều chỉnh thành “Đường 9 đoạn”. Nhưng, vùng biển này luôn luôn thuộc về Việt Nam và yêu sách của Trung Quốc luôn bị các nước trên thế giới phản đối, đồng loạt không thừa nhận bởi những lý do sau:
Thứ nhất, dưới góc nhìn lịch sử, Trung Quốc luôn khẳng định đã đặt tên cho các thực thể ở Biển Đông từ thời kỳ cổ đại. Tuy nhiên, không có bằng chứng nào chứng minh việc Trung Quốc xác lập chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Hơn nữa, Việt Nam lại có đầy đủ bằng chứng chứng minh hai quần đảo này đã có trong hệ thống tổ chức hành chính của Nhà nước Việt Nam từ thời phong kiến.
Thứ hai, dưới góc nhìn pháp lý, yêu sách của Trung Quốc chỉ có duy nhất góc nhìn một phía với nội dung rất mập mờ, lại không hề có căn cứ pháp lý rõ ràng. Trên thực tế, từ khi xuất hiện cho đến nay, Trung Quốc cũng không có một văn bản cũng như lời giải thích cụ thể nào về bản chất pháp lý của yêu sách này cho cộng đồng quốc tế. Ngược lại, Việt Nam lại có văn bản, bản đồ cũng như được luật pháp quốc tế công nhận một cách rành mạch, rõ ràng bằng giấy tờ và các điều luật quốc tế.
Cuối cùng, dưới góc nhìn quốc tế, có thể thấy rõ rằng yêu sách của Trung Quốc được đưa ra một cách đơn phương, không dựa trên thỏa thuận với bất kỳ quốc gia nào. Bên cạnh đó, yêu sách này cũng không có tính ổn định và dứt khoát mà thay đổi liên tục theo thời gian. Trong khi đó, các phán quyết của Tòa Trọng tài quốc tế chỉ rõ đặc tính quan trọng nhất của đường biên giới biển là tính ổn định và dứt khoát và được hơn 100 quốc gia trên thế giới công nhận.
Quốc tế đồng lòng, lên án Trung Quốc
Chúng ta phải nhìn nhận rằng, yêu sách trên Biển Đông của Trung Quốc là một âm mưu cực kỳ cố chấp, tinh vi và nham hiểm. Đương nhiên, quốc tế không thể nào công nhận, thậm chí tỏ rõ thái độ thông qua các công hàm phản đối gay gắt.
Kể từ khi nêu yêu sách ra Liên Hợp quốc, Trung Quốc đã vấp phải rất nhiều sự phản đối của các nước trong và ngoài khu vực. Các nước như Việt Nam, Indonesia, Philippines đã ngay lập tức gửi công hàm chính thức phản đối yêu sách của Trung Quốc. Nhật Bản, Ấn Độ, Australia và nhiều nước khác bày tỏ quan ngại về tự do an toàn hàng hải trên vùng Biển Đông. Nhiều học giả có nghiên cứu sâu về luật biển ở các nước như Pháp, Canada, Bỉ,… đã có nhiều bài viết vạch rõ tính phi lý, mâu thuẫn, mập mờ và ngang ngược thể hiện trong yêu sách này.
Trong các quốc gia phản đối yêu sách, Mỹ là một trong những quốc gia đầu tiên có phản ứng nhanh và vô cùng quyết liệt. Đặc biệt, vào ngày 2/6/2020, Mỹ đã gửi công hàm lên Liên Hiệp Quốc để phản đối yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc ở biển Đông. Trong công hàm, Mỹ bác bỏ tất cả điều khoản mà Trung Quốc đưa ra vì không phù hợp với luật pháp quốc tế dựa trên Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982. Bên cạnh đó, Mỹ cũng khẳng định các yêu sách hàng hải về Biển Đông của Trung Quốc hoàn toàn là “phi pháp”, các nhà chức trách Mỹ cũng sẵn sàng dùng lý lẽ để đập tan những luận điệu “vô căn cứ” này của Trung Quốc.
Tiếp sau Mỹ là Indonesia khi vào ngày 5/6/2020, nước này xác nhận đã chính thức gửi công hàm lên Liên hợp quốc để bác bỏ yêu sách của Trung Quốc tại Biển Đông. Quan điểm của Indonesia là tuyệt đối không ủng hộ các yêu sách trái với luật pháp quốc tế mà phía Trung Quốc đưa ra. Việc Indonesia gửi công hàm phản đối trong bối cảnh căng thẳng tại khu vực đang leo thang một lần nữa thể hiện thái độ kiên quyết và lập trường nhất quán của quốc gia này đối với những hoạt động lộng hành của Trung Quốc tại khu vực Biển Đông. Hành động này cũng chứng tỏ rằng Indonesia đã cùng Malaysia và Việt Nam đóng góp tiếng nói chung trong việc đấu tranh chống lại tham vọng của Trung Quốc trên Biển Đông.
Không chỉ dừng lại ở Châu Á, Châu Mỹ, làn sóng phản đối Trung Quốc đã lan rộng sang cả Châu Âu khi ba nước Anh, Pháp và Đức, hay còn gọi là Nhóm E3, vào ngày 16/9/2020 cũng đã cùng nhau gửi công hàm chung lên Liên Hợp Quốc nhằm phản bác yêu sách vô lý của Trung Quốc trên Biển Đông. Nội dung công hàm khẳng định việc Trung Quốc vẽ ra cái gọi là “Đường chín đoạn” xung quanh quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam là vi phạm luật pháp quốc tế và các điều khoản của UNCLOS”, công ước mà Trung Quốc cũng là thành viên nhưng giờ chính Trung Quốc lại vi phạm một cách trắng trợn và táo bạo.
Theo tờ The Guardian số ra ngày 26/8/2020, Australia cũng đã thu hồi toàn bộ cuốn sách giáo khoa dạy ngôn ngữ, văn hóa và xã hội Trung Quốc do có in bản đồ “Đường chín đoạn”. Bên cạnh đó, Ấn Độ và Đài Loan cũng bày tỏ thái độ kịch liệt phản đối hộ chiếu của Trung Quốc có in hình “Đường chín đoạn” vì cho rằng đây là hành vi xâm phạm trắng trợn lãnh thổ và không thể chấp nhận được.
Chưa bao giờ việc phản đối Trung Quốc bành trướng lại mạnh mẽ như vậy, bởi dễ dàng nhận thấy trong mọi trường hợp, sự thật và sự thượng tôn pháp luật sẽ luôn được ưu tiên hàng đầu. Trung Quốc mặc đã dùng rất nhiều âm mưu và thủ đoạn để triển khai yêu sách, nhưng đến giờ phút này chưa có một quốc gia nào lên tiếng ủng hộ. Trái lại, Trung Quốc chỉ nhận được về được sự phản đối quyết liệt của cộng đồng quốc tế khắp năm châu, và đây cũng là xu thế chung của các quốc gia ưa chuộng hòa bình trên thế giới trong thời gian sắp tới.
Việt Nam kiên quyết bảo vệ chủ quyền biển đảo và không công nhận bất kỳ yêu sách nào của Trung Quốc tại Biển Đông
Từ lâu, Việt Nam đã khẳng định rằng biển đảo là một phần lãnh thổ quan trọng không thể tách rời khỏi lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc. Bởi vậy, dù tình hình trên biển có nhiều lúc căng thẳng, phức tạp, Việt Nam vẫn giữ vững mục tiêu, bảo vệ chủ quyền biển đảo, xây dựng môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước. Qua đó càng chứng minh chủ trương, đường lối, chính sách giải quyết bất đồng trên Biển Đông của Việt Nam là hoàn toàn đúng đắn, phù hợp với xu thế chung của thế giới.
Ngày 30/3/2020, Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc đã đệ trình Công hàm phản đối “luận điệu” của Trung Quốc. Công hàm của Việt Nam nêu rõ: “Việt Nam phản đối tất cả các yêu sách của Trung Quốc tại khu vực lãnh thổ thuộc chủ quyền của Việt Nam. Các yêu sách này vi phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam tại Biển Đông. Việt Nam có đầy đủ chứng cứ lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa, phù hợp với các quy định của luật pháp quốc tế.”
Với những tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông, Việt Nam kiên định lập trường giải quyết các tranh chấp theo nguyên tắc tôn trọng và hài hòa, bám sát theo Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982. Trong quá trình giải quyết lâu dài, Việt Nam luôn luôn kiềm chế, không có thêm hành động đơn phương gây căng thẳng, làm phức tạp thêm tình hình, đồng thời nỗ lực duy trì hòa bình ổn định, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, tuyệt đối tuân thủ nghiêm túc các chuẩn mực trong Bộ Quy tắc ứng xử Biển Đông (COC).
Song song với việc kiên quyết đấu tranh bảo vệ chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, Việt Nam cũng kiên trì đẩy mạnh phát triển kinh tế biển trong vùng đặc quyền kinh tế theo đúng các quy định. Mặt khác, Việt Nam sẽ nỗ lực cùng các bên liên quan thúc đẩy hợp tác an toàn biển, bảo tồn nguồn lợi thủy sản, bảo vệ môi trường biển, phòng chống tội phạm trên biển nhằm góp phần xây dựng lòng tin vì hòa bình thịnh vượng chung của khu vực và thế giới.
Việt Nam tôn trọng quyền tự do hàng hải và nỗ lực cùng các bên liên quan bảo đảm tự do an ninh, an toàn hàng hải và cho phương tiện của các nước qua lại Biển Đông. Việc bảo đảm hòa bình, ổn định ở Biển Đông là mối quan tâm chung của các nước trong và ngoài khu vực phù hợp với luật pháp quốc tế, đồng thời hoan nghênh nỗ lực và đóng góp của tất cả các nước vào việc duy trì hòa bình ổn định, bảo đảm tính thống nhất và toàn cầu của Công ước Luật biển năm 1982.
Ngoài ra, giải quyết các vấn đề tranh chấp trên Biển Đông là một quá trình lâu dài, khó khăn và rất phức tạp, nên để giải quyết tranh chấp và xử lý các vấn đề này thì Biển Đông cần được đặt trong tổng thể chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, trong chính sách đối ngoại hoà bình, độc lập và đa dạng hoá các mối quan hệ của Việt Nam trên toàn cầu.
Lan Hoa (Theo Lowy Institute)