+
Aa
-
like
comment

Viên kim cương xanh từng khiến Thái Lan – Arab Saudi từ mặt nhau

29/01/2022 08:20

Hơn 30 năm qua, Bangkok luôn nỗ lực hàn gắn với Riyadh, sau khi một công dân Thái Lan đánh cắp viên kim cương xanh của Hoàng tử Arab Saudi.

Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha hôm 25/1 tới thủ đô Riyadh của Arab Saudi tham gia cuộc đàm phán cấp cao đầu tiên giữa hai nước trong nhiều thập kỷ, với kết quả là tuyên bố chung “tái thiết lập hoàn toàn quan hệ ngoại giao”, cùng quyết định bổ nhiệm lại đại sứ ở hai nước. Hãng hàng không Saudi Airlines cũng thông báo sẽ nối lại các chuyến bay tới Thái Lan vào tháng 5.

“Bước tiến lịch sử này là kết quả của những nỗ lực lâu dài ở các cấp khác nhau, nhằm khôi phục lại lòng tin và quan hệ hữu nghị đôi bên”, tuyên bố chung có đoạn.

Rạn nứt trong quan hệ giữa Thái Lan và Arab Saudi xảy ra từ năm 1989 sau sự kiện có tên “Vụ án Kim Cương Xanh”. Rắc rối bắt đầu khi Kriangkrai Techamong, công dân Thái Lan làm nghề dọn dẹp tại cung điện của Hoàng tử Arab Saudi Faisal, con trai cả của cố vương Fahd, đánh cắp số trang sức và đá quý được cho là nặng tới 90 kg.

Nhờ công việc dọn dẹp, Kriangkrai nắm rõ mọi ngóc ngách trong cung điện và biết rằng ba trong số 4 két chứa đồ trang sức của Hoàng tử Faisal thường xuyên không khóa. Với khoản nợ chồng chất do đánh bạc cùng các nhân viên khác trong cung điện, sự sơ suất của Hoàng tử Faisal giống như cơ hội vàng để Kriangkrai trốn khỏi Arab Saudi.

Thời cơ của Kriangkrai xuất hiện khi Hoàng tử Faisal và vợ đi nghỉ dưỡng ba tháng. Một buổi tối, người đàn ông Thái Lan kiếm cớ vào cung điện, đợi cho đến khi các nhân viên khác rời đi rồi lẻn vào phòng ngủ của chủ nhân để đánh cắp trang sức. Ông dùng băng dính gắn chúng lên người và giấu trong dụng cụ dọn dẹp. “Chiến lợi phẩm” trị giá khoảng 20 triệu USD, trong đó có nhiều đồng hồ vàng và một số viên hồng ngọc cỡ lớn.

Đêm hôm đó, Kriangkrai mang trang sức và đá quý giấu khắp cung điện, ở những nơi ông biết sẽ không bị phát hiện, rồi hơn một tháng sau gửi về Thái Lan trên một chuyến hàng lớn. Kriangkrai cũng lên đường trở về quê hương, trước khi vụ trộm bị phát hiện.

Cảnh sát Thái Lan trưng bày một số trang sức thu hồi từ vụ trộm ở Arab Saudi năm 1989. Ảnh:Khaosod.
Cảnh sát Thái Lan trưng bày một số trang sức thu hồi từ vụ trộm ở Arab Saudi năm 1989. Ảnh: Khaosod.

Để đưa số tài sản đánh cắp qua cửa hải quan, Kriangkrai đã hối lộ giới chức Thái Lan. Ông đặt một phong bì tiền cùng mẩu giấy ghi chú trong lô hàng, viết rằng bên trong là văn hóa phẩm khiêu dâm nên ông không muốn bị lục soát. Kế hoạch diễn ra trót lọt.

Kriangkrai giữ lại một ít đá quý và trang sức, phần còn lại mang bán, nhưng nhanh chóng bị cảnh sát bắt và đã thú nhận hành vi trộm cắp. Ban đầu ông bị tuyên án 5 năm tù, nhưng được giảm xuống còn hai năm 7 tháng vì đã nhận tội. Cảnh sát Thái Lan sau đó thu hồi số trang sức và trả lại cho Arab Saudi.

Tuy nhiên, sự việc kể từ đó ngày càng rắc rối, bởi giới chức Arab Saudi khẳng định hầu hết số trang sức và đá quý hoàn trả là đồ giả. Các bức ảnh lan truyền còn cho thấy vợ của một quan chức cấp cao Thái Lan đeo chiếc vòng cổ rất giống một trong những món đồ mất tích.

Đáng chú ý nhất trong số các báu vật không rõ tung tích là viên kim cương xanh da trời quý hiếm 50 carat, có kích thước bằng một quả trứng. Cứ khoảng 10.000 viên kim cương sẽ có một viên mang màu đặc biệt. Trong số đó, kim cương xanh da trời thuộc loại loại quý hiếm và đắt đỏ nhất thế giới.

Arab Saudi đã nỗ lực truy tìm tung tích số trang sức biến mất, đặc biệt là viên kim cương xanh. Tuy nhiên, những sự cố đẫm máu đã xảy ra trong quá trình điều tra, trong đó có cái chết của ba nhà ngoại giao Arab Saudi tại Thái Lan hồi tháng 2/1990. Hai quan chức phụ trách visa thiệt mạng trên đường đến cơ quan do bị các tay súng tấn công, trong khi một tay súng khác xông vào căn hộ của đồng nghiệp hai nạn nhân và bắn chết người này.

Vài tuần sau, Mohammad al-Ruwaili, doanh nhân thân cận với hoàng gia Arab Saudi chịu trách nhiệm môi giới lao động Thái Lan sang làm việc tại nước này, được phái tới Bangkok để điều tra về số tài sản mất tích. Tuy nhiên, ông đã bị bắt cóc. Hầu hết ý kiến cho rằng ông bị ám sát, nhưng tới nay vẫn chưa tìm thấy thi thể. Sự cố này khiến Riyadh nổi cơn thịnh nộ và hạ cấp quan hệ ngoại giao với Bangkok.

Tháng 6/1990, Arab Saudi quyết định ngừng gia hạn visa cho hơn 250.000 người lao động Thái Lan tại đây và không cấp thêm visa loại này, đồng thời cấm công dân sang Thái Lan du lịch.

Mohammed Said Khoja, nhà ngoại giao Arab Saudi được cử tới Bangkok ngay sau vụ trộm để giám sát quá trình điều tra, công khai cáo buộc cảnh sát Thái Lan đánh cắp số trang sức và đá quý bị thu hồi, sau đó giết các doanh nhân và nhà ngoại giao Arab Saudi để che giấu hành vi tham ô.

Dưới áp lực ngày càng tăng từ phía Arab Saudi, Thái Lan đã cố tìm cách giải quyết tình hình. Họ xác định Santhi Sithanakan, một người buôn ngọc, được cho là chịu trách nhiệm cất giấu số tài sản Kriangkrai mang về, nhưng đã bán chúng đi và thay thế bằng đồ giả. Người đàn ông này trở thành nhân chứng quan trọng trong vụ án.

Tháng 7/1994, vợ và con trai của Santhi biến mất. Thi thể của họ được tìm thấy trong một ôtô ở ngoại ô Bangkok với những vết thương do bị tấn công, nhưng báo cáo pháp y cho biết họ thiệt mạng vì tai nạn giao thông. “Cơ quan pháp y nghĩ rằng chúng tôi ngu ngốc. Đây không phải tai nạn. Họ muốn che đậy sự việc”, Khoja cáo buộc.

Quan chức Arab Saudi đã nói đúng. Kết quả điều tra cho thấy cảnh sát chịu trách nhiệm tìm kiếm số trang sức và đá quý đã biển thủ một số món, đe dọa Santhi và sát hại vợ con ông để tìm kiếm tung tích những tài sản vẫn mất tích, dù Santhi nói rằng chưa từng nhìn thấy viên kim cương xanh. Chalor Kerdthes, người dẫn đầu cuộc tìm kiếm tài sản của Hoàng tử Faisal, phải ngồi tù 20 năm.

Chalor Kerdthes, cựu cảnh sát Thái Lan dẫn đầu cuộc tìm kiếm số tài sản bị đánh cắp của Hoàng tử Arab Saudi Faisal. Ảnh: AP.
Chalor Kerdthes, cựu cảnh sát Thái Lan dẫn đầu cuộc tìm kiếm số tài sản bị đánh cắp của Hoàng tử Arab Saudi Faisal. Ảnh: AP.

Kriangkrai, người châm ngòi căng thẳng giữa Arab Saudi và Thái Lan hơn 30 năm qua, hiện sống trong căn nhà nhỏ ở phía tây bắc Thái Lan. Ông không ngờ tội lỗi của mình lại trở nên nghiêm trọng đến vậy. Dù biết số tài sản rất đắt đỏ, Kriangkrai không ý thức được đầy đủ giá trị các báu vật cho tới khi ra tù.

“Những gì xảy ra giống như cơn ác mộng đối với tôi”, Kriangkrai trả lời phỏng vấn hồi năm 2019. Ngay sau khi ra tù, ông đã đổi họ để tránh làm xấu hổ con trai mình, nhưng vẫn không thoát khỏi cảm giác tội lỗi. Ông cho biết cuộc sống sau khi mãn hạn tù “đầy rẫy những việc đen đủi và đáng thất vọng”, nên quyết định đi tu vào tháng 3/2016 với mong muốn “xóa bỏ lời nguyền của viên kim cương xanh”.

“Tôi cũng muốn đóng góp công đức cho những người chịu ảnh hưởng bởi nghiệp chướng của tôi, cũng như những người đã ra đi trong quá khứ. Tôi muốn mọi người tha thứ cho những điều tôi đã làm”, Kriangkrai cho hay. Tuy nhiên, trong thời gian sống tại tu viện, ông vẫn không vượt qua được quá khứ và hoàn tục sau ba năm.

Srawut Aree, nhà nghiên cứu về Trung Đông và Hồi giáo tại Đại học Chulalongkorn, cho biết “mọi chính phủ Thái Lan trong hơn 30 năm qua đều cố gắng bình thường hóa quan hệ với Arab Saudi”.

Ông giải thích Arab Saudi giờ đây chấp nhận nối lại quan hệ vì họ muốn “kiến tạo hình ảnh mới trên trường quốc tế, trong khi Thái Lan muốn hàn gắn bởi họ có quan hệ tốt đẹp với mọi quốc gia Hồi giáo trừ Arab Saudi”.

Quan hệ hai bên đã có những dấu hiệu khởi sắc trong vài năm gần đây như trên lĩnh vực thương mại, khi Thái Lan nhập khẩu dầu thô và hóa chất sinh học từ Arab Saudi, đồng thời xuất khẩu phụ tùng ôtô, gạo và thủy sản chế biến sang quốc gia Trung Đông.

Trong tuyên bố chung hôm 25/1, chính phủ Thái Lan cho biết họ “lấy làm tiếc vì những sự cố bi thảm xảy ra với các công dân Arab Saudi ở Thái Lan từ năm 1989 đến 1990”, đề cập đến “Vụ án Kim Cương Xanh”, đồng thời nhấn mạnh mong muốn “giải quyết các vấn đề liên quan đến sự việc”.

Với tuyên bố này, hơn ba thập kỷ hoài nghi và lạnh nhạt giữa Thái Lan và Arab Saudi vì một vụ trộm dường như đã khép lại.

Ánh Ngọc 

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều