+
Aa
-
like
comment

Viện kiểm sát: ‘Cựu chủ tịch xây dựng cơ chế trái pháp luật cho riêng Đà Nẵng?’

04/01/2020 17:44

Trước những lời khai của cựu chủ tịch Đà Nẵng Trần Văn Minh về việc bán nhà đất công sản cho Phan Văn Anh Vũ đều đúng quy định pháp luật, viện kiểm sát đặt vấn đề bị cáo ‘xây dựng cơ chế trái pháp luật cho riêng Đà Nẵng?’.

Phiên tòa xét xử 2 cựu chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Trần Văn Minh, Văn Hữu Chiến cùng Phan Văn Anh Vũ và 18 bị cáo chiều 4-1 tiếp tục phần thẩm vấn.

Trong khi ông Minh từ đầu đến cuối đều khẳng định đã áp dụng đúng quy định pháp luật, thì giám định tư pháp của Bộ Xây dựng khẳng định UBND Đà Nẵng đã áp dụng sai.

Viện kiểm sát: Cựu chủ tịch xây dựng cơ chế trái pháp luật cho riêng Đà Nẵng? - Ảnh 1.
Cựu chủ tịch Trần Văn Minh tại tòa – Ảnh: TTO

Bán đất công cho Phan Văn Anh Vũ đúng quy định?

Trước những lời khai của cựu chủ tịch Trần Văn Minh tại tòa, viện kiểm sát cho biết cơ quan truy tố “cảm thấy rất gợn” bởi lẽ trong quá trình trả lời thẩm vấn, các bị cáo là cấp dưới của hai cựu chủ tịch đều thừa nhận hành vi vi phạm pháp luật theo chỉ đạo cấp trên.

Tuy nhiên bị cáo Minh lại khẳng định những chủ trương, quyết định đã thực hiện đều phù hợp pháp luật.

Trả lời xét hỏi của đại diện viện kiểm sát, ông Minh thừa nhận 22 nhà đất công sản mà cáo trạng xác định có sai phạm và truy tố trong vụ án là tài sản nhà nước. Tuy nhiên khi cho chuyển nhượng bị cáo đã căn cứ vào các quy định.

Thứ nhất, những tài sản không thuộc diện đối tượng nhà ở, không áp dụng theo Nghị định 61 như cáo trạng truy tố. “Vì các đơn vị này họ mua để kinh doanh. Đối tượng mua 22 nhà đất này không thuộc đối tượng điều chỉnh của Nghị định 61”, ông Minh trình bày.

Viện kiểm sát đặt vấn đề bị cáo trích dẫn căn cứ pháp luật Nghị định 38 để giảm giá 10% khi cho chuyển nhượng nhà đất công phù hợp với luật. Tuy nhiên, Nghị định 38 là hướng dẫn thực hiện theo Luật đất đai năm 1993, trong khi toàn bộ 22 nhà đất công sản mà viện kiểm sát truy tố ở vụ án này được xác định sai phạm tính từ năm 2004 đến 2014, áp dụng theo Luật đất đai 2003.

“Do vậy, phải chăng là bị cáo đang áp dụng luật đất đai cũ. Nghị định 38 đã được thay thế bằng Nghị định 198 năm 2004, những người mua tài sản nhà nước không qua đấu giá thì không được giảm tiền sử dụng đất”, đại diện viện kiểm sát hỏi.

Cựu chủ tịch Đà Nẵng lại biện luận Nghị định 38 hết hiệu lực năm 2004 thì Đà Nẵng có Quyết định 13 của Thủ tướng cho cơ chế riêng. Viện kiểm sát cắt ngang lời khai của ông Minh vì cho rằng đang làm rõ hành vi vi phạm luật hình sự của bị cáo.

Khi được hỏi quen Phan Văn Anh Vũ từ thời điểm nào, ông Minh nói không rõ ngày tháng mà chỉ trả lời trong thời gian làm chủ tịch từ năm 2006 – 2011. Trước lời khai trên, viện kiểm sát cho rằng bị cáo nói trái ngược với lời khai tại cơ quan điều tra.

Giám định viên: Đà Nẵng áp dụng sai quy định

Viện kiểm sát đề nghị thẩm vấn giám định viên tư pháp của Bộ Xây dựng để đối chất với lời khai của ông Minh. Giám định viên cho rằng UBND TP Đà Nẵng có quyết định nhà đất đang cho thuê được duyệt bán nhà theo diện công sản nếu nộp tiền một lần. Quyết định này trái với Nghị định 61 của Chính phủ.

Giám định viên cũng khẳng định việc “ưu ái” giảm 10% khi bán đất công sản áp dụng theo Nghị định 38 thì thời điểm thực hiện, nghị định này đã hết hiệu lực. Giám định viên cũng viện dẫn những trường hợp bán nhà đất theo chỉ định thì áp dụng Nghị định 140.

Theo đó quy định 3 trường hợp bán chỉ định gồm: Sau thời hạn bán đấu giá theo quy định chỉ có 1 tổ chức cá nhân đăng ký; thứ hai là bán phục vụ xã hội hóa; thứ ba là bán cho tổ chức cá nhân đang thuê nhà đất đó với điều kiện phải nằm trong tổng thể sắp xếp phương án bán đã phê duyệt và Sở Tài chính là đơn vị thẩm định giá trình UBND cấp tỉnh phê duyệt.

“Nếu bán không đáp ứng các điều kiện đó thì trái với nghị định của Thủ tướng”, giám định viên nói.

Viện kiểm sát đưa ra dự án 29ha khu đô thị quốc tế Đa Phước và hỏi ông Minh việc UBND TP Đà Nẵng chuyển nhượng theo “thỏa thuận nguyên tắc có phải cơ sở pháp lý”? Ông Minh đáp đối với loại đất chưa giải phóng mặt bằng thì thỏa thuận nguyên tắc là đúng quy định.

“Đất ở đây là đất mặt nước, trong quyết định nói lô đất này lô đất kia là trên giấy tờ, quy hoạch thôi còn không có đất. Đất đó là ông Vũ đổ làm kè, cơ sở hạ tầng còn nhà nước chỉ có mặt nước thôi. Đó là đất ô nhiễm, mặt nước chúng tôi thu tiền mà quy chúng tôi gây thất thoát”, ông Minh phân bua.

Viện kiểm sát cho rằng những câu trả lời của cựu chủ tịch Đà Nẵng đều không đúng câu hỏi. Viện kiểm sát nhắc đến công văn số 3531, nội dung quy định cho phép chuyển đổi tên nhà đất khi đã thực hiện đầy đủ nhiệm vụ tài chính.

Trong khi đó, theo quy định muốn chuyển đổi phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính và phải được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Tuy nhiên trong một số dự án, UBND TP Đà Nẵng vẫn đồng ý cho chuyển đổi sang tên Phan Văn Anh Vũ khi chưa cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Đại diện viện kiểm sát nói: “Các bị cáo xây dựng cơ chế cho riêng Đà Nẵng nhưng lại là cơ chế trái pháp luật, nhưng ngay cả cơ chế đó các bị cáo cũng thực hiện không đầy đủ”.

Dự án 4.700 tỉ mang bán 87 tỉ

Trước ông Minh, viện kiểm sát cũng thẩm vấn cựu chủ tịch Văn Hữu Chiến. Đối với dự án 29ha khu đô thị quốc tế Đa Phước, ban đầu ông Chiến nói đây là đất mặt nước, nhưng sau nhiều lần truy thì ông thừa nhận theo báo cáo của Sở Tài nguyên – môi trường thì thời điểm bán, dự án này là đất.

Viện kiểm sát đưa ra dẫn chứng, kết luận của hội đồng thẩm định giá trung ương xác định giá trị khu đất trên là hơn 4.700 tỉ đồng nhưng bị cáo nghĩ gì khi ký quyết định bán giá 87 tỉ đồng?

Ông Chiến lý giải dù được phân công phụ trách mảng tài nguyên – môi trường nhưng việc bán nhà đất công thì do chủ tịch thời đó là ông Trần Văn Minh trực tiếp giải quyết.

Ông Chiến đưa ra lý do thời điểm đó thành phố như đại công trường, bị cáo không thể kiểm tra, giám sát hết. Ông Chiến cũng phân bua các quyết định theo chủ trương Thành ủy, UBND, HĐND, còn vi phạm đến đâu đề nghị HĐXX xem xét.

THÂN HOÀNG/TT

Bài mới
Đọc nhiều