+
Aa
-
like
comment

Viện kiểm sát: ‘Ba ngân hàng giải quyết thế này, còn ai yên tâm gửi tiền?’

Thanh Lam - 20/03/2023 16:16

Tại tòa, NCB, PVcombank, VietAbank muốn giữ các sổ tiết kiệm trăm tỷ của khách, đẩy trách nhiệm bồi thường cho siêu lừa Hà Thành, song bị VKS bác, nói sai phạm có “lỗi rất lớn từ ngân hàng”.

Đại diện PVcombank tại phiên toà. Ảnh: Danh Lam

Ngày 20/3, TAND Hà Nội bước vào ngày xét xử thứ 12 vụ “siêu lừa” Nguyễn Thị Hà Thành ra tòa cùng 17 cựu cán bộ ngân hàng NCB, PVcombank và VietAbank và 8 người khác. 26 bị cáo bị truy tố ở ba nhóm tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Cho vay lãi nặng và Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến ngân hàng.

Trong bản luận tội công bố ngày 16/3, Hà Thành bị cơ quan công tố đề nghị tù chung thân, mức án cao nhất. Các cựu cán bộ ngân hàng từ 30 tháng tù treo đến 18 năm tù.

Sáng nay hướng giải quyết sổ tiết kiệm của các đại gia gửi tại ba ngân hàng này bị “siêu lừa” Hà Thành dùng thủ đoạn gian dối để cầm cố, vay tiền đã được VKS nêu trong phần tranh tụng.

Theo đó, VKS xác định các ngân hàng là bị hại, thiệt hại của họ sẽ do Hà Thành bồi thường (VietAbank: 249 tỷ đồng, NCB: 47,5 tỷ đồng và PVcombank: 49,4 tỷ đồng). Ba ngân hàng phải trả 109 tỷ đồng cho các chủ sổ tiết kiệm.

Đại diện ba ngân hàng đồng loạt phản đối quan điểm này. VietAbank, PVcombank và NCB đều cho rằng, quan hệ giữa Thành và các đại gia là quan hệ vay tiền, hứa hẹn trả lãi cao và các ngân hàng chỉ là “công cụ đảm bảo”, “công cụ tài chính” để rút tiền vay từ những đại gia này. Các bước gửi tiền, lập sổ tiết kiệm tại ngân hàng, theo đại diện PVcombank, đều là “giả tạo”, phục vụ lừa đảo.

“Các sổ tiết kiệm cần được coi là vật chứng vụ án, công cụ phạm tội, đề nghị tuyên hủy”, đại diện PVcombank cho hay. Theo ý kiến của ngân hàng, Hà Thành sẽ phải trả tiền cho khách, còn tiền tại sổ tiết kiệm của khách thì đền bù cho ngân hàng.

“Không thể có chuyện các đại gia vừa được Hà Thành bồi thường, vừa được cầm sổ tiết kiệm về”, vị đại diện trình bày.

Trước việc các bị cáo cho rằng một phần trách nhiệm trong vụ án thuộc về ngân hàng do quy trình không chặt chẽ, PVcombank phản đối với quan điểm: “Nếu họ làm đúng quy trình, không bao giờ xảy ra sai phạm”.

Đại diện VietAbank cũng đánh giá thực chất các đại gia cho Thành vay lấy lãi cao, “VietAbank chỉ là nơi trung chuyển khoản tiền”. Theo ngân hàng, các đại gia này không có ý định gửi ngân hàng để lấy lãi mà mục đích cho Hà Thành vay. Hà Thành sau đó lấy các sổ tiết kiệm này làm tài sản đảm bảo.

VietAbank cáo buộc, giữa các đại gia và Hà Thành có bàn bạc: “Nếu Thành không trả được tiền thì họ sẽ có cơ sở quay lại đòi ngân hàng. Đó là lý do Thành khăng khăng đòi lập sổ tiết kiệm đồng sở hữu”.

Ngân hàng này khẳng định không phải bị hại, không bị thiệt hại, do các khoản vay của Thành đều có tài sản đảm bảo là các sổ tiết kiệm đồng sở hữu. “Các đồng sở hữu đồng ý cho Thành dùng tiết kiệm để Thành xào xáo, câu kết với các cán bộ VietAbank có chức năng phê duyệt cao nhất để vay tiền, đó là tiền của họ, không phải của chúng tôi”.

Trong ba ngân hàng, duy nhất NCB không đề nghị giảm án cho các cựu cán bộ của mình với lý do “quan hệ vay mượn giữa khách hàng và Hà Thành không liên quan NCB”. Vị đại diện đề nghị HĐXX tuyên án theo pháp luật.

VKS: Nhân viên làm sai, ngân hàng phải có trách nhiệm

Đối đáp quan điểm này, đại diện VKS khẳng định không thay đổi quan điểm về tư cách tố tụng của ba ngân hàng và cho rằng phân tích của ba ngân hàng là “suy luận thiếu logic”. Việc đánh đồng số tiền các đại gia gửi vào sổ tiết kiệm với số tiền Hà Thành vay ngân hàng là vô căn cứ, vì đó rõ ràng là hai nguồn tiền khác nhau. “Thành làm mất tiền là mất tiền của ngân hàng, không phải làm mất tiền của chủ sở hữu sổ tiết kiệm”, công tố viên đánh giá.

Về các khoản vay của Thành, theo các ngân hàng, đều có tài sản đảm bảo là các sổ tiết kiệm Hà Thành đồng sở hữu các đại gia. Song VKS cho hay, chủ sổ tiết kiệm đều không biết và không đồng ý cầm cố các sổ này. Vấn đề đã được thể hiển rõ qua lời khai của Thành. Các kết luận giám định của cơ quan điều tra đã cho thấy các chữ ký trên các hợp đồng cầm cố đều do Thành giả chữ ký đồng sở hữu. Vì thế, các sổ này không thể coi là tài sản đảm bảo hợp pháp.

Theo VKS, việc VietAbank tự ý tất toán sổ tiết kiệm là không có căn cứ. Từ tháng 12/2019, cơ quan điều tra đã có văn bản yêu cầu các ngân hàng không được tự ý tất toán các khoản tiền liên quan vụ án hình sự đang giải quyết, thụ lý.

“VietAbank tự ý tất toán là không tuân thủ các quyết định của cơ quan điều tra”, kiểm sát viên khẳng định.

Các kiểm sát viên tại toà. Ảnh: Danh Lam

“Các ngân hàng cứ đòi thay đổi tư cách tố tụng, không bồi thường tiền cho người gửi sổ tiết kiệm, còn tự ý tất toán, rồi phong toả tài khoản, sổ tiết kiệm của khách hàng rất nhiều năm. Sau phiên toà hôm nay, những người chứng kiến phiên toà và nghe được những lời biện luận của VietAbank, PVcombank và NCB, giải quyết với khách hàng thế này thì còn ai yên tâm để gửi tiền vào nữa?”, nữ công tố viên đối đáp.

Theo bà, ngân hàng còn có tư cách là pháp nhân, nhân viên làm sai đương nhiên pháp nhân phải có trách nhiệm. Khi tuyển dụng nhân sự, không nâng cao công tác đào tạo, dẫn đến làm sai là “lỗi rất lớn của các ngân hàng”.

“Các ngân hàng phải bảo vệ quyền lợi cho mình. Song với người dân, khi gửi tiết kiệm, tài sản 500 triệu hay một tỷ đồng đã là rất lớn. Đây có những người lên đến 122 tỷ mà không lấy lại được, người ta cũng xót lắm chứ”, đại diện VKS nêu quan điểm.

Siêu lừa Hà Thành: ‘Cán bộ ngân hàng phạm tội vì quá tin tưởng tôi’

Chiều nay, nói lời sau cùng trước khi tòa nghỉ nghị án, siêu lừa Hà Thành gửi lời xin lỗi tới gia đình, tất cả người liên quan trong vụ án và đặc biệt là 25 đồng phạm. “Tôi vô cùng áy náy, hối hận, dù phải chịu phán quyết thế nào đi nữa, tôi cũng chấp nhận. Xin HĐXX xét đến vai trò của các đồng phạm, bởi thực sự họ phạm tội chỉ vì quá tin tưởng tôi”, bị cáo trình bày.

Là người bị đề nghị 16-18 năm tù, mức án cao thứ hai, sau chủ mưu Hà Thành, bị cáo Nguyễn Thị Thu Hương (cựu Trưởng bộ phận khách hàng Phòng giao dịch Đông Đô, VietAbank) nói lời xin lỗi đến VietAbank và các đồng nghiệp. “Thời gian qua, mọi nhân quả bị cáo đã gánh hết. Nhà bị cáo cũng đã bị bán trả nợ. Con còn nhỏ”, bà Hương khóc, xin được hưởng khoan hồng để về chăm sóc con.

Bị cáo Quỳnh Hương (cựu Trưởng phòng khách hàng cá nhân, Phòng giao dịch Đông Đô, VietAbank) là người duy nhất kiên quyết phủ nhận mọi cáo buộc. Bị cáo này cho hay đã chờ dợi hơn 2 năm qua để đứng tại phiên toà này và kêu oan. Cho rằng có “quá nhiều vấn đề” trong khâu buộc tội, Quỳnh Hương nói VKS chỉ sử dụng lời khai của những người có quyền lợi đối lập để buộc tội mình. “Thời gian bị tạm giam, nhiều lần bị cáo chỉ mong ngủ một giấc hôm sau không trở dậy”, Hương nói.

Các cựu cán bộ ngân hàng còn lại đều cho biết đã hối hận, nhận thức sai phạm. Họ xin toà mức án nhẹ để sau này “con cái còn có dũng khí bước chân vào làm ngành ngân hàng”.

9h ngày 24/3, tòa sẽ tuyên án.

Thanh Lam

Bài mới
Đọc nhiều